Lãnh đạo xã Tân Phong (Cao Phong) trao đổi với bà Bùi Thị Đức (con gái ông Bùi Văn Hoành) về ngôi nhà cũ đã có công giúp đỡ cán bộ cách mạng.
Cùng lãnh đạo xã Tân Phong, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Hoảnh ở xóm Trang Trên 3. Bên cạnh ngôi nhà sàn là ngôi nhà cũ được xây trên nền đất ngôi nhà sàn năm xưa đã từng nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đón tiếp chúng tôi là bà Bùi Thị Đức (con gái của ông Hoảnh) năm nay đã trên 60 tuổi. Bà Đức kể lại: Năm đó, tôi mới 8 tuổi được bố và người thân kể cho nghe về truyền thống cách mạng của gia đình. Ngôi nhà sàn trước kia gia đình ở là cơ sở tin cậy để các đồng chí Vũ Thơ, Trương Đình Dần… đi, về trong suốt thời gian hoạt động tại khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên. Sau này, ngôi nhà sàn đó bị giặc Pháp đốt mất. Năm 1961, gia đình mới xây lại ngôi nhà này. Trong ngôi nhà xây cũ, gia đình vẫn giữ lại những kỷ vật xa xưa và tấm bằng công nhận khu di tích được đặt trang trọng trên bàn thờ để ôn lại những ngày tháng đầy tự hào ấy. Hiện nay, ngôi nhà của gia đình đã xuống cấp. Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm cải tạo, nâng cấp để lưu giữ lại địa điểm giúp đỡ cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đồng chí Bùi Văn Cương, Phó Chủ tịch HĐND xã Tân Phong cho biết: Trên địa bàn xã còn có chùa Quoèn Ang là địa điểm Ban cán sự Đảng tỉnh họp vào tháng 4/1945. Trong cuộc họp này, Ban cán sự đã quyết định thành lập các khu căn cứ. Sau ngày kháng chiến chống Pháp thành công, do nhiều nguyên nhân nên ngôi chùa bị hư hỏng. Đến năm 2012, di tích chùa Quoèn Ang được tôn tạo khang trang. Ngày xưa, khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên nằm trên vùng rừng núi hiểm trở, phân bố rộng trên địa bàn 2 xã Yên Lập, Yên Thượng gồm các địa điểm lịch sử như: đồi Chùa Khánh ở xóm Khánh, xã Yên Thượng, là nơi tập luyện của đơn vị vũ trang - đội ngũ cán bộ đầu tiên của khu căn cứ. Gia đình ông Bùi Văn Y, xóm Đai, xã Yên Thượng là cơ sở tin cậy của đồng chí Vũ Thơ, Trương Đình Dần… đi lại, nghỉ ngơi trong suốt thời gian tham gia hoạt động. Hay gia đình ông Phó Viễn (tức Đặng Chí Viễn) có công giúp đỡ đồng chí Vũ Thơ đến giác ngộ các lang của vùng Cao Phong - Thạch Yên. Gia đình ông Phó Viễn còn là địa điểm Ban cán sự Đảng tỉnh triệu tập Hội nghị đại biểu mặt trận Việt Minh toàn tỉnh, họp tháng 7/1945 thực hiện Chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh về gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hoà Bình. Khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên thực sự là khu căn cứ vững chắc của cách mạng tỉnh và hệ thống chiến khu Hoà - Ninh - Thanh, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng tỉnh Hoà Bình.
Phát huy truyền thống anh hùng trên vùng quê cách mạng, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã vùng chiến khu đã có cuộc sống mới thay đổi từng ngày. Từ vùng đất khó khăn ngày nào, các xã vùng cao Yên Lập, Yên Thượng từng bước phát triển. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đường giao thông được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn giao thương hàng hóa, phát triển KT-XH.
Sở hữu điều kiện thuận lợi ở vùng thấp hơn, người dân xã Tân Phong đã tích cực chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng mía và các loại cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi các loại. Đến nay, tổng diện tích trồng trọt của xã có 415 ha, trong đó 210 ha mía, 124 ha cây có múi các loại. Bà con tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Năm 2017, thu nhập bình quân của xã đạt 27 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,54%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã đạt 15/19 tiêu chí.
Cuộc sống ấm no đang hiện hữu trên vùng chiến khu cách mạng năm xưa. Người dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Hương Lan