Trong thời gian qua, các công việc mà Tiểu ban giao Tổ Biên tập thực hiện cơ bản giữ được tiến độ đã đề ra. Ðây là những công việc nhằm cụ thể hóa các nội dung của Ðề cương chi tiết dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2021 - 2025 vừa được Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Ðảng cho ý kiến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các thành viên Tổ Biên tập trực thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng.
"Về phát triển thời gian tới như thế nào thì tôi đã nhấn mạnh nhiều lần là một quyết tâm mới, một khát vọng Việt Nam, ý chí Việt Nam để vượt qua thách thức khó khăn, vươn lên, xứng đáng với truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc ta", Thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu Tổ Biên tập cần phải đưa ra được những phương hướng để bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định cho đất nước, vì nếu không thì đất nước không thể phát triển được. Ðồng thời phải giữ vững được chế độ và bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội.
Một vấn đề nữa mà Thủ tướng đề nghị là phải có những công việc đột phá, "đột phá nhưng không phiêu lưu mà trên nền tảng cơ sở khoa học". Ðặc biệt là mọi việc đều đặt trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng khi những biến động trên thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta, trước hết là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Thủ tướng nhấn mạnh, dù dự thảo Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm tới phát triển kinh tế - xã hội sẽ còn được hoàn thiện nhưng dự thảo tới đây phải có nội dung mới, sáng tạo, sâu sắc và tinh túy nhất để trình lên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội cho ý kiến, trước khi trình Bộ Chính trị. "Rất mong các đồng chí đổi mới phương pháp nghiên cứu, cách xây dựng, cách viết là rất quan trọng", Thủ tướng nói. Tổ Biên tập cần phải suy nghĩ sâu sắc, trăn trở, cân nhắc kỹ để đưa từng nội dung, từng câu từng chữ vào văn kiện phù hợp đặc điểm, điều kiện của từng ngành, lĩnh vực của đất nước trong giai đoạn mới. Phải đưa vào những điểm mới, sáng tạo mang tính đột phá, "mới nhưng tránh tranh luận mất nhiều thời gian, quá sa đà vào những vấn đề dài dòng, cụ thể mà văn kiện không cần thiết phải nêu, trong đó, cần lưu ý kinh nghiệm quốc tế và trong nước đã thành công và thất bại". Cần đánh giá đúng, khách quan tình hình, tránh sáo rỗng, hình thức. Văn kiện phải có hơi thở cuộc sống.
Phần nhiệm vụ, giải pháp tới là vô cùng quan trọng, then chốt, "phải mở lối định hướng phát triển trên tinh thần chủ động, tích cực, phấn đấu cao", làm sao tránh bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cần thảo luận, thể hiện rõ quan điểm "phát triển để ổn định hay ổn định để phát triển". Ðề xuất bổ sung các đột phá mới trong thời gian tới. Tất cả là phải nhằm phát huy được tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực tự cường nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.