Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội – Đoàn ĐBQH Hòa Bình Nguyễn Thanh Hải đã tham gia thảo luận về các vấn đề: Kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019 – 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đánh gia giữa kỳ về việc thực hiện: kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng chí nhất trí với những nội dung chính trong các báo cáo của Chính phủ và ý kiến phát biểu của các ĐBQH trong tổ đại biểu. Đánh giá tổng quan về tình hình KT-XH, Đồng chí cho rằng nhìn chung đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là việc cắt giảm biên chế, tinh gọn bộ máy nhà nước, tránh được sự cồng kềnh, lãng phí, đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được nhanh gọn và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đối với ngành nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành một số chính sách nông nghiệp như chính sách bảo hiểm nông nghiệp, chính sách thu hút đầu tư trong nông nghiệp tạo động lực phát triển vượt bậc. Có thể nói, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong mọi lĩnh vực đã góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần trong nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Đồng chí cho rằng nhà nước cần quan tâm chỉ đạo hơn nữa để khắc phục những bất cập liên quan đến một số vấn đề:
Về vấn đề "tham nhũng vặt”. Hiện nay, tình trạng này diễn ra khá phổ biến với quy mô diện rộng cả nước. Người dân, doanh nghiệp hàng ngày vẫn phải đối mặt với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi đến cơ quan nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính. "Tham nhũng vặt” tuy mang tính chất nhỏ lẻ nhưng lại đang ăn mòn đạo đức, lối sống xã hội. Do đó, Chính phủ cần quan tâm chú trọng hơn nữa, phát hiện kịp thời để có biện pháp xử lý nghiêm minh, tránh tình trạng kéo dài gây phiền hà cho nhân dân.
Về vấn đề xóa đói giảm nghèo. Theo báo cáo của Chính phủ, con số về tỉ lệ thoát nghèo trong thời gian qua là con số ấn tượng, đáng vui mừng. Tuy nhiên, tỉ lệ tái nghèo cũng còn ở mức cao. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các chính sách giảm nghèo ban hành còn chồng chéo. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành chính sách cho phù hợp, làm sao để giảm nghèo nhưng phải giảm bền vững.
Về vấn đề liên quan đến khoảng cách giàu nghèo. KT-XH phát triển đã tạo ra mặt trái trong xã hội đó là kéo theo sự cách biệt ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo. Đây là vấn đề nhạy cảm và cần phải có sự cân nhắc, quan tâm điều chỉnh kịp thời để đảm bảo đời sống cho người dân, tạo ra sự phát triển cân bằng trong xã hội.
Về vấn đề giải quyết khiếu nại tố cáo. Hiện nay, tỉ lệ khiếu nại cấp đông người có giảm nhưng mức độ phức tạp lại tăng. Trong khi đó, công tác tiếp công dân ở cấp cơ sở chưa hiệu quả, không tuân thủ Luật tiếp công dân. Đề nghị Chính phủ quan tâm khắc phục tình hình khiếu kiện đông người vượt cấp, cần phải quy định rõ ràng cụ thể tiếp công dân phải gắn liền với thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.
* Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch
Chiều ngày 24/10/2018, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại các tổ đại biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Tại Tổ đại biểu số 13, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đã tham gia phát biểu đóng góp ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc nghiên cứu soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Hiện nay, hoạt động quy hoạch xuất hiện những vấn đề "nóng”, do đó việc sửa đổi các luật liên quan đến quy hoạch trở nên cấp thiết. Mỗi bộ, ngành trong lĩnh vực quản lý của mình liên tục đóng góp, kiến nghị mong muốn sớm khắc phục những tồn tại trong chính sách pháp luật, làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, đảm bảo quy hoạch có sự đồng nhất và hiệu quả. Tuy nhiên, quy trình để sửa đổi luật thì lâu, trong khi số luật có quy định liên quan đến quy hoạch cần điều chỉnh lại rất nhiều. Vì thế, Quốc hội đã cho phép tích hợp sửa đổi một số luật trong một dự án Luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp lý Việt Nam.
Nguyễn Thị Thu Phương (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình)