Hội nghị Trung ương 8, khoá XII đang diễn ra tại Hà Nội sẽ cho ý
kiến về dự thảo quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết
là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương.
Dự thảo gồm 4 điều, trong đó, Điều 1 quy định
tất cả cán bộ, đảng viên phải chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết,
chỉ thị cùa Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; người giữ chức vụ
càng cao càng phải gương mẫu.
Điều 2 quy định từng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên
Ban chấp hành Trung ương phải thực sự gương mẫu về bản lĩnh chính trị, ý chí
chiến đấu; đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; trách nhiệm trong thực thi
nhiệm vụ; vai trò trung tâm đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Theo đó, cán bộ cấp cao phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc
là tối thượng, thực sự gần dân, tin dân, trọng dân, học dân; nghe dân nói, nói
dân hiểu, làm dân tin.
Đồng thời, từng uỷ viên phải thường xuyên đổi mới tư duy, dám
nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm; luôn tìm tòi, học hỏi, khuyến
khích mô hình mới, cách làm hay phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa
phương, ngành, lĩnh vực mình phụ trách vì sự phát triển chung.
Hội nghị Trung ương 8 đang diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.
|
Dự thảo cũng quy định uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp
hành Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín; để
khu vực mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc xảy ra mất
đoàn kết kéo dài; cán bộ cấp dưới tham nhũng, lãng phí, cố ý làm trái gây hậu
quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.
Không để người thân "sống xa hoa, phô trương"
Điều 3 dự thảo gồm 9 điểm, quy định từng uỷ viên Bộ Chính trị,
Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương phải thực sự gương mẫu và kiên quyết
chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành;
trong công tác cán bộ.
Các uỷ viên cũng phải chống biểu hiện tiêu cực như tham nhũng
chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; "lợi ích nhóm”; tham
nhũng, hối lộ; chạy chức, chạy quyền; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ,
quyền hạn của mình nhằm trục lợi...
Theo điều 3, từng uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp
hành trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống chủ nghĩa cá
nhân, chủ nghĩa thành tích, tư duy nhiệm kỳ; hứa suông, nói không đi đôi với
làm, nói trong hội nghị khác, ngoài hội nghị khác.
Dự thảo nêu rõ, uỷ viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban chấp hành
Trung ương phải chống: Lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng;
liên kết lập sân sau, lợi ích nhóm; sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tổ
chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người thân
du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ...
Cũng theo điều 3, cán bộ cấp cao phải chống việc bố, mẹ đẻ, bố, mẹ
vợ (chồng), con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình can thiệp,
thao túng các công việc của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như công
tác cán bộ, xin dự án, cấp đất, đấu thầu mua cổ phần... ; sống xa hoa, phô
trương, ngạo mạn, coi thường pháp luật, sa vào các tệ nạn xã hội; đầu tư tài
chính, mua bất động sản ở nước ngoài.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương sáng 2/10, Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, lâu nay, các cấp có thẩm quyền đã có nhiều chủ
trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Nhờ có những quy định đúng đắn và kịp thời đó, ý thức trách nhiệm
nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến
tích cực. Tuy nhiên kết quả thu được còn hạn chế. Do vậy, Bộ Chính trị đã
thống nhất rất cao xin kiến nghị với Trung ương xem xét, ban hành một quy định
mới về vấn đề này.
"Nội dung của bản quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ
kiểm tra, giám sát", Tổng bí thư nói.
Trong 5 ngày hội nghị (từ ngày 2 đến 6/10), Trung ương sẽ xem xét,
thảo luận về: Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách Nhà nước
năm 2018, dự kiến kế hoạch năm 2019; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung
ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quy định trách nhiệm
nêu gương của cán bộ Đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban
bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng; thành lập các tiểu ban chuẩn bị
Đại hội XIII của Đảng; xem xét công tác cán bộ và một số vấn đề quan trọng
khác.
TheoVnexpress
Bài 2 - Khẳng định niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền qua những mô hình dân vận khéo
(HBĐT) - Người cán bộ phải sống có trách nhiệm, làm nhiều việc tốt mới được dân quý, dân tin. Để làm được điều này thì điều kiện tiên quyết là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, qua đó phát huy vai trò của người cán bộ, đảng viên trong công tác vận động quần chúng. Xác định rõ hướng đi, 5 năm qua, Huyện ủy Kim Bôi đã lấy nội dung, tinh thần Nghị quyết số 25, ngày 3/6/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” làm nền tảng.