Mục tiêu là tổ chức xóm, khu dân cư (KDC) theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động ổn định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền và các đoàn thể cấp xã. Giảm chi phí hành chính; nâng cao chất lượng, hoạt động của những người hoạt động không chuyên trách và tổ chức, hoạt động của các đoàn thể ở xóm, KDC. Huy động tập trung nguồn lực đóng góp xây dựng của cộng đồng. Nâng cao trình độ, trách nhiệm và tăng thu nhập cho cán bộ cơ sở…
Trưởng phòng Nội vụ huyện Đinh Văn Duẩn cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, UBND huyện đã ban hành quyết định thành lập BCĐ thực hiện nhập, đặt tên, đổi tên xóm, KDC thuộc huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Tổ chức hội nghị triển khai, thực hiện kế hoạch đến các phòng, ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn. Yêu cầu đặt ra là hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở quyết tâm cao, nhất quán trong nhận thức.
Khi chưa thực hiện thí điểm, nhập, kiện toàn, huyện có 124 xóm, KDC thuộc 13 đơn vị hành chính. Huyện chọn xã Xuân Phong, Thu Phong làm điểm. Hai xã đã thực hiện đầy đủ các bước và đạt kế hoạch đề ra. Sau thực hiện thí điểm, xã Xuân Phong giảm từ 12 xóm còn 10 xóm; xã Thu Phong từ 14 xóm còn 12 xóm. Huyện đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai nhập xóm trên phạm vi toàn huyện thuận lợi. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, nhân dân. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Lấy kết quả thực hiện là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét tổ chức đảng, đảng viên. Tất cả các xã, thị trấn đã vào cuộc thực hiện theo kế hoạch của huyện, tỉnh. Sau khi nhập, huyện hiện còn 88 xóm, KDC, giảm 32 xóm, KDC so với trước.
Chủ tịch UBND xã Xuân Phong Bùi Văn Diêng cho biết: Thực hiện làm điểm, xã đã nhập 3 xóm Rú 1, Rú 2, Rú 3 thành xóm Rú Giữa. Từ việc làm điểm, xã tiếp tục triển khai nhập các xóm khác. Sau khi nhập, xã giảm từ 12 xóm còn 6 xóm. Xóm mới đông hơn, rộng hơn, công việc nhiều hơn, đòi hỏi cán bộ không phải chỉ năng động, tâm huyết hơn mà còn cần năng lực, sức khỏe. Từ yêu cầu công việc, xã đã kiện toàn các chức danh ở xóm và động viên những cán bộ mới. Đây cũng là cơ sở để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở các xóm. Tuy nhiên, vấn đề hiện hữu là nhà văn hóa cũ của từng xóm chật hẹp, trong khi nhà văn hóa mới chưa được xây dựng. Một số chức danh như Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, thanh niên… không có phụ cấp. Xã đã linh hoạt cho phép xóm Rú Giữa gần trụ sở xã sử dụng hội trường của xã để sinh hoạt xóm.
Ông Bùi Văn Bè, trưởng xóm Rú Mới chia sẻ: Tôi từng là trưởng xóm Rú 5 chỉ hơn 50 hộ, giờ, xóm Rú Mới có 189 hộ. Chủ trương nhập xóm dân đều giơ tay đồng tình nhưng vấn đề là hoạt động sau đó như thế nào?. Đảm nhận vị trí từ cuối tháng 1/2019, tôi thấy công việc của xóm mới nhiều hơn, vất vả hơn. Nhà văn hóa của từng xóm cũ, nhỏ không đủ cho cả xóm mới cùng họp nên mỗi lần họp xóm phải tổ chức 3 lần. Loa phát thanh, âm li hỏng nên phải đến báo cho từng cụm. Song, tôi luôn cố gắng hết mình, cái gì cũng phải dân chủ, dân biết, dân bàn và hoạt động của xóm dần đi vào ổn định. Về các loại giấy tờ triển khai theo hướng dẫn của các sở, ngành, dân chưa thấy phàn nàn gì.
Một vấn đề phát sinh sau khi nhập xóm là toàn huyện còn 22 xóm dưới 100 hộ. Lý do là có xóm đã gần đủ 100 hộ theo quy định, khoảng cách địa lý các xóm quá xa nhau, địa hình đồi núi chia cắt, phong tục tập quán có sự khác biệt. Đơn cử như xóm Mừng, xã Xuân Phong có 53 hộ ở tách biệt, cách xóm khác hơn 7 km… Các trường hợp này, huyện sẽ báo cáo lên cấp tỉnh cho ý kiến từng trường hợp cụ thể. Hiện, huyện tập trung ổn định hoạt động của các xóm đã nhập. Đến nay, các xóm, KDC đã kiện toàn xong tổ chức bộ máy bên trong. Cụ thể như kiện toàn xong chi bộ, bí thư chi bộ, trưởng xóm, công an viên... Huyện đang thực hiện chi trả kinh phí cho những người nghỉ do bố trí, sắp xếp lại xóm, khu dân cư theo đúng quy định. Các xóm, KDC dần đi vào hoạt động ổn định.
Cẩm Lệ