Thực hiện Chương trình làm việc, ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường về chất vấn và trả lời chất vấn.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đây là ngày thứ hai Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện sáu Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, trong đó có ba nghị quyết về giám sát chuyên đề và ba nghị quyết về chất vấn.

Trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ hai, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn và tranh luận đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn xoay quanh vấn đề sửa đổi các quy định không phù hợp trong giáo dục; tăng cường liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp; việc khởi kiện các quyết định hành chính, nhất là những vụ án hành chính liên quan đến đất đai; xử lý thông tin độc, bẩn trên môi trường mạng; giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử; chức năng, nhiệm vụ của bộ máy thanh tra ngành tài nguyên và môi trường; vấn đề xác lập quyền sở hữu tài sản đầu tư trên đất; giải pháp làm sạch và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy; quản lý đất đai sau cổ phần hóa; liên kết vùng trong phát triển du lịch; bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán...

Đề cập đến vấn đề quản lý nhà nước trên môi trường mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý quan trọng nhất là vai trò của các bộ, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh đó, việc đấu tranh đối với các vi phạm trên không gian mạng cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là giáo dục, thông tin, tuyên truyền để tất cả mọi người được "xóa mù” về tri thức công nghệ, đặc biệt là những tri thức cơ bản về công nghệ thông tin.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một xu hướng tất yếu của các quốc gia và nền kinh tế. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, công tác này đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này chưa đạt được như kỳ vọng và rất cần hoàn thiện thể chế pháp lý, cần có quy định về kết nối và chia sẻ dữ liệu, quy định về bảo mật thông tin cá nhân, định danh cá nhân, lưu giữ hồ sơ điện tử...

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy thanh tra ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng với khối lượng công việc rất lớn, so với tương quan số lượng thanh tra ngành hiện nay là khoảng 40 người, thanh tra ngành tài nguyên và môi trường đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và phối hợp tích cực với Thanh tra Chính phủ, thanh tra nhà nước ở địa phương. Về vấn đề làm sạch sông Nhuệ-sông Đáy, theo Bộ trưởng, giải pháp là cần thiết là thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực môi trường, đồng thời cần có Ban Chỉ đạo liên ngành về vấn đề này.

Các vấn đề về quản lý đất đai, định giá quyền sử dụng đất trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; giải pháp quản lý hóa đơn tránh gây thất thu ngân sách... đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 31/10.

Theo Bộ trưởng, việc quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai sau cổ phần hóa ở mỗi địa phương thuộc trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh, việc quản lý đất đai của doanh nghiệp trước và sau cổ phần hóa rất hệ trọng. Dù doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp Nhà nước hay thành phần khác khi chuyển đổi vẫn phải thu hồi đấu giá.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Trả lời chất vấn của đại biểu về tình trạng kinh doanh không xuất hóa đơn VAT vẫn phổ biến, dẫn tới người tiêu dùng chịu thiệt, Nhà nước thất thu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận tình trạng một số người nộp thuế không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế gây thất thu ngân sách vẫn còn khá phổ biến.

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, các cơ quan cần thực hiện tốt Nghị định 119 về hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai đồng bộ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, hóa đơn điện tử.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định đây là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, được Bộ đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện.

Thừa nhận nhiều di sản văn hóa của đồng bào dân tộc có nguy cơ mai một và biến dạng và chưa có điều kiện để bảo tồn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định một trong số những nguyên nhân cơ bản của vấn đề là do không có nguồn ngân sách riêng cho lĩnh vực này, đồng thời đề nghị huy động sức mạnh của toàn xã hội để nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

Về vấn đề chú trọng liên kết vùng trong khai thác và phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng du lịch là một ngành mang tính liên vùng, liên ngành, có tính chất xã hội hóa cao. Cho rằng du lịch vùng Đông Bắc thời gian qua chưa được đánh giá, khai thác đúng tiềm năng, Bộ trưởng khẳng định trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành sẽ quan tâm hơn đến du lịch của Bắc Kạn nói riêng cũng như các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung.

