Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin và Phu nhân cùng các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Ấn Độ đã tới Hà Nội, thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.



Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: ĐĂNG KHOA


Sáng 20-11, lễ đón chính thức Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin và Phu nhân được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân chủ trì lễ đón. Dự lễ đón có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư; Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng; Thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Đúng 9 giờ 40 phút, Đoàn xe chở Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin và Phu nhân cùng các thành viên trong Đoàn tiến vào Quảng trường Phủ Chủ tịch. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân ra tận cửa xe nồng nhiệt chào đón Tổng thống Ấn Độ và Phu nhân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mời Tổng thống Ấn Độ bước lên bục danh dự. Quân nhạc cử quốc thiều hai nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mời Tổng thống Ấn Độ duyệt đội danh dự và giới thiệu các quan chức hai bên có mặt tại lễ đón.

* Sau lễ đón, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng Tổng thống R.Cô-vin có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam và cho rằng đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời Việt Nam - Ấn Độ, được Thủ tướng Gia-oa-hác-lan Nê-ru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Tổng thống R.Cô-vin bày tỏ vui mừng thăm Việt Nam, điểm đến đầu tiên tại khu vực Đông - Nam Á, kể từ khi nhậm chức tháng 7-2017 và chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ trọng trách Chủ tịch nước với số phiếu cao. Tổng thống Ấn Độ nhấn mạnh vai trò của hai Lãnh tụ Ma-hát-ma Gan-đi và Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và bồi đắp quan hệ hai nước và cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Ấn Độ năm 1958 là dấu mốc lịch sử của quan hệ hai nước.

Hai bên chia sẻ mối quan hệ tốt đẹp đã và đang phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là từ sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Hai bên nhất trí triển khai đầy đủ các cam kết chính trị ở cấp cao, các văn kiện về khuôn khổ quan hệ chính trị đã thông qua; tích cực trao đổi, phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của hai nước để tiếp tục đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, trong đó có Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giai đoạn 2017 - 2020. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh hợp tác trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân.

Hai bên bày tỏ vui mừng, thương mại song phương tăng trưởng mạnh thời gian qua và Ấn Độ trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; tin tưởng kim ngạch thương mại sẽ sớm đạt mục tiêu 15 tỷ USD. Hai nhà lãnh đạo đề nghị tăng cường xúc tiến đầu tư, nhất là trên các lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp chất lượng cao; khuyến khích Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) chủ động hơn nữa trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam cũng như tìm kiếm mô hình hợp tác, kể cả với nước thứ ba. Hai bên nhất trí tầm quan trọng của tăng cường kết nối và thúc đẩy các thủ tục để Vietjet Air có thể sớm khai thác đường bay thẳng TP Hồ Chí Minh - Niu Đê-li.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao hoạt động của các Trung tâm nghiên cứu văn hóa mỗi nước tại Hà Nội và Niu Đê-li. Tổng thống Ấn Độ cảm ơn phía Việt Nam đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 150 năm Ngày sinh Ma-hát-ma Gan-đi trong năm 2018 và hỗ trợ tổ chức "Ngày Quốc tế Y-ô-ga” hằng năm. Tổng thống Ấn Độ bày tỏ đặc biệt ấn tượng khi đến thăm khu di tích Mỹ Sơn, di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận và đánh giá cao hai bên phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả Dự án bảo tồn tôn tạo di sản văn hóa này. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh Ấn Độ đã hỗ trợ cộng đồng Chăm, xây dựng Nhà cộng đồng Chăm, trường học và các chương trình nghiên cứu văn hóa Chăm tại tỉnh Ninh Thuận.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục ủng hộ các địa phương, tổ chức hữu nghị, tổ chức nhân dân, giới học giả, nghiên cứu hai nước tăng cường hợp tác cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, truyền thông hai nước gia tăng hoạt động tại mỗi nước. Hai bên nhất trí duy trì trao đổi đoàn đại biểu thanh niên hằng năm, nhằm tạo điều kiện để thế hệ tương lai của hai nước tìm hiểu lịch sử, văn hóa lẫn nhau. Phía Ấn Độ cam kết duy trì cấp học bổng cho Việt Nam thông qua Chương trình hợp tác kỹ thuật (ITEC) và theo Chương trình trao đổi văn hóa (CEP/GCSS), ngoài các học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh từ các quốc gia ASEAN theo học tiến sĩ tại Ấn Độ.

