(HBĐT) - Một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong buổi thảo luận sáng 29-10 là danh mục đầu tư công hiện nay quá dàn trải, có nhiều công trình vốn quá lớn, không hiệu quả, thời gian kéo dài dẫn đến đội vốn…


Sáng 29-10, Quốc hội thảo luận về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Đề cập đến những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai-TP Hà Nội (ảnh trên) nhắc lại, dường như cụm từ "đầu tư dàn trải" đã rất quen thuộc, đó là một hạn chế lớn cần phải vượt qua. Như Quốc hội cũng biết tổng mức đầu tư sau giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tương đương với số vốn này, số dự án cũng không nhỏ: 9.620 dự án. Hiện nay ở rất nhiều địa phương, số lượng các dự án dở dang thiếu vốn rất lớn. Đặc biệt đối với nguồn trái phiếu Chính phủ, 64 tỉnh thành phố, mỗi tỉnh thành phố được phân bổ một dự án trong số 260 nghìn tỷ đồng.

Đại biểu phân tích: So với nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của chúng ta rất lớn và cũng hiếm quốc gia nào có phương pháp phân bổ mỗi tỉnh, thành phố có một dự án. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, nguồn lực đầu tư từ phía nhà nước hầu như chỉ tập trung vào những dự án có tác động lan tỏa, có tính tác động toàn xã hội. Thí dụ, ở Australia, trong năm 2018 kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ tập trung cho bốn dự án lớn… Còn ở Việt Nam, nếu chúng ta làm phép chia một cách cơ học, lấy tổng số nguồn lực và chia các dự án thì thấy để có được những dự án quy mô lớn thực sự rất khó khăn.

Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công vẫn ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất ngày một tăng, bắt buộc phải có sự lựa chọn theo hướng tập trung, tránh dàn trải. Công bằng là nguyên tắc quan trọng nhưng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa chỉ một số các dự án, một số địa phương được chú trọng mà thực sự cần có một trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết tại từng thời điểm, có lộ trình thích hợp để dần dần hoàn thành bức tranh đầu tư công trên phạm vi toàn quốc.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đưa ra một số giải pháp như cương quyết thay đổi cách phân bổ nguồn lực, theo đó cần tuân thủ trật tự ưu tiên được quy định ở các văn bản pháp luật; việc đề xuất dự án cần có sự phối hợp liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong cùng một khu vực, để khắc phục tình trạng có quá nhiều dự án nhỏ lẻ nhưng lại thiếu những dự án có quy mô lớn mang tính lan tỏa vùng miền; chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch; thực hiện nghiêm nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư ở những ngành, những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư, không muốn đầu tư hay không được phép đầu tư.

Đại biểu cũng đề cập đến tính hiệu quả hay còn gọi là kết quả đầu ra của các dự án. Theo báo cáo của Chính phủ thời gian qua thì số lượng các dự án hoàn thành rất lớn. Trong giai đoạn 2011-2015 tổng số dự án hoàn thành là 1.789 dự án, nếu tính đến hết năm 2018 số lượng sẽ là 6.290 dự án. Tuy nhiên, xét dưới giác độ kết quả đầu ra, hiện nay chưa có báo cáo nào khẳng định là tất cả các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực. Trong hàng nghìn công trình hoàn thành có bao nhiêu công trình hiệu quả cao, bao nhiêu công trình hiệu quả thấp, bao nhiêu công trình chưa hiệu quả? Hiện nay chúng ta chưa có câu trả lời chính xác…