Về việc tiếp công dân định kỳ, đối thoại với công dân của Ủy ban Nhân dân các cấp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận bên cạnh những địa phương, bộ, ngành làm tốt công tác tiếp công dân, vẫn còn một số người đứng đầu không thực hiện nghiêm quy định. Nhấn mạnh việc sẽ kiên quyết xử lý sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra và kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, trước mắt phải sửa Luật Thanh tra.

Liên quan đến vấn đề án hành chính tăng, tỷ lệ giải quyết thấp, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết bên cạnh hạn chế về phía tòa án thì sự vắng mặt của các cấp chính quyền khi tham gia giải quyết các vụ án hành chính là nguyên nhân phổ biến gây ra hạn chế trên.

Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về thời gian xét xử giám đốc thẩm quá dài, khiến người dân mất hy vọng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết số đơn gửi giám đốc thẩm, tái thẩm những năm gần đây rất nhiều. Đây là cơ hội cuối cùng của người dân nên phải xem xét thận trọng. Về giải pháp, Chánh án cho rằng phải nâng cao chất lượng xét xử, đội ngũ cán bộ tòa án nhằm hạn chế sai sót dẫn đến kháng nghị, khiếu kiện lên giám đốc thẩm, tái thẩm.

Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian tới, sẽ gắn với hai trục xoay: Tái cơ cấu nông nghiệp và sản xuất công nghệ cao, đồng thời triển khai đồng bộ sáu giải pháp mà Chính phủ đề ra. Trong đó, tăng cường liên kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, huy động doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu từ dự báo, xác định nhu cầu đào tạo, quy mô, cơ cấu, chuyển mạnh sang đào tạo gắn với đầu ra./.

 

                    TheoVietnamplus

Các tin khác


MTTQ huyện Lạc Sơn: Đổi mới nội dung các phong trào thi đua

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp huyện Lạc Sơn đã triển khai thực hiện rộng khắp các cuộc vận động, phong trào thi đua hướng về cơ sở với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, tạo sự lan tỏa thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Dưới "mái nhà chung" của người làm báo

LTS: Có niềm vui, sự hứng khởi, có lòng say mê, nhiệt huyết và cả sự can trường, sẵn sàng dấn thân của người làm báo… để xây dựng nên những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở của cuộc sống đến với độc giả, khán thính giả. Đó là những điều đang có, đang tồn tại dưới "mái nhà chung” của người làm báo Hòa Bình - Hội Nhà báo (HNB) tỉnh Hòa Bình. Kết quả này được kiến tạo bởi tâm huyết của những người làm công tác Hội và sự góp sức tích cực của các hội viên nhà báo vì mục tiêu xây dựng HNB tỉnh Hòa Bình ngày càng vững mạnh. Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập HNB Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2024), Người làm báo Hòa Bình (NLBHB) có cuộc phỏng vấn nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH HNB Việt Nam, Chủ tịch HNB tỉnh Hòa Bình, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ huyện Tân Lạc

Việc triển khai thực hiện Quy định số 31-QĐi/TU của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB) tại Đảng bộ huyện Tân Lạc đã góp phần đạt được những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chất lượng SHCB đi vào nền nếp, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng cao, phương thức lãnh đạo của đảng ủy cơ sở từng bước được đổi mới.

Kỳ họp thứ 7 dự kiến tổ chức thành hai đợt với nhiều nội dung quan trọng

Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Dự kiến kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra trong hai đợt vào tháng 5, tháng 6/2024.

Công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Chiều 17/4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 

Huyện Cao Phong: Thống nhất thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của các chỉ thị, nghị quyết

Sáng 17/4, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Cao Phong khóa XXVIII tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam (NQ 33); tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới (CT 38); sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13/4/2021 của BCH Đảng bộ huyện về cải thiện môi trường thu hút đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn huyện Cao Phong, giai đoạn 2021 - 2025 (NQ 02).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục