Hội viên phụ nữ xã Thượng Tiến (Kim Bôi) đóng góp ngày công xây dựng công trình phúc lợi của xã.
Trong không khí những ngày tháng sục sôi thi đua đánh Mỹ, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/3/1965, Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào phụ nữ "Ba đảm nhiệm” với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và SSCĐ khi cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chỉ đạo phong trào và đổi tên phong trào thành "Ba đảm đang” có ý nghĩa vừa giản dị, vừa phù hợp với truyền thống của phụ nữ Việt Nam, càng tăng thêm sức mạnh động viên, lôi cuốn mọi tầng lớp phụ nữ tham gia và trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam.
Do đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, phong trào "Ba đảm đang” nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp phụ nữ tham gia kháng chiến, kiến quốc. Trong giai đoạn lịch sử này, phụ nữ tỉnh ta đã hưởng ứng tích cực ngay sau khi phát động phong trào "Ba đảm đang”. Đã có 47.926 hội viên trong tỉnh đăng ký phấn đấu đạt phụ nữ ba đảm đang. Trên mặt trận sản xuất, chị em đăng ký làm thêm giờ, thêm việc, nhận việc khó, giỏi một nghề, biết nhiều nghề. Với phụ nữ nông dân, năng suất cấy lúa ngày càng tăng cao. Năm 1965 chỉ đạt 50 m2/ngày đến năm 1968 đạt 250 m2/ngày... Trên mọi mặt trận, phụ nữ đảm nhận hầu hết công việc nặng nhọc thay thế nam giới trên khắp các chiến trường. Chị em nông dân tham gia tích cực với HTX kiến thiết đồng ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa, làm mương máng tưới tiêu. Tính riêng năm 1968, các HTX bỏ ra gần 2,3 triệu ngày công làm thuỷ lợi, trong đó, chị em tham gia trên 1,4 triệu ngày công. Bom đạn của giặc Mỹ, sự khắc nghiệt của thiên tai không làm giảm ý chí của chị em. Trong điều kiện vừa sản xuất, vừa chiến đấu, phụ nữ tỉnh ta luôn nêu cao khẩu hiệu năng suất cao, hoa màu nhiều, chăn nuôi giỏi, cây công nghiệp tăng... Qua phong trào, hàng trăm chị em được tham gia vào Ban quản trị HTX, nhiều chị được bầu làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm HTX... Trên mặt trận sản xuất CN - TTCN, phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn. Chị em lao động hăng say, phấn đấu đảm bảo ngày, giờ công, tăng năng suất lao động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thực hiện hiệu quả khẩu hiệu "mỗi người làm việc bằng hai”; "tay búa, tay súng”... Dù công tác ở bất kỳ lĩnh vực nào, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh vẫn dấy lên phong trào thi đua rộng khắp, thể hiện vai trò, tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo, ý chí tự cường vươn lên, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, đóng góp tích cực cùng tiền tuyến đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.
Từ mốc son lịch sử ấy, đến nay, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới, phụ nữ tỉnh ta bám sát các chương trình hoạt động, cuộc vận động, phong trào thi đua để tuyên truyền, vận động, cổ vũ, động viên hội viên, phụ nữ (PN) tham gia hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Ba đảm đang” trong thời kỳ mới. Cán bộ, hội viên, PN phấn đấu rèn luyện các phẩm chất "tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang", đóng góp tích cực, trách nhiệm, nhiệt huyết vào thực hiện các mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh và sự nghiệp bình đẳng giới. Hàng năm, trên 95% cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện các phong trào thi đua, trong đó, trên 81% cán bộ, hội viên PN đạt danh hiệu xuất sắc. Việc học tập và làm theo gương Bác Hồ có sức lan toả mạnh mẽ trong các tầng lớp PN với những mô hình thiết thực như: "Hũ gạo tiết kiệm”; "Nuôi lợn tiết kiệm". Trong quý I/2019, các cấp Hội trong tỉnh huy động trên 3 tỷ đồng từ các hoạt động hỗ trợ PN khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, Hội LHPN các huyện phối hợp mở 49 lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao KHKT cho 2.375 hội viên, 25 gia đình và nhiều hoạt động thiết thực khác. Đối với hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế, từ các nguồn tiết kiệm, Hội đã giúp 323 chị vay không lãi hoặc lãi suất thấp với số tiền trên 598,4 triệu đồng; duy trì tốt các hoạt động giúp đỡ hội viên nghèo, khó khăn củi, gạo, công lao động, tiền mặt cho trên 2.000 hội viên nghèo, khó khăn với tổng trị giá gần 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp hội đã chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ công tác trọng tâm của Hội, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, là nơi thu hút, tập hợp, chỗ dựa tin cậy, cầu nối giữa Đảng, chính quyền các cấp với PN trong tỉnh. Đặc biệt, cán bộ, hội viên PN các cấp luôn chú trọng công tác hậu phương quân đội, chăm sóc gia đình chính sách với nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đỡ đầu, giúp đỡ con liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2019, các cấp Hội trong tỉnh tổ chức thăm và tặng 5.328 suất quà cho mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình hội viên, phụ nữ nghèo, các gia đình chính sách, hộ nghèo, cán bộ hưu trí của Hội, cựu nữ thanh niên xung phong và 30 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh; tham gia cùng đoàn Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng quà 2 đồn biên phòng (Lóng Sập và Chiềng On) thuộc tỉnh Sơn La... với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng.
Hồng Duyên