Chiều 25-6, tại Nhà Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp bà Ra-na Phlao-ơ, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam (UNICEF).
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng bà Ra-na Phlao-ơ được bổ nhiệm làm Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam (từ tháng 5-2019). Chủ tịch QH bày tỏ hy vọng các hoạt động của bà Ra-na Phlao-ơ sẽ giúp thúc đẩy quan hệ giữa UNICEF và Việt Nam ngày càng hiệu quả và tốt đẹp. Ðồng thời đánh giá cao sự hỗ trợ của UNICEF tại Việt Nam trong thời gian qua vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi của trẻ em tại Việt Nam; các chương trình hợp tác Việt Nam - UNICEF lấy cam kết tiếp cận tới mọi trẻ em làm nền tảng, nhất là những trẻ em dễ bị tổn thương, bảo đảm rằng mỗi trẻ em đều có cơ hội bình đẳng để phát triển hết tiềm năng của mình.
Bà Ra-na Phlao-ơ cảm ơn Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian tiếp; bày tỏ mong muốn trong thời gian tới nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch QH, tiếp tục hợp tác với các cơ quan của QH để thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam. Bà Ra-na Phlao-ơ cho biết, năm 2019 đánh dấu 30 năm Công ước của LHQ về quyền trẻ em ra đời, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn công ước này. Năm nay, UNICEF muốn hợp tác cùng Việt Nam để kỷ niệm 30 năm Công ước của LHQ về quyền trẻ em; cùng với đó sẽ có hội nghị cấp cao mà Việt Nam cùng In-đô-nê-xi-a tổ chức vào tháng 7 tới...
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ hài lòng khi được biết UNICEF có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, hiệu quả với QH, đặc biệt là với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Ðối ngoại của QH trong việc góp phần nâng cao năng lực đại biểu dân cử giám sát thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam qua các giai đoạn từ năm 2006 đến nay. Mục tiêu là góp phần xây dựng môi trường pháp luật, chính sách đối với trẻ em và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đối với các nhóm yếu thế như trẻ em và phụ nữ. Chủ tịch QH khẳng định: Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, đã thực hiện nhiều chương trình, dự án, lồng ghép quyền trẻ em vào các chương trình xây dựng pháp luật. Việt Nam sẵn sàng phối hợp với UNICEF kỷ niệm 30 năm Công ước của LHQ về quyền trẻ em; cử thành viên tham gia đoàn dự Phiên họp Ðại hội đồng LHQ vào tháng 9 năm nay.
Chủ tịch QH tin tưởng UNICEF tiếp tục hỗ trợ tích cực Việt Nam, các cơ quan của QH và đại biểu QH Việt Nam về những vấn đề liên quan việc thực hiện hiệu quả những cam kết quốc tế và quy định pháp luật trong nước về chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Chung quanh những vấn đề được bà Ra-na Phlao-ơ quan tâm, Chủ tịch QH cho biết, tại các diễn đàn QH, các vấn đề liên quan trẻ em đều được thảo luận, bàn bạc, cho ý kiến. Ðại biểu QH và cử tri rất quan tâm vấn đề bảo vệ trẻ em; các báo cáo của Chính phủ tại QH đều được các Ủy ban của QH thẩm định, trong đó có rất nhiều nội dung có liên quan lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội... Ðối tượng trẻ em, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng đặc biệt khó khăn luôn được đặt vào vị trí quan trọng để xem xét, thảo luận; lồng ghép vào việc thẩm tra các luật để qua đó đánh giá mức độ quan tâm phù hợp...
Vừa qua, QH qua thảo luận kỹ lưỡng đã quyết định lựa chọn giám sát tối cao năm 2020 chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã trao đổi với Trưởng đại diện UNICEF Ra-na Phlao-ơ các vấn đề chung quanh ảnh hưởng của di cư, biến đổi khí hậu, đô thị hóa tới trẻ em; về quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi; nghề công tác xã hội...; đồng thời ghi nhận khuyến nghị trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật (khi sửa đổi Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Người khuyết tật...).
Thời gian tới, QH tiếp tục quan tâm rà soát, nghiên cứu thấu đáo, cập nhật để có chính sách đối với trẻ em cho phù hợp tình hình mới.
Nhân dịp này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn UNICEF và cá nhân bà Ra-na Phlao-ơ với 25 năm công tác tại nhiều quốc gia chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường in-tơ-nét hiện nay.
Theo Báo Nhân Dân