Đã có giai đoạn, một số chi bộ, Đảng bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy Mai Châu tồn tại những hạn chế, yếu kém cốt tử, làm giảm vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ sở. Cụ thể như việc có nơi năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy chi bộ yếu; tính tiên phong, gương mẫu của một số đảng viên chưa cao… Cá biệt, một số chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở khối hành chính Nhà nước, sự nghiệp, doanh nghiệp chưa chú trọng đến công tác xây dựng Đảng.
Điểm yếu trong lãnh đạo, điều hành của chi bộ
Năm 2013, huyện Mai Châu là 1 trong 5 huyện có điều kiện kinh tế khó khăn nhất tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ đạt 13,07 triệu đồng/năm. Trong khi đó, thu nhập bình quân của tỉnh đạt 20,7 triệu đồng. Điều kiện kinh tế khó khăn, thanh niên trên địa bàn huyện bỏ đi làm ăn xa dẫn đến cạn nguồn đối tượng Đảng, già hóa đảng viên, năng lực lãnh đạo, điều hành của tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng vì thế có phần bị giảm sút. Chi bộ Hịch 2 (xã Mai Hịch) không phải là ngoại lệ. Thời điểm đó, thu nhập bình quân của xóm chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm (chỉ bằng 72,9% thu nhập bình quân của huyện); tỷ lệ hộ nghèo của xóm chiếm 17,4%. Chi bộ Hịch 2 rơi vào tình trạng nhiều năm liền không phát triển được đảng viên mới.
Thường trực Đảng ủy xã Bao La (Mai Châu) gặp gỡ, trao đổi với cấp ủy viên cơ sở để tìm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chi bộ.
Vai trò lãnh đạo của chi bộ mờ nhạt kéo theo tình hình ANTT tại nhiều địa bàn của huyện Mai Châu không đảm bảo. Cụ thể như xóm Quyết Thắng (xã Bao La). Nhiều năm liên tiếp, Quyết Thắng là điểm nóng về tình trạng người dân nghiện và buôn bán ma túy. Năm 2013, toàn xóm có tới 7 người nghiện ma túy kéo theo nhiều hệ lụy.
Lý giải về nguyên nhân của những hạn chế trong điều hành của chi, Đảng bộ cơ sở, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mai Châu cho rằng: Không thể bỏ qua nguyên nhân hạn chế về công tác cán bộ. Nhiều Đảng bộ xã, tỷ lệ cán bộ có trình độ đạt chuẩn thấp. Cụ thể như xã vùng 135 Nà Mèo, thời điểm năm 2010, xã có tổng số 21 cán bộ, công chức, tuy nhiên, chỉ có chưa đến 10 đồng chí trình độ đạt chuẩn. Một số trưởng các ngành, đoàn thể, thậm chí là cán bộ chủ chốt của xã không thể nâng cao trình độ do đã quá tuổi đào tạo. Bên cạnh đó, đội ngũ cấp ủy viên ở chi bộ trực thuộc có đến trên 50% chưa có trình độ THCS. Từ đó, dẫn đến thực trạng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCS Đảng chưa cao.
Nâng cao chất lượng chi bộ - từ một chỉ thị đúng, trúng
Ngày 2/6/2014, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 31 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chi bộ. Đảng bộ huyện Mai Châu xác định: đây là "chìa khóa” khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên.
Triển khai thực hiện chỉ thị, Đảng bộ huyện đã tập trung ban hành: mẫu quy chế làm việc của chi, Đảng bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở; hướng dẫn nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của chi bộ; Kế hoạch số 137 thực hiện Kết luận số 18 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư khóa X về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong tình hình mới; quy định về việc dự sinh hoạt chi bộ của cấp ủy viên trong Đảng bộ huyện.
Theo đó, BTV Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở, chi bộ xây dựng, ban hành quy chế làm việc theo mẫu. 100% tổ chức Đảng có quy chế làm việc, thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung quy chế phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của các cấp ủy, tổ chức Đảng tại cơ sở, chấn chỉnh kịp thời đối với những đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc. Hàng năm, BCH Đảng bộ huyện, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy xây dựng chương trình kiểm tra. giám sát, chỉ đạo cấp ủy cơ sở. Nội dung kiểm tra, giám sát đối với tổ chức Đảng, đảng viên, cấp ủy viên về xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, chi bộ; việc sắp xếp, kiện toàn và củng cố tổ chức Đảng; việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt...
Bên cạnh đó, yêu cầu các chi bộ tập trung tổ chức sinh hoạt chuyên đề mỗi quý 1 lần. Chi ủy lựa chọn những vấn đề nóng của chi bộ để trao đổi, thảo luận và đề ra biện pháp khắc phục. Qua sinh hoạt chuyên đề để đảng viên được đóng góp ý kiến sâu về từng lĩnh vực, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ và đảng viên. Các cấp ủy phân công cấp ủy viên cấp trên dự sinh hoạt chi bộ, trong đó, BTV Huyện ủy quy định các đồng chí ủy viên BTV Huyện ủy dự tối thiểu 2 lần/năm ở 1 Đảng bộ cơ sở và 1 lần/năm ở chi bộ cơ sở. Các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ huyện dự tối thiểu 3 lần/năm ở 1 Đảng bộ cơ sở và 1 lần/năm ở chi bộ cơ sở, dự tối thiểu 6 lần/năm. Qua việc dự sinh hoạt chi bộ đã kịp thời nắm bắt được tình hình hoạt động của chi bộ, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, đồng thời, giải quyết những khó khăn vướng mắc ở chi bộ.
Ngoài ra, Đảng bộ huyện Mai Châu còn quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy, đảng viên, trước hết là đồng chí bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên trúng cử lần đầu. Công tác củng cố, kiện toàn cấp ủy được chú trọng.
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mai Châu đánh giá: Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 31, các chi bộ đã bám sát quy định, hướng dẫn của cấp trên và quy chế làm việc để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, hoạt động của các chi bộ được thực hiện khá nề nếp. Nội dung, hình thức sinh hoạt được đổi mới và chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy được quan tâm. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức Đảng phù hợp với tình hình thực tế được thực hiện kịp thời, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng chi bộ ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức.
Với nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện 1 chỉ thị đúng, trúng, Đảng bộ huyện Mai Châu xuất hiện ngày càng nhiều điểm sáng trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chi bộ.
(Còn nữa)
Thu Thủy
Bài 2 - Những điểm sáng trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chi bộ