Ngày 16-7, tại Trụ sở T.Ư Đảng, Ban Chỉ đạo T.Ư thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (Ban Chỉ đạo) tổ chức Hội nghị toàn quốc, đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (Kết luận 120). Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị, có đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư; các đồng chí bí thư, hoặc phó bí thư thường trực, trưởng ban dân vận các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư.

Các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo: Trương Thị Mai; Trần Thanh Mẫn; Vũ Đức Đam; Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư chủ trì và điều hành hội nghị.

Báo cáo do đồng chí Trần Thị Bích Thủy trình bày và các ý kiến phát biểu tại hội nghị đánh giá, việc thực hiện Kết luận 120 được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội gắn liền với thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường với nhiều hình thức, cách làm phong phú, hiệu quả nhằm giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở.

Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDC) đối với từng loại hình cơ sở có nhiều tiến bộ, đi vào chiều sâu; có chất lượng và hiệu quả rõ nhất là ở các xã, phường, thị trấn; có nề nếp là ở các cơ quan đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển biến tích cực là trong các doanh nghiệp. Dân chủ đại diện được phát huy, dân chủ trực tiếp được mở rộng; phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực. Cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” tiếp tục được thực hiện đồng bộ, cụ thể hơn và hiệu quả. Việc thực hiện tốt QCDC đã phát huy vai trò tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị phân tích sâu kết quả đạt được, nhất là những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện Kết luận 120 trên nhiều lĩnh vực, như việc rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân; phát huy dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, trong doanh nghiệp, trong xây dựng nông thôn mới,…

Tuy nhiên, hội nghị cũng cho rằng, việc thực hiện QCDC có nơi, có việc còn hình thức, chưa thực chất. Việc công khai một số chương trình dự án, công trình ở một số địa phương chưa đúng quy trình lấy ý kiến của nhân dân; quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, gây bức xúc, khiếu kiện, có nơi khiếu kiện vượt cấp, đông người, nhưng giải quyết chưa triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách đền bù, tái định cư, thu hồi đai. Vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương chưa cao. Việc phát huy dân chủ trong tham gia, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi chưa được mở rộng,…

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tháng 6-1997, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII đã ra Nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Tiếp sau đó, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị khóa VIII đã ra Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 3 khóa VIII về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở.

Trong Chỉ thị 30, Bộ Chính trị đã chỉ rõ, việc xây dựng và thực hành QCDC ở cơ sở cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo là: Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân phải đặt trong tổng thể cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao dân trí, tạo điều kiện mở rộng dân chủ có chất lượng và hiệu quả.

Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, trật tự; quyền hạn gắn liền với trách nhiệm; lợi ích đi đôi với nghĩa vụ; chống quan liêu, mệnh lệnh; đồng thời, chống tình trạng vô chính phủ, lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật. Gắn quá trình xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ với công tác cải cách hành chính, sửa đổi những quy chế, chính sách về thủ tục hành chính không còn phù hợp, v.v...

Tổng Bí thư nêu rõ, ngày 7-1-2016, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận 120 về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thực hiện các chỉ thị, kết luận của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn, tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về Quy chế dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó.

Việc công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế. Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng.

Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dân doanh còn nhiều khó khăn; có lúc, có nơi còn tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp, nhưng giải quyết chưa triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, tái định cư khi thu hồi đất.

Việc nắm tình hình nhân dân và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền làm chủ của nhân dân chưa kịp thời. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng còn bất cập. Vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân lợi dụng dân chủ để yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối, tụ tập đông người, làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật...

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 30 và Kết luận 120 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan của Đảng, Nhà nước; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thực chất và hiệu quả. Nơi nào đã làm tốt rồi thì cần duy trì và làm tốt hơn; nơi nào làm chưa tốt hoặc chưa đáp ứng yêu cầu thì phải đôn đốc, chấn chỉnh, giúp đỡ để thực hiện tốt dần lên.

