Lĩnh vực kế hoạch đầu tư
- Kiến nghị 1: Bão số 10 năm 2017 và tình hình mưa, lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến thời điểm báo cáo (19/10/2017), hiện tượng sạt lở vẫn diễn ra, các địa phương vẫn đang tiến hành rà soát, kiểm tra để đánh giá tình trạng và sẵn sàng di dời dân khi cần thiết.
Về thiệt hại: Tổng số người chết, bị thương và mất tích đến thời điểm báo cáo là 46 người, trong đó, số người chết và mất tích 34 người (đã tìm thấy 29 thi thể nạn nhân, còn 5 nạn nhân ở huyện Đà Bắc chưa được tìm thấy), 12 người bị thương; các công trình hạ tầng, giao thông, thủy lợi, tài sản, hoa màu… bị thiệt hại nặng nề. Tính đến nay, ước tính tổng thiệt hại lên đến 2.473.000.000.000 đồng (Hai nghìn, bốn trăm bảy mươi ba tỷ đồng). Trong đó: Thiệt hại về công trình công cộng 1.243.000 tỷ đồng; thiệt hại về nhà cửa dân cư bị ngập lụt và bị sạt lở hư hỏng 203 tỷ đồng; sạt lở khu vực TP Hòa Bình và ven quốc lộ 6 250 tỷ đồng; thiệt hại về sản xuất nông nghiệp 727 tỷ đồng; chi phí tìm kiếm cứu nạn và di dời tạm thời cho người dân 20 tỷ đồng; thiệt hại của các doanh nghiệp 30 tỷ đồng.
Để có điều kiện khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra nêu trên, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình trân trọng đề nghị ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quan tâm, chỉ đạo việc hỗ trợ nguồn kinh phí khẩn cấp cho tỉnh Hòa Bình thực hiện nhanh chóng các phương án khắc phục hậu quả mưa, lũ, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
Trả lời: Tại Quyết định số 1941/QĐ-TTg ngày 02/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của đợt mưa lũ lớn từ ngày 10 – 14/10/2017, tỉnh Hòa Bình được hỗ trợ 200 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.ư năm 2017 để thực hiện hỗ trợ dân sinh (hỗ trợ chính sách về người, nhà ở bị sập) và tập trung khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu như: y tế, trường học, nước sinh hoạt và sửa chữa, khắc phục các công trình đê điều, thủy lợi, hồ chứa, giao thông...
Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chủ động sử dụng nguồn kinh phí được giao để khẩn trương khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra, sớm ổn định đời sống người dân và đảm bảo an toàn cho người dân và công trình trong mùa mưa bão.
- Kiến nghị 2: Nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của địa phương và nhân dân vùng chuyển dân sông Đà, nơi phải hy sinh rất nhiều cho việc xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình, đặc biệt là giải quyết khó khăn cho người dân vùng hồ sông Đà sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 10 năm 2017. Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục đề nghị UBTVQH quan tâm, chỉ đạo bố trí đủ nguồn vốn theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Đề án ổn định dân cư, phát triển KT – XH vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 đảm bảo kế hoạch đã đề ra.
Trả lời: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến về việc bố trí nguồn vốn theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Đề án ổn định dân cư vùng sông Đà, tỉnh Hòa Bình tại các văn bản số 6498/BKHĐT-TH ngày 9/8/2017 và văn bản số 5120/BKHĐT-TH ngày 23/6/2017 trả lời kiến nghị bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.
- Kiến nghị 3: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường 12B đoạn Km18+00 - Km47+300, tỉnh Hòa Bình được phê duyệt tại Quyết định số 3938/QĐ-BGTVT ngày 29/12/2008 với tổng mức đầu tư 202,82 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án được khởi công từ tháng 9/2010, tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, công trình được đưa vào diện đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Do tính cấp bách của công trình, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Văn bản số 1330/UBND-CN đề nghị cho phép tỉnh Hòa Bình tạm ứng ngân sách địa phương (khoảng 55 tỷ đồng) để tiếp tục thi công tuyến đường và đề nghị đưa Dự án ra khỏi diện đình hoãn, giãn tiến độ, tiếp tục bố trí vốn để triển khai thực hiện và đã được Bộ GTVT chấp thuận. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên kinh phí hàng năm cấp cho dự án không đáp ứng yêu cầu (đến hết năm 2013, dự án mới được giao tổng số vốn là 146,9 tỷ đồng), vì vậy, Chủ đầu tư đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp vận động nhân dân cho tạm ứng mặt bằng, giao đất nhưng chưa nhận tiền đền bù, GPMB để ưu tiên kinh phí cho xây lắp. Nhờ sự quyết tâm đó, Dự án cải tạo, nâng cấp đường 12B đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013.
Trong quá trình thực hiện dự án, Nhà nước có sự thay đổi về cơ chế chính sách, đồng thời giai đoạn này giá cả nguyên vật liệu liên tục tăng, trước đề nghị của Chủ đầu tư, ngày 29/3/2016, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 960/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 229,79 tỷ đồng (trong đó chủ yếu tăng do đền bù GPMB), nguồn vốn được cân đối, điều hòa trong tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012- 2015 của Bộ GTVT. Như vậy, so với tổng mức đầu tư điều chỉnh, số vốn cấp cho dự án còn thiếu là 82,898 tỷ đồng cho đến nay vẫn chưa được cấp để thực hiện công tác thanh quyết toán, đặc biệt là chi trả kinh phí đền bù, GPMB mà trước đây nhân dân đã giao đất, ứng trước mặt bằng thi công (tính từ khi khởi công đến nay đã được hơn 7 năm).
Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Đoàn ĐBHQ tỉnh Hòa Bình trân trọng đề nghị UBTVQH quan tâm, có ý kiến chỉ đạo việc bố trí nguồn vốn còn thiếu cho Dự án đầu tư xây dựng công trình đường 12B đoạn Km 18+00 - Km 47+300, tỉnh Hòa Bình để Chủ đầu tư thực hiện chi trả kinh phí đền bù, GPMB cho nhân dân khắc phục khó khăn, yên tâm lao động sản xuất và quyết toán công trình, tránh gây bức xúc, khiếu kiện ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và tình hình ANTT trên địa bàn.
Trả lời: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường 12B đoạn Km18+00 - Km47+300 của tỉnh Hòa Bình đã được Chính phủ trình UBTVQH xem xét để bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 tại Tờ trình số 533/TTr-CP ngày 13/11/2017.