Hai nhà lãnh đạo đều đánh giá quốc phòng - an ninh là hợp tác chiến lược, hiệu quả, thực chất và nhất trí đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, triển khai hợp tác giữa các quân binh chủng hai nước. Phía Ấn Độ bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức, huấn luyện Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai bên hoan nghênh tiến độ triển khai gói tín dụng 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam và nhất trí sớm tổ chức Đối thoại an ninh biển lần đầu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò, tiếng nói quan trọng của Ấn Độ tại các diễn đàn quốc tế. Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Hai bên cũng nhất trí ủng hộ lẫn nhau ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2021, Ấn Độ nhiệm kỳ 2021 - 2022). Tổng thống Ấn Độ nhấn mạnh, Việt Nam là trụ cột trong chính sách "Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, là đối tác then chốt của Ấn Độ trong ASEAN. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hoan nghênh lập trường của Ấn Độ về Biển Đông thời gian qua và đề nghị Ấn Độ tiếp tục ủng hộ chủ trương của Việt Nam và ASEAN về vấn đề này.

* Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ 

* Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký các văn kiện, bao gồm: Bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Truyền thông nước CH Ấn Độ về hợp tác trong lĩnh vực truyền thông; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, Việt Nam và Trường đại học Gia-oa-hác-lan Nê-ru, Niu Đê-li, Ấn Độ về thúc đẩy nghiên cứu học thuật và trao đổi giảng viên sinh viên; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) về tạo kênh kết nối thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh tại các địa phương của Việt Nam; Bản ghi nhớ giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ về đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư song phương.

* Tiếp đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin đã gặp gỡ đông đảo phóng viên báo chí trong nước và quốc tế, thông báo kết quả cuộc hội đàm vừa diễn ra hiệu quả, thực chất, thắm tình hữu nghị.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin. Ảnh: TRẦN HẢI

* Chiều 20-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp lại Tổng thống R.Cô-vin. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về tầm nhìn chung đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì đều đặn các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, các cấp, các ngành và giao lưu nhân dân. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí triển khai hiệu quả các cơ chế hiện có và tìm kiếm những biện pháp mới để đưa quan hệ toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu thực chất và hiệu quả hơn nữa.

Hai nhà lãnh đạo chia sẻ, hợp tác quốc phòng - an ninh đang ngày càng hiệu quả và là trụ cột của quan hệ song phương và hoan nghênh tiến độ triển khai gói tín dụng 100 triệu USD đóng tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Cho rằng hợp tác kinh tế - thương mại dù phát triển nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh hai nước, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, đây là lĩnh vực cần được ưu tiên thúc đẩy trong thời gian tới để sớm đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD và cao hơn nữa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn thiện chí của lãnh đạo Ấn Độ, đặc biệt là Thủ tướng N.Mô-đi, sẵn sàng trao đổi để giảm các biện pháp phòng vệ thương mại, không để ảnh hưởng lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo đề nghị các bộ, ngành liên quan hai bên sớm trao đổi khả năng mở cửa thị trường lẫn nhau với các mặt hàng hoa quả, nông sản và thực phẩm cũng như các sản phẩm khác mà hai bên có tiềm năng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đầu tư của Ấn Độ trên những lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đề nghị tăng cường hợp tác giữa Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong lĩnh vực dầu khí, đẩy mạnh triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò các lô mới. Hai bên nhất trí tích cực thực hiện các thỏa thuận trong Bản ghi nhớ về hợp tác trong các dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở các nước thứ ba, đồng thời cân nhắc khả năng hợp tác với nước thứ ba để thăm dò, khai thác dầu khí.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hợp tác trên các lĩnh vực như công nghệ thông tin, khoa học-công nghệ, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân còn rất nhiều tiềm năng; giao các bộ, ngành, địa phương hai nước thiết lập các cơ chế hợp tác, nhóm làm việc để triển khai hiệu quả các văn kiện đã ký kết. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh nhu cầu tăng cường kết nối, nhất trí tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để Vietjet Air có thể sớm khai thác đường bay thẳng TP Hồ Chí Minh - Niu Đê-li.

