Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg E. Grigoriev (trái) và Giám đốc Bảo tàng Quân y, Bộ Quốc phòng Nga, A. Budko ký quyết định tổ chức Triển lãm.
Triển lãm này nằm trong khuôn khổ các hoạt động Năm chéo 2019: Năm Việt Nam tại LB Nga và Năm LB Nga tại Việt Nam.
Triển lãm sẽ khai mạc vào đầu tháng tư năm nay tại Bảo tàng Quân y ở TP Saint Petersburg và kéo dài đến hết năm. Chính quyền TP Saint Petersburg mong muốn thông qua triển lãm này, sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa LB Nga và Việt Nam, đem lại cho khán giả những thông tin ít được nhắc đến lâu nay, song lại là một phần lịch sử chung không thể tách rời trong quan hệ hợp tác quân sự, y học, khoa học và văn hóa giữa hai nước. Thông qua các hiện vật được trưng bày và giới thiệu tại triển lãm, công chúng sẽ được tiếp cận một giai đoạn lịch sử từ những chất liệu thực tế độc đáo trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, từ đó thấy được mối quan hệ tương tác mang tính nhân đạo giữa Liên Xô và Việt Nam trong những năm 1950-1980.
Đặc biệt, triển lãm sẽ giới thiệu về hoạt động của các bác sĩ quân y Liên Xô (cũ) được cử sang giúp đỡ Việt Nam giai đoạn 1965-1974, do bác sĩ quân y Matvey Fedorovich Voitenko, làm Trưởng nhóm chuyên gia.
Trong khuôn khổ triển lãm, Ban tổ chức sẽ tiến hành ghi hình các cuộc phỏng vấn cựu chuyên gia Liên Xô, từng công tác tại Việt Nam giai đoạn 1970-1980. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động khác như các buổi gặp mặt giữa cựu chuyên gia Liên Xô với các nhà hoạt động văn hóa, khoa học của Việt Nam có mặt tại thành phố trong dịp này. Chính quyền Saint Petersburg cũng sẽ tổ chức các lớp đào tạo thạc sĩ giúp Việt Nam về chuyên ngành bảo tàng, thuyết trình sách, phim, dự án...
Phát biểu tại lễ ký quyết định và bàn thảo công tác chuẩn bị tiến hành triển lãm nói trên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg, Grigoriev nhấn mạnh, mối quan hệ giữa LB Nga và Việt Nam thời gian gần đây đã được nâng lên một tầm cao mới, khi giới chức cả hai quốc gia đều tâm niệm cần lưu giữ ký ức về một giai đoạn lịch sử mà Liên Xô dành cho nhân dân Việt Nam sự hỗ trợ quý báu trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhắc đến câu tục ngữ Nga "Trong hoạn nạn sẽ biết ai là bạn”, ông Grigoriev khẳng định về tình bạn thủy chung giữa Liên Xô, nay là LB Nga và Việt Nam. Ông nhấn mạnh, "người dân Liên Xô cảm nhận và thấu hiểu nỗi đau của nhân dân Việt Nam trong và sau chiến tranh”.
Giám đốc Bảo tàng Quân y Budko cũng cho biết đã trăn trở nhiều để lựa chọn tiêu đề cho cuộc triển lãm. Ban đầu, những người tổ chức muốn lấy tiêu đề: "Bác sĩ quân y Liên Xô trong cuộc chiến hỗ trợ bảo vệ nước CHXHCN Việt Nam”. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu rất nhiều tài liệu lịch sử, những cán bộ trẻ của bảo tàng, vốn là những thanh niên Nga ngày nay, dù không trực tiếp chứng kiến những năm tháng lịch sử hào hùng cùng nhân dân Việt Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, song đã thực sự xúc động trước lòng can đảm, tinh thần anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam. Và họ, những cán bộ trẻ tuổi của bảo tàng, đã đề nghị gọi tên cuộc triển lãm bằng chính cảm xúc thực sự của họ, đó là: "Nỗi đau của bạn trong trái tim tôi, Việt Nam!”.
Được biết, Tập đoàn Golden Age Group, một doanh nghiệp của người Việt Nam hoạt động tại Saint Petersburg đã hỗ trợ toàn bộ nguồn kinh phí để tổ chức cuộc triển lãm này. Phát biểu tại lễ ký, Chủ tịch Tập đoàn Dương Chí Kiên rất vinh dự được tham gia ủng hộ cho một sự kiện thấm đẫm tình nghĩa giữa hai nước Việt Nam và LB Nga; đồng thời, bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc đến các cựu chuyên gia, các bác sĩ quân y Nga đã không quản ngại hy sinh, sẵn sàng sát cánh cùng quân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Ý nghĩa của triển lãm "Nỗi đau của bạn trong trái tim tôi, Việt Nam!” chắc chắn sẽ truyền cảm hứng tới những thế hệ trẻ của hai nước Việt Nam và LB Nga, cùng bạn bè quốc tế về tình bạn, tình đồng chí của các thế hệ đi trước, cho giới trẻ góc nhìn về một thời hào hùng mà cha ông họ đã trải qua, đã cùng nhau sống và chiến đấu, tuyên truyền, cổ vũ cho chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế đời đời bất diệt.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg, E. Grigoriev (giữa) giới thiệu ảnh một hiện vật quen thuộc trong thời chiến tại Việt Nam.