Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta kiểm tra công tác quy hoạch tại địa bàn TP Hoà Bình nhằm tăng cườn thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương.
Sự kiện lịch sử trọng đại này được ghi dấu vào ngày 18/8/1945, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Bắc Kỳ truyền tới Hòa Bình. Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh đã kịp thời phát lệnh khởi nghĩa, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng khu căn cứ, chi bộ thị xã và các cơ sở khác trong tỉnh. Lệnh khởi nghĩa truyền đi tới đâu là ở đó, cán bộ và quần chúng phấn khởi, khẩn trương hành động. Khắp núi rừng trong tỉnh dấy lên khí thế cách mạng sục sôi chưa từng có. Từ ngày 20 - 26/8/1945, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành việc giành chính quyền trong toàn tỉnh, góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa trên cả nước.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Tuyên ngôn độc lập đã mở ra thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, giành lại quyền được sống trong độc lập, tự do.
Niềm vui giành độc lập, tự do chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, cùng với cả nước, quân, dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình bền gan, vững chí bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Chúng ta dù có thiếu thốn về vũ khí, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, đời sống của người dân còn hết sức khó khăn. Song, quân, dân Hòa Bình có sức mạnh to lớn là tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn, là truyền thống đoàn kết các dân tộc để làm nên chiến thắng. Với thế trận chiến tranh nhân dân, quân, dân trong tỉnh đã đánh 1.831 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt 2.370 tên xâm lược; phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại của địch. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, toàn tỉnh có 955 thanh niên tham gia quân đội, chiến đấu khắp mọi miền Tổ quốc. Các địa phương cử 1.169 lượt người đi dân công, TNXP phục vụ chiến trường; ủng hộ 708 con trâu, bò, 4.720 kg thịt lợn, 39.517 tấn thực phẩm khác, 600 tấn thóc gạo, 905 xe đạp thồ..., đồng thời tham gia vận chuyển hàng nghìn tấn hàng, huy động 170.000 người xay giã 545 tấn thóc cho bộ đội và cung cấp cho mặt trận. Với những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nhân dân và LLVT tỉnh Hòa Bình tự hào được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Phát huy truyền thống anh hùng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện xuất sắc nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng: Vừa xây dựng CNXH, vừa đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên quê hương, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, góp phần vào sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Theo đó, toàn tỉnh có 11.460 con em các dân tộc nhập ngũ, 15.670 TNXP, đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước 162.000 tấn lương thực, 14.336 tấn thực phẩm... Tổng kết 2 cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, quân và dân tỉnh Hòa Bình đã chiến đấu, phối hợp chiến đấu 683 trận, bắn rơi 49 chiếc máy bay, bắt sống và tiêu diệt hàng chục giặc lái, bảo vệ vững chắc quê hương.
Trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi tỉnh ta giành được chính quyền cách mạng, mỗi chiến công trong chiến đấu, thành quả trong lao động sản xuất đều gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đưa phong trào đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng của quê hương.
Trong thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ mới đặt ra đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền tỉnh phải thường xuyên phấn đấu vươn lên ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, việc chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, cùng vượt qua mọi khó khăn, thách thức chính là sức mạnh to lớn để xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh.
Những năm qua, quán triệt, thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của T.Ư, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết; nắm bắt thời cơ, thuận lợi; vượt qua thách thức, khó khăn; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2016 - 2020. Tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khơi dậy và từng bước phát huy hiệu quả. Cán bộ, đảng viên, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, từ đó giành được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Trong 5 năm (2015 - 2020), kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ước tính đến hết năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 45,58% (công nghiệp chiếm 38,89%), dịch vụ 29,32%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 19,98%, thuế sản phẩm 5,12%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 63,8 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015, cao hơn trung bình khu vực trung du, miền núi phía Bắc và bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước. Tỉnh hiện có 54/131 xã đạt chuẩn nông thôn mới. TP Hòa Bình (trước khi sáp nhập huyện Kỳ Sơn) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh coi trọng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng, chất lượng, hướng tới cơ cấu nhân lực hợp lý. Đồng thời, quan tâm huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc; an sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56%; trên 95% người dân tham gia BHYT; trên 95% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 3,16%/năm. Công tác QP – AN có nhiều chuyển biến tích cực, tạo môi trường thuận lợi phục vụ hiệu quả phát triển KT - XH.
Tự hào với truyền thống quê hương anh hùng, phát huy thành quả đạt được trong công cuộc đổi mới, cùng với tiềm năng, lợi thế được xác định và bước đầu khai thác hiệu quả, tin tưởng rằng, trong những năm tiếp theo, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, tỉnh Hòa Bình sẽ tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng niềm tin của cán bộ, Nhân dân trong tỉnh.