(HBĐT) - 67 năm về trước, khi ấy, họ còn là những chàng trai tuổi đôi mươi hăm hở ra trận, mở đường kéo pháo, bắn máy bay địch, chiếm lĩnh trận địa... góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hơn nửa thế kỷ qua đi, nay họ đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm”, nhưng trong trái tim của những người lính ấy vẫn in đậm ký ức hào hùng của một thời oanh liệt.
Tháng 5 về, căn nhà của cựu chiến sỹ Điện Biên Đường Hồng Kỳ ở tổ 3, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) trở nên nhộn nhịp hơn với những cuộc gặp gỡ. Ở tuổi 90, sức khỏe tuy đã yếu nhưng khi nhắc đến hai từ "Điện Biên”, ánh mắt ông vẫn sáng lên niềm tự hào. Ông kể: Tôi vốn là một thiếu sinh quân. Đang huấn luyện ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thì được điều động vào Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 hành quân về Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của chúng tôi là đào hầm, giao thông hào để tiến công vào tập đoàn cứ điểm. Bộ đội khi ấy đa phần còn trẻ, tuổi chỉ đôi mươi nhưng kiên cường, dũng cảm, không hề chùn bước trước hiểm nguy nơi trận mạc, dù gian khó vẫn luôn sáng lên tình đồng đội, không tiếc máu xương, chỉ mong được chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Sau giải phóng Điện Biên, ông chuyển ngành. Nhớ đồng đội, nhớ chiến trường xưa, ông đã 5 lần trở lại Điện Biên Phủ, 2 lần tới thăm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh của chiến dịch Điện Biên Phủ. "Mỗi chuyến đi đó, chúng tôi - những cựu chiến binh năm xưa lại thắp sáng lên niềm tự hào: Là chiến sỹ Điện Biên! Chỉ tiếc rằng, Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên TP Hòa Bình khi mới thành lập có 34 người, thì nay, nhiều anh, chị đã về với tổ tiên, chỉ còn lại 5 người, trong số đó, có những người chẳng còn minh mẫn nữa" - ông Kỳ chia sẻ.
Mang theo lời hỏi thăm của ông Đường Hồng Kỳ, chúng tôi tìm gặp cựu chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Quốc Ấn. Sau vài lời hỏi han, ông bắt đầu câu chuyện: Tôi khi ấy là lính pháo binh thuộc Sư đoàn 351 nhưng được giao nhiệm vụ chính là làm công tác quân giới. Trước khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị chúng tôi được lệnh lên Tuyên Quang nhận vũ khí, đó là pháo 105 mm, vũ khí hạng nặng đầu tiên của quân đội ta. Trong chiến dịch, pháo 105 mm của ta bắn đâu trúng đấy, đánh thắng ngay từ trận đầu.
Góp sức cùng bộ đội nơi tiền tuyến, những năm 1953 - 1954, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hăng hái đi dân công, xây dựng kho tàng, lán trại, ủng hộ lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Theo tài liệu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (1929 - 2010), tháng 1/1954, trước yêu cầu khẩn trương của chiến dịch, tỉnh đã huy động và tổ chức 3 đại đội thanh niên xung phong (TNXP), 3.000 dân công cùng dân công các tỉnh bạn tu sửa, tôn cao và mở rộng hơn 70 km đường từ Hòa Bình lên Mộc Châu (Sơn La). Riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Hòa Bình đã huy động trên 380 nghìn lượt dân công, 905 xe đạp thồ, vận chuyển 4.900 tấn hàng, huy động 170 nghìn ngày công xay, giã 545 tấn thóc, cung cấp cho bộ đội gần 40 tấn thịt, gần 1.900 m3 gỗ, tre, bương… Tất cả đã góp phần tạo nên chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu, đưa danh từ "Điện Biên Phủ” vào từ điển bách khoa quân sự thế giới.
Hải Yến
(HBĐT) - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
(HBĐT) - Trong 2 ngày (4 - 5/5), Đảng ủy quân sự tỉnh đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tới toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong cơ quan Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị trực thuộc.
(HBĐT) - Ngày 4/5, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ thay mặt BTV Tỉnh uỷ ký ban hành Công văn số 72-CV/TU về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Từng là địa phương khó khăn về nhiều mặt, cụ thể là các mặt công tác không được quan tâm chỉ đạo, nhiều nhiệm vụ không được tổ chức, thực hiện đến nơi đến chốn, xã Yên Phú đang trở thành điểm sáng, là một trong những điển hình thực hiện Chỉ thị số 05 trên địa bàn huyện Lạc Sơn, với những thành tích nổi bật trong công tác giải phóng mặt bằng hồ Cánh Tạng, dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới (NTM).
(HBĐT) - Chúng tôi trở lại thăm xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) thăm tượng đài chiến thắng khu vực đồi Dụ, cầu Mè. Nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân ta chỉ với vũ khí thô sơ, hỏa lực hạn chế nhưng bộ đội và du kích địa phương đã có những trận đánh làm quân Pháp phải "kinh hồn bạt vía”, góp phần đập tan phòng tuyến trên hành lang Đông - Tây của địch và đặt dấu chấm hết cho tham vọng lập "xứ Mường tự trị” của quân Pháp ở Hòa Bình.
Chiều 4-5, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các cơ quan gồm: Ban Nội chính T.Ư, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan tư pháp T.Ư và Bộ Công an về thi hành Luật Ðặc xá năm 2018. Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.