(HBĐT) - Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp được trò chuyện với những người lính năm xưa để khơi lại nguồn ký ức về một thời "mưa bom, bão đạn” nhiều hy sinh, nhưng cũng đầy hào hùng. Trở về với cuộc sống đời thường, dù ở những cương vị khác nhau, những người lính Cụ Hồ vẫn âm thầm góp sức, công hiến, xây dựng quê hương giàu mạnh.


Ông Bùi Văn Tờn (phải), Chủ tịch Hội CCB huyện Kim Bôi cùng đồng đội ôn lại những ký ức một thời hào hùng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Giữ mãi niềm tự hào người lính

Ông Bùi Văn Tờn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Kim Bôi trân trọng và đầy tự hào khi cho chúng tôi chiêm ngưỡng những kỷ vật thời chiến như huân huy chương, huy hiệu, giấy chứng nhận… Đối với ông Tờn, đó là những vật chứng lịch sử vô cùng quý giá. Tháng 11/1969, ông Tờn lên đường nhập ngũ tại Bộ CHQS tỉnh. Năm 1971, ông luân chuyển công tác về Quân khu 3 với nhiệm vụ tham gia đưa quân chi viện tại chiến trường Quảng Trị. 

Chia sẻ về ký ức một thời bom đạn, ông Tờn cho biết: "Đường giao thông không có, chúng tôi phải đi bộ men theo những con đường mòn dọc sườn núi, một bên là vực sâu. Khó khăn là vậy nhưng ai nấy trong đoàn đều rất gắn bó, đoàn kết, sẻ chia với nhau từng miếng lương khô, cơm nắm, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.

Năm 1990, ông về nghỉ chế độ và tham gia công tác tại Hội CCB huyện Kim Bôi. Suốt 30 năm qua, trong đó 20 năm trên cương vị Chủ tịch Hội CCB huyện, ông Tờn luôn phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời là tấm gương sáng để cán bộ, hội viên CCB trong toàn huyện noi theo. Với những cống hiến của mình, ông Tờn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý; được chính quyền địa phương khen thưởng nhiều bằng khen, giấy khen vì những đóng góp trong xây dựng tổ chức Hội, phát triển KT-XH  địa phương.

Xưa thắng giặc ngoại xâm, nay thắng giặc đói nghèo

Người chúng tôi muốn nhắc đến là ông Hoàng Thái Lai, ở tiểu khu 7, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), hộ gia đình tiêu biểu phát triển trang trại cây có múi với mức thu nhập 2 – 3 tỷ đồng/năm. Mặc dù tuổi đã gần 80 nhưng ông Lai vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn và đặc biệt là mê kinh doanh.

Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1965, ông cùng đơn vị đóng quân tại tỉnh Khăm Muộn (Lào) với nhiệm vụ là "người vận chuyển” hàng hóa, lương thực, vũ khí chi viện cho các mặt trận miền Trung và miền Nam. Ngày nào cũng vậy, khi màn đêm buông xuống, những chuyến xe đầy ắp hàng hóa thiết yếu không đèn chiếu sáng lại nhanh chóng vượt qua muôn trùng núi để tiếp viện cho chiến trường. Nhớ về những chuyến đi "tử thần”, ông Lai cho biết: "Đến bây giờ, nhiều khi nghĩ lại bản thân tôi còn cảm thấy lo lắng. Năm 1967, trong một chuyến vận chuyển hàng qua cánh đồng Mường Phìn (Lào), tôi bị địch phát hiện. Chúng bắn pháo sáng, tìm mọi cách để truy lùng tôi. Do đường xóc, xe tải chạy nhanh nên cửa hậu bật móc khóa, toàn bộ 12 thùng phi xăng rơi lúc nào không hay”.

Năm 1970, do sức khỏe không đảm bảo, ông Lai được luân chuyển công tác về Tổng cục Kỹ thuật. Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ”, không cam chịu đói nghèo, sau khi về nghỉ chế độ năm 1985, ông Lai làm đủ thứ nghề để nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Năm 1998, từ nguồn vốn tích lũy, gia đình ông Lai mạnh dạn mua đất vườn để trồng thí điểm các giống cây ăn quả có múi. Nhờ tích cực học hỏi, tìm tòi, áp dụng KHKT vào quá trình sản xuất, mô hình trồng cây có múi của gia đình ông phát triển hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao. Đến nay, trang trại cây có múi của ông Lai được mở rộng trên diện tích gần 5 ha, với các giống cam V2, lòng vàng…, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 150.000 – 200.000 đồng/người/ngày.  

Đồng chí Bùi Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: "Kế thừa, phát huy truyền thống, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ”, lớp lớp cán bộ, hội viên CCB luôn là lực lượng tiên phong, gương mẫu trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển KT-XH. Đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, CCB gương mẫu. Hàng chục nghìn hội viên đã được Đảng và Nhân dân tín nhiệm bầu vào cấp ủy, HĐND các cấp, công tác trong hệ thống chính trị. Hiện, toàn Hội có 54.406 hội viên, trong đó có 13.814  đảng viên, 1.830 đồng chí được bầu vào cấp ủy Đảng các cấp; 1.112 đồng chí là bí thư, phó bí thư chi bộ; 718 đồng chí là bí thư và phó bí thư Đảng ủy cơ sở trở lên. Có 1.446 hội viên là đại biểu HĐND các cấp (cấp xã 1.368 đồng chí, cấp huyện 358 đồng chí, cấp tỉnh 14 đồng chí). Trên lĩnh vực kinh kế, toàn Hội có 59 doanh nghiệp vừa và nhỏ do doanh nhân CCB làm chủ, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.250 lao động, thu nhập bình quân đạt khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.


Đức Anh 

Các tin khác


Sáng tạo hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI

(HBĐT) - Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, giao việc cụ thể, sát sao đôn đốc, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục sự yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tháo gỡ khó khăn, cản trở sự phát triển, quyết liệt chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo.

Chiến công đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ

(HBĐT) - Bằng sự mưu trí, táo bạo, dũng cảm, sau 3 ngày truy lùng lực, lượng Công an, Quân đội và Nhân dân xã Tử Nê (Tân Lạc) đã bắt gọn toán gián điệp, biệt kích gồm 5 tên nhảy dù xuống địa bàn để móc nối với bọn phản động địa phương, tổ chức phá hoại, chờ thời cơ nổi dậy cướp chính quyền. Đây là một chiến công đặc biệt của lực lượng Công an, Quân đội và nhân dân Hòa Bình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 

(HBĐT) - Tiếp bước truyền thống, những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh luôn tập trung xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với Đại tá Hà Tất Đạt, UV BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh về phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong thời bình của CB, CS LLVT tỉnh.

Chiến thắng lịch sử 30/4 - tiếp thêm động lực để tỉnh Hòa Bình phát triển

(HBĐT) - 45 năm về trước, mùa Xuân năm 1975, bằng sức mạnh bốn nghìn năm của cả dân tộc, quân và dân ta đã thần tốc tiến vào trận đánh cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 11giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc dinh Tổng thống ngụy quyền, chấm dứt chế độ tay sai ngoại bang, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, gian khổ và oai hùng của dân tộc. Từ dấu son chói lọi này, lịch sử dân tộc ta bước sang trang mới: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh nội lực, đoàn kết dân tộc để phát triển

Bùi Văn Khánh
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh


(HBĐT) - Cách đây 45 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, quân và dân cả nước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên cường, sáng tạo, anh dũng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục