Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Tổng Thư ký IPU M.Chun-gông; Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc (LHQ), Trưởng các cơ quan đại diện LHQ tại Việt Nam C.Man-hô-tra; các thành viên Ủy ban Thường vụ QH, lãnh đạo các bộ, ngành, đại biểu QH và đại biểu HĐND các địa phương, cùng nhiều chuyên gia trong nước và ngoài nước.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nền tảng của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), QH Việt Nam đã ban hành Hiến pháp năm 2013, đồng thời xây dựng và sửa đổi, bổ sung hơn 300 đạo luật, tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. QH cũng thông qua Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về SDGs.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự hội nghị.
QH thực hiện việc giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước về kết quả thực hiện SDGs và xem xét, quyết định việc bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu, đầu tư cho y tế, khoa học - công nghệ… Thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, các đại biểu QH Việt Nam cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan phát triển bền vững, thể hiện vai trò tích cực của QH trong triển khai SDGs, trong đó có Tuyên bố Hà Nội về "Các Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 - Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 tổ chức tháng 3-2015 tại Việt Nam. QH Việt Nam cũng chú trọng việc nâng cao nhận thức của người dân về SDGs và sự cần thiết lồng ghép, đưa SDGs trở thành các mục tiêu quốc gia trong dài hạn, qua đó huy động các nguồn lực và sự tham gia của người dân thực hiện các mục tiêu. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, để thúc đẩy thực hiện SDGs thời gian tới, việc nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các mục tiêu phát triển bền vững là rất cần thiết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 của LHQ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu coi mọi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển. Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, ưu tiên hơn cho yêu cầu bền vững, nhất là bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội. Phó Thủ tướng cũng đưa ra sáu lưu ý khi tập trung chỉ đạo triển khai thành công Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030, như nghiên cứu, trình QH và các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030; ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh…
* Sau lễ khai mạc, hội nghị do Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng chủ trì, tập trung thảo luận các nội dung chính thông qua bốn phiên, gồm: Tổng quan về Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững và vai trò của các nghị viện; Giới thiệu Bộ Công cụ tự đánh giá nghị viện và SDGs, ý nghĩa đối với Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế; Nhận diện một số thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện một số SDGs, khuyến nghị và giải pháp; Các hoạt động trong thời gian tới.
* Bên lề hội nghị, sáng 17-12, tại TP Đà Nẵng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Tổng Thư ký IPU M.Chun-gông. Tại cuộc tiếp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, quan tâm vai trò của nghị viện trong việc giám sát thực hiện SDGs và chọn Việt Nam là nước thí điểm ở khu vực, Tổng Thư ký M.Chun-gông đã đề xuất và ủng hộ QH Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương về "Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” tại TP Hồ Chí Minh, tháng 5-2017. Chủ tịch QH trân trọng cảm ơn về những tình cảm tốt đẹp và đóng góp tích cực của ông Chun-gông trong việc thúc đẩy quan hệ giữa QH Việt Nam và IPU, nhất là tăng cường sự tham gia của QH Việt Nam tại diễn đàn quan trọng này; cảm ơn Tổng Thư ký và Ban Chấp hành IPU đã thông qua đề cử của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương bầu Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, thành viên Ban Chấp hành IPU là Phó Chủ tịch IPU nhiệm kỳ 2018-2019.
Tổng Thư ký IPU M.Chun-gông đánh giá cao sự tích cực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết; cảm ơn Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã có sự chỉ đạo tích cực trong việc triển khai, thực hiện; đồng thời cho rằng, trên cơ sở nền tảng của mối quan hệ tốt đẹp giữa IPU và QH Việt Nam, thời gian tới, hai bên tiếp tục hợp tác về những vấn đề liên quan phát triển bền vững. Tổng Thư ký IPU nhấn mạnh, Việt Nam có chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, trong đó có việc nâng cao tiêu chuẩn về dinh dưỡng cho trẻ em; IPU sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực này.
* Cùng ngày, trong khuôn khổ hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng tiếp Điều phối viên Thường trú LHQ, Trưởng các cơ quan đại diện LHQ tại Việt Nam C.Man-hô-tra. Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Thường trực QH nhấn mạnh, Việt Nam đang từng bước kết cấu lại các nội hàm liên quan phát triển, như các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng. Việc xây dựng luật pháp, QH cũng bám sát chương trình mục tiêu, nhất là các cam kết thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Trong hoạt động, QH luôn nhận được sự đóng góp rất quan trọng của đại diện LHQ tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức của LHQ. QH Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của LHQ về các vấn đề nguồn lực, dân tộc và miền núi, bồi dưỡng nguồn nhân lực, kỹ năng đại biểu, hợp tác quốc tế...