Phải làm sao để việc thực hiện Quy chế dân chủ và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, sống có văn hóa, nghĩa tình, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội, tạo động lực cho các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tham gia phát triển đất nước nói chung và từng địa bàn, cơ quan, đơn vị nói riêng. Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ, phải chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, kích động gây rối, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của nhân dân.

Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả. Tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài. Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân.

Theo Tổng Bí thư, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân. Các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp nhân dân thấy rõ quyền lợi của mình, tự giác thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và quyền dân chủ trực tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Ngay cả trường hợp chính sách, pháp luật đúng rồi mà nhân dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì cũng phải ra sức tuyên truyền, vận động, giải thích, hoặc biết chờ đợi dân, không gò ép áp đặt một cách thô bạo. Chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho việc thực hành dân chủ ngày càng thấm sâu vào mọi hoạt động phong phú, đa dạng của đời sống xã hội.

Tổng Bí thư chỉ rõ, một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ, đó chính là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị. Từng đồng chí bí thư cấp ủy, từ T.Ư đến cơ sở, lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp.

Tổng Bí thư yêu cầu cần nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thông tin về các chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp, giúp người dân tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp theo quy định của pháp luật. Chú trọng tuyên truyền các gương điển hình, mô hình tốt về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Báo chí đưa tin, bình luận phải khách quan, trung thực, đúng bản chất vấn đề, sự việc, định hướng đúng dư luận xã hội.

Tổng Bí thư mong rằng sau hội nghị này, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, đưa việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở đi vào nề nếp, giành nhiều kết quả mới to lớn hơn, không ngừng phát huy dân chủ, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai tiếp thu và đề nghị các cấp ủy nhận thức sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, phát huy kết quả, bài học kinh nghiệm trong thực hiện Quy chế dân chủ thời gian qua, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được tham gia vào quá trình quyết định và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, giải quyết tốt những việc liên quan trực tiếp đời sống của nhân dân một cách thiết thực.


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự hội nghị.

TheoNhanDan

Các tin khác


Chuyển giao Chi bộ Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình về trực thuộc Đảng bộ huyện Lạc Sơn

(HBĐT) - Ngày 11/7/2018, tại Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình, Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Thường trực Huyện ủy Lạc Sơn đã tổ chức lễ chuyển giao Chi bộ cơ sở Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh về trực thuộc Đảng bộ huyện Lạc Sơn.

Cung cấp thông tin và định hướng nội dung tuyên truyền tháng 7/2018

(HBĐT) - Ngày 13/7, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội nghị Báo cáo viên trực tuyến tháng 7/2018 nhằm cung cấp thông tin và định hướng nội dung tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên các tỉnh, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương. Đồng chí Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.

Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý và thu ngân sách Nhà nước

(HBĐT) - Sáng 13/7, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu đoàn công tác của BTV Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tại Cục Thuế tỉnh. Tham dự có đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy.

Đánh giá rút kinh nghiệm công tác phối hợp chuẩn bị nội dung, tổ chức kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVI

(HBĐT)-Sáng 13/7, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức họp đánh giá rút kinh nghiệm công tác phối hợp chuẩn bị nội dung, tổ chức kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVI. Dự hội nghị có Thường trực HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND, MTTQ tỉnh, Sở Tư pháp; lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh và các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng HĐND tỉnh. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

(HBĐT) -Đánh giá kết quả công tác kiểm tra, giám sát (KT,GS) kỷ luật Đảng của cấp ủy và UBKT Tỉnh ủy 6 tháng đầu năm 2018, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hoàng Văn Đức cho biết: UBKT Tỉnh ủy đã tích cực tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các văn bản về công tác KT, GS. Bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ để tham mưu giúp cấp ủy thực hiện nhiệm vụ KT, GS theo quy định của Điều 30, Điều lệ Đảng và thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp ủy giao.

Đảng ủy quân sự tỉnh: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng - nhìn lại nửa nhiệm kỳ

(HBĐT) - Đánh giá kết quả công tác KT, GS và kỷ luật Đảng sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, Phó Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Quân sự tỉnh Nguyễn Mạnh Tường cho biết:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục