Cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TP Hòa Bình tại phường Kỳ Sơn hướng dẫn công dân đến làm thủ tục hành chính.
Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần chỉ đạo, ngay từ đầu năm, thành phố tổ chức hội nghị ký cam kết thực hiện nhiệm vụ được giao, cam kết trách nhiệm người đứng đầu giữa trưởng các phòng, ban, đơn vị và Chủ tịch UBND các phường, xã với Chủ tịch UBND thành phố. Trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), nếu để hồ sơ chậm so với quy định, Chủ tịch UBND thành phố sẽ trực tiếp gửi thư xin lỗi đến công dân; người đứng đầu phòng, ban, xã, phường phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND thành phố. Đây là bước đột phá, đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, tạo sự thay đổi tích cực trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí Nguyễn Thế Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Cùng với chỉ đạo, thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cam kết. Đây cũng là cơ sở để đánh giá, xếp loại thi đua hàng tháng, cả năm của cán bộ. Xác định trong công tác CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, thành phố đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị xây dựng bộ phận "một cửa” hiện đại của thành phố và tất cả 19 phường, xã. Đi kèm với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ và Nhân dân để nắm rõ các TTHC thành phố đang thực hiện; niêm yết công khai TTHC trên trang thông tin điện tử TP Hòa Bình và tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Tích cực ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm văn bản điện tử và chữ ký số. Hiện, 100% phòng, ban, xã, phường đã ứng dụng chữ ký số. Điều này giúp cho việc xử lý văn bản nhanh hơn, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và công dân, giảm phiền hà. Từ đó, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh.
Công tác tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được thực hiện thông qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội (zalo, facebook, youtube), tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Năm 2020 đã in, phát hành 30.000 tờ rơi, 21 pano, tổ chức 3 buổi tuyên truyền bằng xe thông tin lưu động, xây dựng phóng sự ngắn hướng dẫn…
Với những nỗ lực, quyết liệt, đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự cố gắng của cán bộ, công tác CCHC của TP Hòa Bình chuyển biến tích cực. Trong 71.776 hồ sơ TTHC tiếp nhận có 21.006 TTHC nộp và giải quyết qua mạng, chiếm 29,3%. Số hồ sơ TTHC tiếp nhận và giải quyết, cũng như tỷ lệ giải quyết trực tuyến cao nhất khối huyện, thành phố. Về chỉ số và xếp hạng tổng thể mức độ chính quyền điện tử, từ vị trí thứ 8 năm 2018, tăng lên vị trí thứ 5 năm 2019; năm 2020, trong bối cảnh sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào thành phố bước đầu gặp những khó khăn, nhưng đã vươn lên vị trí thứ nhất. Về điều kiện sẵn sàng của chính quyền điện tử, thành phố cũng khẳng định vị trí số 1. Về đánh giá kết quả chính quyền điện tử đạt được đứng vị trí số 2. Tinh thần, thái độ, đạo đức công vụ của cán bộ được nâng cao. Do mới thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, để tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân, thành phố duy trì 2 nơi tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại phường Phương Lâm và phường Kỳ Sơn. Công tác CCHC, cải cách TTHC ngày càng tạo được sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Lợi, tổ 10, phường Kỳ Sơn; ông Nguyễn Văn Hòa, hộ kinh doanh tại phường Phương Lâm và nhiều người dân khác khi đến làm thủ tục về lĩnh vực đất đai, đổi tên hộ kinh doanh… cảm thấy hài lòng về cung cách, thái độ phục vụ của cán bộ, được nhận kết quả đúng hạn, trước hạn.
Chủ tịch UBND TP Hòa Bình Bùi Quang Điệp cho rằng, những kết quả trong công tác CCHC đạt được trong năm 2020 đáng phấn khởi. Đây là đà để thành phố thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
Cẩm Lệ