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị cần hoàn chỉnh sớm bộ tiêu chí về đánh giá hiệu quả đầu ra theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời ngay từ khi lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra tương xứng với nguồn lực được đầu tư. Ngoài ra, cần có cơ chế tăng cường trách nhiệm giải trình trong hoạt động giám sát. Bên cạnh việc giám sát tại cơ sở, địa phương cần tăng cường hơn nữa số lượng các phiên giải trình, từ đó làm rõ những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, báo cáo chưa nêu được cụ thể đầu tư công thời gian có bao nhiêu đầu tư có hiệu quả, bao nhiêu đầu tư thua lỗ, bao nhiêu dự án cần được xem xét, kiến nghị, điều tra, xem xét và truy tố. Nguyên nhân, giải pháp xử lý, tỉnh nào, doanh nghiệp nào tốt và doanh nghiệp nào chưa tốt. Có như thế mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm, làm bài học cho tổ chức quản lý và hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát, lãng phí vốn như thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương kiến nghị, Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo, bổ sung vào các báo cáo thanh tra, xử lý các sai phạm thời gian qua đến đâu, bao nhiêu dự án được phục hồi, số lượng kinh phí được thu hồi, bao nhiêu dự án phá sản, mức độ xử lý nghiêm các sai phạm, các tổ chức cá nhân để cảnh báo, răn đe, đồng thời rút kinh nghiệm cho các giải pháp đầu tư công trong thời gian sắp tới. Đồng thời, Chính phủ phải cho rà soát tổng thể để có giải pháp xử lý cụ thể từng nguyên nhân hạn chế nêu trong báo cáo như luật pháp còn nhiều điểm chưa hợp lý, thiếu thống nhất, thiếu chi tiết, hướng dẫn chậm, làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, làm khó khăn vướng mắc, chậm tiến độ thực hiện…

Đề cập đến tình trạng phân bổ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng phương án phân bổ trong kế hoạch trung hạn Chính phủ trình không đúng quy định của Luật Đầu tư công, dàn trải, kém hiệu quả và tạo cơ chế xin cho. Chính phủ trình Quốc hội không có danh mục dự án và phân bổ chia vốn đầu tư của trung ương vượt số tiền có thể cân đối được, chia cả số tiền đã phân bổ cho các dự án trong kế hoạch trung hạn.

Đại biểu cho rằng, hiện nay Chính phủ cũng chỉ trình nguyên tắc, hầu hết không có danh mục nên Quốc hội cũng chỉ quyết định được các nguyên tắc và buộc phải giao cho Chính phủ rà soát lại, vì vậy Quốc hội có thể giao Chính phủ tự rà soát, cắt giảm, bổ sung phù hợp với nguồn cân đối được, tự thực hiện và chịu trách nhiệm hoặc xin ý kiến thường vụ cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau. "Nhưng tuyệt đối phải tuân thủ nguyên tắc, danh mục và tổng mức vốn của các dự án đưa vào trung hạn không quá mức vốn có thể cân đối được trong hai năm còn lại” - đại biểu Quang Hàm nhấn mạnh.

TheoNhanDan

Các tin khác


Báo Lạng Sơn kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên

Ngày 24/4, Báo Lạng Sơn tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên (1/5/1964 - 1/5/2024). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư và 17 Báo Đảng địa phương...

Sẵn sàng tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp huyện

Đến thời điểm này, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cơ bản hoàn thành tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cấp xã, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Công tác tổ chức đại hội tại các xã, phường, thị trấn đều trang trọng, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, đạt yêu cầu về nội dung, chương trình, kế hoạch, đúng điều lệ, quy định, hướng dẫn. Sau thành công của Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp cơ sở, các địa phương quyết tâm tổ chức thành công Đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện theo đúng kế hoạch đề ra.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng.

Tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần cải cách hành chính

Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023) của Bộ Nội vụ công bố mới đây, tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các nội dung CCHC gắn với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2024): Hội Nhà báo Việt Nam- Dấu ấn hướng về cơ sở

Có thể nói những chuyến công tác "Hướng về cơ sở" đã là dấu ấn đặc biệt cho một năm 2023 đầy sôi động cũng như chặng đường hoạt động vừa qua của Hội nhà báo Việt Nam, là sự cụ thể hóa thành công tinh thần "Chủ động, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả”, hướng về hội viên, nhà báo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục