Với phương châm " kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng kịch bản tăng trưởng đối với từng ngành và lĩnh vực. Do đó, 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế diễn biến tích cực, GDP duy trì đà tăng cao, ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ 2017, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011. Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng hơn 13%. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì. Thu, chi ngân sách Nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu, tính đến hết tháng 6, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 651.720 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017; tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 649.200 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 42,6% dự toán, tăng 11,3%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%). Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm, kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong 6 tháng cuối năm 2018.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Hội nghị được nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; báo cáo tóm tắt các nội dung kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, xây dựng Chính phủ điện tử, tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả của tổ công tác 6 tháng đầu năm; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH cho cả giai đoạn 2016-2020. Do đó, 6 tháng cuối năm, các bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; tiếp tục năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 đã đề ra, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác xây dựng chính sách pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc Chính phủ, Thủ tướng giao. Tổ chức tốt công tác theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nhằm nắm chắc tình hình diễn biến của kinh tế thế giới, trong nước, thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, động lực của tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề ra những điều chỉnh cần thiết khi có sự thay đổi. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông củng cố niềm tin của cả hệ thống, doanh nghiệp nhân dân vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao và việc tham dự các hội nghị quốc tế quan trọng. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, KT-XH của đất nước.
Đinh Thắng