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và ràng buộc.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin. Ảnh: TRUNG ĐỨC (TTXVN)

* Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ những kỷ niệm đẹp về đất nước và con người Ấn Độ sau hai chuyến thăm gần nhất trên cương vị Chủ tịch QH vào tháng 12-2016 và trên cương vị Phó Chủ tịch QH tháng 2-2013. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc Ngài Tổng thống nhận lời phát biểu tại QH Việt Nam dịp này mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đã bước sang một giai đoạn mới. Chủ tịch QH nhấn mạnh, tham dự buổi Tổng thống Ấn Độ phát biểu tại QH lần này có gần 500 đại biểu, trong đó có nhiều lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, thể hiện sự trân trọng mà Đảng, Nhà nước và đặc biệt là QH Việt Nam dành cho Ấn Độ.

Tổng thống R.Cô-vin khẳng định, Ấn Độ hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời cảm ơn QH Việt Nam đã giúp thu xếp để ông có vinh dự đặc biệt phát biểu tại QH dịp này. Tổng thống Ấn Độ bày tỏ tin tưởng sự kiện này, cũng như chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2016 và trao đổi Đoàn Nghị sĩ hữu nghị hai nước vừa qua sẽ tiếp tục giúp thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp.

* Sáng 20-11, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội trường Diên Hồng - Nhà QH trong Phiên họp toàn thể, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV.

Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống R.Cô-vin bày tỏ vinh dự khi phát biểu trước QH Việt Nam và qua đó phát biểu với người dân Việt Nam. Tổng thống Ấn Độ cho biết, mọi quan hệ bang giao đều quan trọng đối với Ấn Độ, nhưng Ấn Độ có một số mối quan hệ mang ý nghĩa đặc biệt, trong đó có quan hệ hữu nghị với Việt Nam.

Tổng thống Ấn Độ chia sẻ, năm 2019, Ấn Độ kỷ niệm 150 năm Ngày sinh của Ma-hát-ma Gan-đi và ở Việt Nam là kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những giá trị về tự do, quyền tự quyết và phẩm giá mà cả Ngài Gan-đi và Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi đều xuất phát từ lịch sử chung của hai nước - lịch sử về học vấn cao và học hỏi lẫn nhau, kết nối tâm linh giữa Đạo Phật và Đạo Ấn. Nhận định xã hội và nền kinh tế hiện nay đang trải qua những thay đổi lớn, Tổng thống Ấn Độ cho rằng, công nghệ đang làm thay đổi cách thức sống và làm việc. Ấn Độ hiện sở hữu một hệ sinh thái khởi nghiệp lớn nhất toàn cầu, đang thúc đẩy công nghệ và các nguồn tài chính khan hiếm khác để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên. Ấn Độ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển với Việt Nam trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm và ưu tiên.

Tổng thống Ấn Độ cho rằng, hai nước cùng chia sẻ tầm nhìn về một trật tự dựa trên luật lệ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm tự do hàng không và hàng hải. Tầm nhìn chung là cùng hướng tới giải quyết hòa bình các xung đột, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, phù hợp các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tổng thống R.Cô-vin khẳng định, Ấn Độ luôn ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết ASEAN. Ở phạm vi ngoài khu vực, Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục cam kết hợp tác với nhau trong các lĩnh vực rủi ro mới nổi như an ninh mạng và tại các diễn đàn đa phương…

Tổng thống R.Cô-vin nhận định, gốc rễ của các nỗ lực ở cấp quốc gia của cả Việt Nam và Ấn Độ là khát vọng và sự thịnh vượng của người dân. Tăng cường quan hệ kinh doanh và kết nối cứng giữa hai nước sẽ có vai trò rất quan trọng cho quá trình này. Hai nước hiện đều là những nền kinh tế năng động. Việt Nam đã có quá trình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu ấn tượng và Ấn Độ ngày nay là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới. Hai nước có dư địa để hợp tác và bổ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực dệt may, nông nghiệp, công nghệ nông nghiệp, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, năng lượng, dược phẩm, cơ sở hạ tầng và khai khoáng. Các nhà đầu tư, sản xuất và cung ứng dịch vụ của Ấn Độ đều đang phấn khởi hướng về Việt Nam.

