Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kết luận hội nghị.
Theo báo cáo của Sở GTVT, toàn tỉnh có 10.898 km đường bộ, trong đó có 320 km các tuyến đường quốc lộ; 128 km đường các xã khó khăn; 435 km đường tỉnh; 972,2 km đường huyện; số còn lại là đường xã, liên xã, ngõ xóm, thôn, bản, đô thị.
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung và hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ nói riêng trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành và đã đạt được một số kết quả nhất định. Các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh đều được bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên. Hệ thống mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới trên các tuyến đường đã được cắm và bàn giao cho địa phương phối hợp quản lý. Đất dành cho đường bộ, phạm vi hành lang ATGT đã được giải tỏa cơ bản, không bị tái lấn chiếm trở lại. Các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông gửi đến cơ quan, đơn vị để xử lý...
Từ 8/2017 - 15/1/2019, lực lượng chức năng đã phát hiện vi phạm về quá tải trọng 957 trường hợp; phát hiện vi phạm về quản lý và sử dụng đất giành cho đường bộ 1.170 trường hợp... Lực lượng chức năng cũng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trở quá tải trọng, vi phạm vềquản lý sử dụng đất dành cho đường bộ...
Tuy nhiên, công tác bảo vệ kết hạ tầng giao thông, xử lý vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng còn mỏng, cơ sở vật chất phục vụ cho tuần tra, kiểm soát còn thiếu nên hiệu quả xử lý các vi phạm, nhất là về tải trọng xe thấp. Một số địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT. Việc quản lý, sử dụng đất đai của chính quyền cơ sở chưa chặt chẽ, còn để xảy ra lấn chiếm, san hạ mặt bằng, vi phạm hành lang ATGT đường bộ.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã làm rõ những hạn chế, tồn tại. Đồng thời, kiến nghị đề xuất những giải pháp giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT, họp chợ lấn đường, giải quyết các điểm đen, xử lý vi phạm tải trọng xe, các vi phạm về TTATGT; việc đầu tư, duy tu, sửa chữa các tuyến đường, các công trình giao thông, bổ sung các giải pháp kỹ thuật bảo đảm ATGT trên các tuyến đường...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh cho rằng: Dù có cố gắng nhưng công tác quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm TTATGT còn nhiều bất cập. Ý thức chấp hành các quy định về TTATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra. Công tác giải quyết, xử lý các vi phạm TTATGT chưa được thường xuyên và hiệu quả. Chưa có những giải pháp cụ thể thực hiện các quy định bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông ở địa phương. TNGT diễn biến phức tạp…
Nhấn mạnh vai trò của kết cấu hạ tầng giao thông đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh yêu cầu: Việc triển khai các biện pháp bảo đảm TTATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân. Ban cán sự UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Kết luận số 45-KL/T.Ư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/T.Ư của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT. Thực hiện đổi mới công tác tuyên truyền các quy định bảo đảm TTATGT. Ngành GTVT tiếp tục nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về GTVT, rà soát nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, kết nối; quản lý tốt hành lang, kết cấu hạ tầng giao thông; siết chặt quản lý phương tiện, người lái, tải trọng xe, rà soát xử lý điểm đen theo tiêu chí và đề xuất xử lý. Công an tỉnh phối hợp với cấp ủy các huyện, thành phốtriển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT, bảo vệ kết cấu hành làng giao thông đường bộ, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm TTATGT. Tăng cường bảo đảm giao thông nông thôn, chống tiêu cực trong người thi hành công vụ. Sở Xây dựng nghiên cứu triển khai hướng dẫn cụ thể việc cấp phép xây dựng đối với công trình nhà ở phạm vi hành lang ATGT các tuyến giao thông. Cấp ủy, chính quyền các cấp phải coi công tác quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ thường xuyên gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về TTATG; nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera bảo đảm TTATGT; quản lý chặt việc khai thác đất, khoáng sản các địa phương, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, giải quyết tình trạng họp chợ lấn đường mất ATGT.