Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề cán bộ (CB) và công tác CB, coi đây là một trong những vấn đề then chốt quyết định sự thành bại của cách mạng. Người khẳng định "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do CB tốt hoặc kém”. Để xây dựng được một đội ngũ CB đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Người đưa ra một hệ thống luận điểm về CB và công tác CB.


Những luận điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ

Thứ nhất, về khái niệm CB và tiêu chuẩn của người CB cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "CB là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. CB là người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu CB dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Do đó, tiêu chuẩn đầu tiên của người CB, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là phẩm chất đạo đức. "Đạo đức là gốc”, người CB phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức mới có thể trở thành người CB chân chính. Phẩm chất đạo đức cơ bản đối với mỗi người CB là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là người kiên định về lập trường, ít ham muốn về vật chất, sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhân loại. Đó là những con người biết phân biệt giữa "thiện” và "ác”, "chính” và "tà”. Thấm nhuần đạo đức cách mạng, CB sẽ xử lý hài hòa các mối quan hệ: Với mình, với người và với công việc…

Cùng với việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu CB phải có năng lực (tài). Người cho rằng, chỉ có những CB có đức, có tài mới có đủ năng lực đảm đương công việc dù công việc khó khăn, vất vả đến đâu, trong hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng có thể hoàn thành. Năng lực của CB được thể hiện ở trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc, làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu CB và đảng viên phải thành thạo về chính trị và giỏi về chuyên môn. Người chỉ rõ, những người CB vừa "hồng”, vừa "chuyên” là những người để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà; đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm, việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh…

Người CB có đức, có tài, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tác phong công tác, làm việc, sinh hoạt sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, mở rộng dân chủ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm. Dù ở cương vị nào, làm công tác gì cũng đem cả tinh thần và sức lực làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công; luôn nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và làm tròn nhiệm vụ.

Thứ hai, về vai trò của CB. Vai trò của người CB được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở vị trí tiên phong. CB phải đi đầu trong mọi công việc, từ chỉ đạo đến vận động, tập hợp lực lượng, triển khai thực thi nhiệm vụ. Trong quá trình lãnh đạo hay thực thi công việc, người CB đều phải nêu gương, sẵn sàng xông pha đi đầu ở những nơi khó khăn, nguy hiểm. Để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất, đòi hỏi CB phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là về lý luận chính trị, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế; phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là nhiệm vụ mà người CB cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực chủ động hoàn thành kế hoạch học tập. Đối với bất cứ vấn đề gì, đều phải đặt câu hỏi "vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều.


Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp năm 1957.

Có thể nói, những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về CB là rất toàn diện, sâu sắc và nhất quán. Những luận điểm của Người mang tính chỉ đạo xuyên suốt, là cơ sở để Đảng ta thực hiện công tác CB, xây dựng đội ngũ CB cấp chiến lược của Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.

Những luận điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác CB

Công tác CB có ý nghĩa vô cùng quan trọng, muốn có CB tốt, phải chú trọng công tác CB. Công tác CB gồm nhiều khâu: tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, đánh giá, sử dụng và chính sách CB.

Công tác lựa chọn CB. Đây là khâu đầu tiên và rất quan trọng. Việc lựa chọn CB phải dựa theo các tiêu chí: "a) Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh. b) Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. c) Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn... Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn. d) Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”.

Công tác huấn luyện, đào tạo CB. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Huấn luyện CB là công việc gốc của Đảng”. Người chỉ rõ, huấn luyện phải thiết thực và chu đáo, nghĩa là phải nắm được nhu cầu để huấn luyện. Không được "hữu danh vô thực”, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực. Phải xem xét, nghiên cứu mục đích huấn luyện ai, ai huấn luyện, huấn luyện như thế nào, phải kiểm tra ra sao và bài học cần áp dụng là gì...

Công tác xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng CB. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, khi xem xét, đánh giá CB phải thực sự khách quan, phải hiểu CB. Ngoài phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức thì việc đánh giá năng lực chuyên môn phải dựa trên kết quả công việc. Tuy nhiên, đây là việc rất phức tạp. Đánh giá CB là việc rất hệ trọng, cho nên tổ chức đảng, chính quyền và lãnh đạo cấp trên phải có cái nhìn toàn diện, bao quát, tổng thể về quá trình rèn luyện, phấn đấu của từng CB. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ...”. Để đánh giá đúng CB, phải căn cứ theo các tiêu chí và kết quả thực tiễn công tác của CB.

Về việc bố trí, sử dụng CB, Người đưa ra quan điểm dùng CB: "Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với CB một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho CB khỏi bị bỏ rơi; Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa; Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ; Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt; Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình”. Việc sử dụng, bố trí CB phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển giữa CB trẻ, CB mới với cán bộ lâu năm; phải chú ý tạo nguồn CB kế cận.