Phát biểu đáp từ, thay mặt QH Việt Nam, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng cảm ơn Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin đã có bài phát biểu tốt đẹp về mối quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước. Chủ tịch QH chúc mừng Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, chúc đất nước Ấn Độ tiếp tục đạt được những thành tựu tăng trưởng kinh tế - xã hội quan trọng và ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trên trường quốc tế.

* Cùng ngày, Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin và Phu nhân cùng các thành viên trong Đoàn đã đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Tối cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân đã chủ trì tiệc chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng thống R.Cô-vin và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Ấn Độ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Tại tiệc chiêu đãi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chào mừng và Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin phát biểu đáp từ. 

* Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin và Phu nhân cùng Đoàn đã đến TP Đà Nẵng. Tổng thống R.Cô-vin đã có buổi gặp mặt lãnh đạo TP Đà Nẵng. Tại buổi tiếp kiến Tổng thống Ấn Độ, đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, quan hệ hợp tác Đà Nẵng và các địa phương Ấn Độ trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tốt đẹp. TP Đà Nẵng đón nhiều đoàn thị trưởng thành phố, các hiệp hội, tàu hải quân từ Ấn Độ. Tính đến tháng 9-2018, có hai dự án FDI của Ấn Độ đăng ký đầu tư tại TP Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 13,5 triệu USD. Hằng năm, Chính phủ Ấn Độ dành các suất học bổng trên nhiều lĩnh vực như đào tạo tiếng Anh ngắn hạn, công nghệ thông tin... cho học sinh, sinh viên Đà Nẵng. TP Đà Nẵng đã phối hợp Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật tại Đà Nẵng.

Trong thời gian thăm TP Đà Nẵng, Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin và Phu nhân cùng Đoàn tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

* Trong khuôn khổ chuyến thăm, chiều 19-11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ phối hợp cùng các cơ quan liên quan của hai nước tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ. Tham dự có: Tổng thống Ấn Độ R.Cô-vin; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; đại diện các bộ, ban, ngành; đông đảo doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Ấn Độ.

Bày tỏ vui mừng tham dự Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng nhìn lại những kết quả hợp tác, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp tác phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Ấn Độ. Để đạt mục tiêu đạt kim ngạch song phương 15 tỷ USD thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, hai bên cần tăng cường đầu tư trên các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu; đẩy mạnh kết nối hàng không và hàng hải, hạn chế và từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất, nhập khẩu của hai nước.

Bày tỏ vui mừng đến dự và phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, Tổng thống R.Cô-vin cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ có tầm nhìn, phương pháp tiếp cận kinh tế tương tự nhau; doanh nghiệp hai nước đang có cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Ấn Độ cũng muốn học hỏi Việt Nam trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị và du lịch, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

* Tối cùng ngày, Tổng thống R.Cô-vin và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Ấn Độ đã rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.

 

                 TheoNhandan

Các tin khác


Nhiều luật quan trọng được Quốc hội biểu quyết thông qua

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 19/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

Sáng 20/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Đây là phiên họp cuối cùng khép lại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Thẩm tra báo cáo dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ 7- HĐND tỉnh lĩnh vực Văn hoá- Xã hội

(HBĐT) - Ngày 19/11, Ban Văn hoá- Xã hội (HĐND tỉnh) đã tổ chức hội nghị thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 7- HĐND tỉnh.

Bảo đảm tính khả thi đối với dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 19/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Kỳ họp thứ VII, HĐND tỉnh khóa XVI diễn ra từ ngày 4-6/12/2018

(HBĐT) - Sáng 19/11, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 26

Sáng 18-11, tại Tòa nhà APEC, thủ đô Pót Mo-xbai, Pa-pua Niu Ghi-nê, Hội nghị cấp cao lần thứ 26 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã chính thức khai mạc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục