(HBĐT) - Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (năm 1945), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi phòng, chống tham nhũng là công việc quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước. Trải qua các giai đoạn lịch sử, đến Đại hội VI (năm 1986), Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới đất nước, cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí tiếp tục được Đảng ta đẩy mạnh.
Quan điểm của Đảng về tham nhũng
Văn kiện Đại hội VI nêu rõ: "Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên Nhà nước... chưa bị trừng trị nghiêm khắc”. Trong các Văn kiện Đại hội VII, VIII, IX và X, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ sự nguy hại của tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ. Đại hội X nêu rõ: "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng”.
Đại hội XI trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, Đảng ta khẳng định trên lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng đã có những chuyển biến rõ nét. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhiều quan chức cấp cao, kể cả thuộc diện Trung ương quản lý cũng chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Thống nhất với quan điểm các kỳ Đại hội trước đó, Đại hội XII tiếp tục khẳng định và bổ sung quan điểm về đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong đó nhấn mạnh: "tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”. Thể hiện rõ trên các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng. Bởi chưa chế định rõ ràng, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực Nhà nước ở các cấp. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy Nhà nước còn những điểm chưa thực sự hợp lý, hiệu lực, hiệu quả. Chưa khắc phục được sự chồng chéo, vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ giữa các thiết chế, làm ảnh hưởng tới sự thống nhất quyền lực Nhà nước... Hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, còn chồng chéo; tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế; kỷ cương, kỷ luật trong quản lý Nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém.
Tệ tham nhũng chưa được đẩy lùi còn là do sự phân định giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ; tổ chức và thực hiện pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa chưa nghiêm. Đáng nguy hại hơn là có những lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, đã để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, nhất là tệ "tham nhũng vặt” mà nhân dân quan tâm trong thời gian qua.
Nhận diện, phát hiện
Hàng ngày, người dân ở mỗi vùng, miền, với nhu cầu công việc bản thân đều có những việc cần thực hiện thông qua giao tiếp với bộ máy chính quyền các cấp, với đội ngũ công chức, viên chức - những người trực tiếp hướng dẫn, giải quyết công việc của nhân dân. Những nhũng nhiễu do một bộ phận này gây ra cho người dân được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gọi là "tham nhũng vặt” (trong Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng).
"Tham nhũng vặt” khi trở thành cách ứng xử với nhân dân của những người đảm nhận cương vị trong bộ máy chính quyền các cấp, đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ của công chức, viên chức trên mỗi cương vị. Đồng thời nó là nguyên nhân dẫn đến vi phạm nghiêm trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên nói riêng, đạo đức của Đảng nói chung, bởi đội ngũ công chức, viên chức chính là đối tượng phát triển Đảng của các tổ chức Đảng trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan chính quyền.
"Tham nhũng vặt” trở nên phổ biến sẽ tạo thành mạng lưới quan hệ, là điều kiện để hình thành những kẻ tham nhũng lớn. Nói cách khác, không phải mọi kẻ "tham nhũng vặt” đều trở thành kẻ tham nhũng lớn, nhưng nhiều kẻ "tham nhũng vặt” hợp lại tất yếu sẽ sinh ra kẻ tham nhũng lớn. Những kẻ hôm nay "tham nhũng vặt” gây khó dễ cho nhân dân để ăn chặn dựa trên những kẽ hở của pháp luật, quy định, do công tác kiểm tra, giám sát thực hiện trách nhiệm công chức, viên chức thực hiện không nghiêm. Khi những kẻ này có điều kiện, khả năng tham nhũng lớn sẽ bẻ cong chính sách, pháp luật vốn hướng tới phục vụ số đông, sẽ đề ra chính sách có lợi cho nhóm nhỏ lợi ích ích kỷ, phi pháp của mình, tìm mọi cách để bao che, bảo vệ quyền lợi của nhóm… Đó chính là con đường phát triển tất yếu từ "tham nhũng vặt” thành tham nhũng lớn - tham nhũng về chủ trương, chính sách - điều sẽ dẫn tới sự thay đổi mục tiêu, bản chất của chế độ.
Vì vậy, về tệ nạn này phải được hiểu là, được gọi là "tham nhũng vặt” bởi nó xảy ra ở cấp dưới, chủ yếu là cấp cơ sở trong quan hệ trực tiếp với người dân hàng ngày, và dựa trên quy mô số tiền có được khi thực hiện hành vi này, chứ không phải là hành vi này là vặt vãnh nếu xét từ ảnh hưởng nghiêm trọng với uy tín của Đảng với dân tộc, lòng tin của Đảng trong nhân dân. Do đó, đấu tranh với tệ "tham nhũng vặt” cần hội tụ quyết tâm lớn của toàn Đảng, tâm huyết của các cá nhân lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp, của mỗi đảng viên trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng này bởi ý nghĩa vô cùng quan trọng của nó.
"Tham nhũng vặt” tồn tại ở cấp cơ sở, nếu xét dưới góc độ lãnh thổ hành chính; ở các cơ quan, ban, ngành trong hệ thống chính trị (chủ yếu trong các cơ quan hành chính) cấp quận, huyện, tập trung ở những cá nhân trực tiếp quan hệ với công dân. Nó biểu hiện phổ biến nhất ở hành vi của cá nhân nhưng có sự ngầm đồng ý, cho phép của người lãnh đạo trực tiếp, thông qua việc gây khó dễ cho những công dân đến làm việc để gợi ý "bồi dưỡng” cho công việc thuận lợi, nếu không muốn đi lại bổ sung giấy tờ, thủ tục nhiều lần; hoặc biểu hiện ở nhóm nhỏ khi đề ra những phí thu, các khoản phạt trái quy định pháp luật… Hình thức này không những có lỗi "tham nhũng vặt”, mà bước đầu đã hình thành "nhóm lợi ích” lợi dụng quyền hạn để mưu lợi trái pháp luật.
"Tham nhũng vặt” tồn tại bởi nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân về nhận thức, là do tư tưởng của một số cấp lãnh đạo những nơi xảy ra hành vi này coi nhẹ ảnh hưởng của nó với những vấn đề quan trọng như đã nói ở trên, cho rằng bồi dưỡng ít tiền để anh em làm việc thuận lợi hơn…; nguyên nhân về ý thức đạo đức công vụ, đạo đức đảng viên cũng có, khi những người có hành vi "tham nhũng vặt” không đếm xỉa đến những quy định đạo đức này, hoặc có hiểu, có biết cũng không tuân thủ; nguyên nhân về cơ chế quản lý, đánh giá cán bộ cũng có, khi "chưa có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã chỉ ra và đó cũng là một điều kiện để tình trạng "tham nhũng vặt” tồn tại, bởi những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức nhưng không bị thay thế, lại đảm nhận những vị trí liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm sẽ rất dễ phạm phải sai lầm dẫn đến nhũng nhiễu…; nguyên nhân về kiểm tra, giám sát là nguyên nhân quan trọng nhất, khi việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát không nghiêm, mang tính hình thức sẽ không ngăn ngừa, hạn chế được tệ "tham nhũng vặt". Bên cạnh đó, những lỗi lầm khi bị phát hiện chỉ nhận hình thức kỷ luật không mang tính răn đe, do đó không ngăn ngừa, hạn chế được vi phạm.
Nguyên nhân từ tâm lý dân tộc nói chung, cũng như của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng là có biểu hiện dễ dãi, được chăng hay chớ, do ảnh hưởng rơi rớt lại của tâm lý tiểu nông, phụ thuộc thiên nhiên - mà biểu hiện rõ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là tình trạng trung bình chủ nghĩa, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra. Tâm lý đó, thực trạng đó lại bị ảnh hưởng bởi thực tế của một số cán bộ, đảng viên, từ trong suy nghĩ của nhân dân cho rằng, thời này giỏi, có đạo đức chưa chắc đã được để ý, đánh giá đúng nếu không có quan hệ, không biết "luồn, cúi”; kém về năng lực, vi phạm quy định, đạo đức chưa chắc đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí vẫn thăng tiến đều, nếu có "ô dù” che chắn, nâng đỡ.
Để điều này tồn tại trong suy nghĩ, hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như công tác phòng, chống tham nhũng, được gọi tên là sự vô cảm, "sự thờ ơ chính trị”. Cái xấu, cái ác, cái vô đạo đức… vì thế cứ mặc nhiên tồn tại, không chỉ trong xã hội mà còn len lỏi vào trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là một thực tế cần kiên quyết khắc phục, và là trách nhiệm trước tiên của Đảng.
Những nguyên nhân trên, mặc dù đó chưa phải là tất cả, đã làm cho tình trạng "tham nhũng vặt” tồn tại, mà lý do chủ yếu là khâu tự kiểm tra còn yếu.
Một số giải pháp phòng ngừa "tham nhũng vặt” trong thời gian tới
Đại hội XII tiếp tục khẳng định: "Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện quyết tâm chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhận thức về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nâng lên trong các cấp ủy, các ngành, các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân”. Đại hội chỉ rõ: "Các cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và toàn bộ hệ thống chính trị phải kiên quyết phòng, chống tham nhũng... phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng... ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”.
Để công tác chống tham nhũng, nhất là phòng, chống tệ "tham nhũng vặt” trong thời gian tới có kết quả, các cấp ủy, chính quyền nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp sau:
- Chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng đủ năng lực, có phẩm chất trong sáng. Kiên quyết loại khỏi bộ máy (đặc biệt là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Đưa trách nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ này vào đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
- Các cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn nữa trong việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách, quản lý. Chú trọng khắc phục việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đánh giá và thay thế kịp thời những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, cũng như thực hiện "công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình” để ngăn chặn ngay từ đầu một trong những nguyên nhân gây ra tệ nạn "tham nhũng vặt”.
- Làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung, "tham nhũng vặt” nói riêng.
- Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên với cấp ủy cấp dưới, nhất là cấp cơ sở; nghiêm khắc truy cứu trách nhiệm của tổ chức Đảng các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị khi để cán bộ dưới quyền tham nhũng; chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
- Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị khi để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh với tệ nạn bè cánh, ô dù, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên.
- Các cơ quan, ngành chức năng làm tốt công tác nắm tình hình, nhất là những lĩnh vực, vị trí thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, dễ có điều kiện phát sinh tham nhũng vặt; xử lý tốt tin báo, tố giác tội phạm, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân nhằm phát hiện, ngăn ngừa những hành vi tham nhũng.
- Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Quy định số 30-QĐ/TW thi hành Chương VII, chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Đinh Quốc Liêm
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng và sẽ tích cực cùng các nước ASEAN đóng góp nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.
Hội nghị Bộ trưởng Sáng kiến Hạ nguồn Mekong đã giúp nâng cao năng lực cho các nước Mekong trong quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường năng lượng.
Ngày 1-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.
(HBĐT) - Ngày 1/8, UBND tỉnh đã tổ chức công bố Quyết định về việc bổ nhiệm Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT). Tham dự có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 28/7/2019, UBKT Tỉnh ủy đã tiến hành kỳ họp thứ 18, khoá XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng chí Hoàng Văn Đức - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp này, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung sau:
(HBĐT) - Ngày 1/8, Đoàn công tác của các cơ quan Trung ương do đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về tình hình và những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý các vụ án về ma túy trên địa bàn xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Ngô Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan Khối Nội chính.