Sử dụng CB là mắt khâu có ý nghĩa quyết định đến sinh mạng chính trị của CB và hiệu quả công việc, chính vì vậy cần thận trọng, kỹ càng, nếu chủ quan thì sẽ rất dễ mắc sai lầm…

Về chính sách CB, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, để làm tốt chính sách CB, phải yêu thương CB. Thương yêu là luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay...”. Đối với CB phạm sai lầm, khuyết điểm: "...phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi”. Có thể nói, những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác CB được đề cập rất bao quát, toàn diện, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đó là những chỉ dẫn hết sức quý báu đối với Đảng ta.

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc xây dựng đội ngũ CB cấp chiến lược hiện nay

CB có vai trò quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, trong đó đội ngũ CB cấp chiến lược có vị trí hạt nhân. Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền lãnh đạo xã hội, cho nên Đảng phải có đội ngũ CB xứng tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn và trong cả tiến trình cách mạng. Hiện nay, trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới tư duy tiếp cận về vấn đề CB và công tác CB, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ CB cấp chiến lược. Thời gian qua, công tác CB dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, trong đó công tác xây dựng đội ngũ CB cấp chiến lược còn chưa đáp ứng yêu cầu mà Đảng và nhân dân kỳ vọng.

Nguyên nhân trước nhất là còn có sự khác biệt giữa nhận thức lý luận và thực tiễn; giữa "nói hay và làm chưa tốt” trong công tác CB. Sự hạn chế, yếu kém được thể hiện ở nhiều ở nhiều khâu, dẫn đến việc sử dụng CB "tài không xứng chức”. Hạn chế trong khâu đào tạo CB thể hiện ở nội dung, phương pháp đào tạo lạc hậu, nặng về lý thuyết, thiếu cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo thực tiễn... cho nên dù được đào tạo qua nhiều trường lớp, nhưng năng lực lãnh đạo, quản lý, xử lý tình huống của CB chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ hai, tình trạng sai phạm trong việc đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng CB, trong đó có CB cấp chiến lược còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương. Công tác xử lý sai phạm, kỷ luật CB còn "chưa đến nơi”, có trường hợp CB mắc khuyết điểm ở nơi này, lại được điều chuyển sang nơi khác, thậm chí còn được giữ cương vị cao hơn. Điều đó làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Thứ ba, tham nhũng, tiêu cực trong công tác CB thể hiện trong việc "chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển”; mua, bán "văn bằng, chứng chỉ”, làm cho một bộ phận CB yếu kém, thiếu năng lực, không đảm đương được công việc, suy thoái về đạo đức, lối sống...

Trong bối cảnh hiện nay, để chọn được những CB ưu tú, có đức, có tài bổ sung cho đội ngũ CB cấp chiến lược, khâu lựa chọn CB phải xuất phát từ yêu cầu khách quan của công việc để tìm người. Một là, có cơ chế thu hút, phát hiện những CB thực sự có năng lực thông qua hoạt động lãnh đạo quản lý từ cơ sở để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm. Hai là, chú trọng phát hiện, tạo nguồn CB trẻ, có tiêu chí để "sàng lọc” CB. Đồng thời, cần có quy định về trách nhiệm của người lãnh đạo (đứng đầu) đơn vị về việc đào tạo, tiến cử người kế cận; cấp ủy của cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm CB.

Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về CB và công tác CB cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn. Do đó, phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng và những chỉ dạy của Người vào việc đổi mới công tác CB, xây dựng đội ngũ CB, nhất là đội ngũ CB cấp chiến lược "đủ tâm, đủ tầm” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay.


Trích theo Tạp chí Cộng sản


Các tin khác


Công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Chiều 17/4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 

Huyện Cao Phong: Thống nhất thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của các chỉ thị, nghị quyết

Sáng 17/4, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Cao Phong khóa XXVIII tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam (NQ 33); tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới (CT 38); sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/4/2021 của BCH Đảng bộ huyện về cải thiện môi trường thu hút đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn huyện Cao Phong, giai đoạn 2021 - 2025 (NQ 02).

Hà Tĩnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nguyện chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương của các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bôi chăm lo đời sống hội viên

Phát huy vai trò của tổ chức Hội, bằng các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Kim Bôi luôn đồng hành, chăm lo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Xây dựng văn hóa an toàn giao thông từ mỗi cán bộ, chiến sỹ

Thời gian qua, thực hiện tốt phương châm "xây dựng văn hóa an toàn giao thông (ATGT) là nâng cao ý thức chấp hành ATGT từ mỗi quân nhân”, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) về nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông. Nhờ vậy từng bước hình thành và xây dựng văn hóa ATGT trong mỗi cơ quan, đơn vị và CBCS.

Giữ vững trận địa tư tưởng

Đó là tinh thần, quan điểm xuyên suốt của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh trên mặt trận đấu tranh, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng trong thời gian qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục