Theo báo cáo của UBND TP Hòa Bình, trước khi sáp nhập, thành phố có 15 đơn vị hành chính, gồm 8 phường và 7 xã. Huyện Kỳ Sơn có 10 đơn vị hành chính, gồm 1 thị trấn và 9 xã. Sau sáp nhập, TP Hòa Bình còn 19 đơn vị xã, phường, giảm 6 đơn vị xã, phường, thị trấn. Vì vậy, số lượng CB, CC dôi dư tương đối lớn. Tính đến thời điểm này, thành phố đã cho nghỉ theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP là 26 người, trong đó, cán bộ 20 người, công chức 9 người; nghỉ theo Nghị định số 26/NĐ-CP 6 người; nghỉ theo Nghị quyết số 173/2019/NQ-HĐND là 114 người, trong đó, cán bộ 20 người, công chức 9 người, người hoạt động không chuyên trách 85 người.
Đồng chí Vũ Thị Liên, Trưởng Phòng Nội vụ TP Hòa Bình cho biết: Hiện nay, thành phố còn phải sắp xếpcán bộ dôi dư sau sáp nhập là 35 người, công chức là 56 người. Dự kiến lộ trình sắp xếp: Năm 2020 sắp xếp 24 người, năm 2021 sắp xếp 21 người, năm 2022 sắp xếp 20 người, năm 2023 sắp xếp 16 người, năm 2024 sắp xếp 10 người. Tính đến thời điểm này, thành phố đã thực hiện điều chuyển công chức sang các vị trí phù hợp ở các phường, xã trên địa bàn còn thiếu, đảm bảo đi vào hoạt động ổn định sau sáp nhập. Làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt, CB, CC, kể cả những người hoạt động không chuyên trách, đồng thời đề nghị giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho CB, CC dôi dư sau khi sắp xếp theo chế độ, chính sách của T.Ư, của tỉnh đối với các trường hợp có đủ điều kiện về nghỉ. Một trong những khó khăn hiện nay trong công tác sắp xếp cán bộ là khối MTTQ và các hội, đoàn thể. Ngoài ra, sau khi thực hiện đề án Công an chính quy về làm việc tại xã, lực lượng Công an xã hiện nay tiếp tục dôi dư phải sắp xếp, tạo thêm áp lực cho việc sắp xếp đội ngũ CB, CC. Ngoài ra, nhiều CB, CC các xã, phường còn trẻ, trình độ chuyên môn cơ bản đáp ứng được theo đúng vị trí việc làm. Do đó, khi sắp xếp, kiện toàn khó xác định đối tượng nghỉ ngay, nghỉ theo lộ trình từng năm.
Trước thực tế đó, cấp ủy Đảng, chính quyền TP Hòa Bình đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tổ chức tốt công tác phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước, rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong thực hiện các nội dung liên quan đến sắp xếp cán bộ. Thành phố cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại CB, CC, viên chức, người lao động trên cơ sở hàng tháng, hàng năm, để làm cơ sở phân loại, xác định đối tượng dôi dư, nghỉ việc, tinh giản biên chế theo lộ trình.
Theo đồng chí Ngô Ngọc Đức, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình: Để giải quyết thấu đáo công tác cán bộ sau sắp xếp, tỉnh cần sớm có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các văn bản của cấp trên đối với việc bố trí, sắp xếp, giải quyết cán bộ dôi dư sau sáp nhập, đặc biệt là đối với cán bộ MTTQ và các hội, đoàn thể, cán bộ là Trưởng Công an xã, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã. Cho phép chuyển cán bộ dôi dư chưa nghỉ việc ngay sang công chức nếu có bằng cấp chuyên môn phù hợp, đặc biệt có xem xét ưu tiên cho những cán bộ có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ nhưng chưa đủ 5 năm công tác. Cho phép địa phương bố trí CB, CC dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, nhưng chưa nghỉ việc ngay sang các đơn vị hành chính cùng cấp khác trong địa bàn không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, với số lượng nhiều hơn theo quy định. Có chính sách hỗ trợ đối với CB, CC và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ việc ngay ở các đơn vị hành chính cấp xã không thuộc diện sắp xếp, sáp nhập, có nhu cầu nghỉ việc để điều động, sắp xếp số CB, CC dôi dư ở các đơn vị thực hiện sáp nhập. Về lâu dài, UBND tỉnh cần sớm ban hành tiêu chuẩn cụ thể về trình độ, vị trí việc làm đối với các chức danh CB, CC cấp xã.
Phương Linh