Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường, phiên họp sáng 29/10.
Ngày 29/10, QH thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán NSNN năm 2018; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2019 và kế hoạch tài chính - NSNN quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Thảo luận về kết quả thực hiện dự toán NSNN kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm, các ĐBQH ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được, đồng thời chỉ rõ vẫn còn tình trạng dàn trải, chưa phát huy hiệu quả như yêu cầu và mong muốn trong phân bổ ngân sách, bố trí vốn đầu tư công. Nhiều đại biểu đề nghị, cần tập trung vốn cho các dự án cấp bách, trọng điểm.
Góp ý thêm về các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, vốn dự phòng, các đại biểu cho rằng, cần đổi mới phương thức bố trí vốn ODA để bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án; cụ thể hóa phương án nguồn kinh phí, chống dàn trải, nợ đọng, xin cho trong bố trí vốn đầu tư công trung hạn; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai…, vì đây là vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu, ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh và sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, cần cơ cấu lại nguồn thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, có giải pháp chống thất thu, nợ thuế để nâng cao hiệu quả thu ngân sách; rà soát tổng thể để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm gây thất thoát, lãng phí đầu tư công.
Thảo luận tại phiên họp buổi sáng, đại biểu Trần Đăng Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ta bày tỏ: Các năm qua, có một số khó khăn trong quản lý thu chi NSNN như lần đầu tiên thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, sự cố gắng cao, trực tiếp của ngành tài chính, công tác quản lý thu, chi NSNN cơ bản đảm bảo được các cân đối lớn, các chỉ số tài chính tiền tệ vĩ mô được bảo đảm và độ tin cậy cao như các chỉ số về nợ công, chỉ số về lạm phát, dự trữ ngoại hối, chính sách lãi suất, điều hành tỷ giá ổn định đồng tiền Việt Nam cho thấy sự điều hành khá chắc chắn và có kinh nghiệm của Chính phủ.
Góp ý vào đánh giá giữa kỳ thực hiện đầu tư công trung hạn, đại biểu Trần Đăng Ninh cho rằng: Khi lập kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, bố trí vốn ODA trong kế hoạch không tích hợp đầy đủ các dự án trong hiệp định đã ký kết dẫn đến giao kế hoạch vốn trung hạn ODA không đủ cho các dự án trong hiệp định đã ký. Nhiều dự án trong hiệp định dự kiến hết hạn vào năm 2020 nhưng không đủ vốn trong kế hoạch trung hạn. Kế hoạch hàng năm không theo tiến độ dự án được ký kết dẫn đến nhiều dự án đạt tiến độ ký kết nhưng không có vốn để thực hiện kế hoạch giải ngân. Trong điều hành, cơ quan cấp tỉnh, cấp bộ không được quyền cân đối điều chỉnh trong nội bộ nguồn vốn được giao, điều chỉnh từ dự án có giải ngân thấp sang, các dự án có giải ngân cao dẫn đến nhiều dự án có khối lượng nhưng không có vốn để giải ngân.
Đại biểu bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị QH xem xét, cho phép Chính phủ trong điều hành ngân sách được điều hòa, điều chỉnh lẫn nhau giữa nguồn vốn ODA và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đảm bảo cho thực hiện dự án, đồng thời, tổng mức vốn không vượt quá 2 triệu tỷ đồng và đảm bảo chỉ tiêu nợ công và bội chi.
Về dự phòng trong kế hoạch đầu tư công, đại biểu Trần Đăng Ninh đồng tình với những nguyên tắc, tiêu chí sử dụng vốn dự phòng trong việc giao vốn. Đồng thời, đề nghị QH và Chính phủ quan tâm khi triển khai sử dụng nguồn vốn dự phòng để các chính sách, cơ chế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện đầy đủ. Trong bố trí vốn cho các dự án tái định cư, các dự án thủy điện, đề nghị Chính phủ xem xét, bố trí nguồn kinh phí từ lợi nhuận và khấu hao của các nhà máy thủy điện để bố trí cho các dự án này.
Đại biểu Trần Đăng Ninh cũng thảo luận, góp ý kiến về thực hiện vốn đầu tư công; về các dự án BT và đồng tình với QH sẽ ra Nghị quyết về sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp để đảm bảo khoản thu này minh bạch, rõ ràng và có hiệu quả. Hiện nay, trong báo cáo mới chỉ nêu là nộp vào NSNN mà chưa rõ báo cáo hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.
P.V (TH)
(HBĐT) - Chiều ngày 27/10/2018, Đại biểu Quách Thế Tản - Ủy viên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Hòa Bình, ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tham gia phát biểu ở hội trường các vấn đề về kinh tế - xã hội hằng năm và giữa kỳ tại kì họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.