(HBĐT) - Chúng tôi trở lại thăm xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) thăm tượng đài chiến thắng khu vực đồi Dụ, cầu Mè. Nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân ta chỉ với vũ khí thô sơ, hỏa lực hạn chế nhưng bộ đội và du kích địa phương đã có những trận đánh làm quân Pháp phải "kinh hồn bạt vía”, góp phần đập tan phòng tuyến trên hành lang Đông - Tây của địch và đặt dấu chấm hết cho tham vọng lập "xứ Mường tự trị” của quân Pháp ở Hòa Bình.
Cán bộ, Nhân dân xã Mông Hoá (TP Hoà Bình) thăm tượng đài chiến thắng khu vực đồi Dụ, cầu Mè.
Tượng đài chiến thắng tại khu vực đồi Mè được thiết kế gồm một tượng nam đứng là một chiến sỹ bồng súng đứng gác, tượng nữ là một nữ du kích dân tộc Mường tay mang chiếc cồng, biểu tượng cho tình quân dân gắn kết đã trở thành niềm tự hào cán bộ và Nhân dân xã Mông Hóa, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho lớp lớp thế hệ trẻ.
Trong Chiến dịch Hòa Bình, chiến thắng đồi Dụ, cầu Mè (thuộc xã Mông Hóa - huyện Kỳ Sơn cũ) luôn được xem là một dấu son sáng chói của quân và dân các dân tộc tỉnh ta. Trải qua gần 70 năm trận đánh lịch sử cầu Mè vẫn còn nguyên giá trị. Ngày 10/12/1952, ta bắt đầu mở màn Chiến dịch Hòa Bình. Cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích đã tổ chức đánh địch trên dọc tuyến đường 6. Trận đánh diễn ra ngày 2/12/1951, lực lượng du kích địa phương đã cùng Đại đội 16 (bộ đội địa phương - Kỳ Sơn) phối hợp với bộ đội chủ lực là Trung đoàn 66 tiêu diệt một đoàn xe 34 chiếc ngay trên tuyến giao thông huyết mạch. Tiếp đó, ngày 11/12/1951, du kích xóm Dụ, xã Mông Hóa cùng với Đại đội 16 phối hợp cùng Tiểu đoàn 616 phục kích đánh địch trên đường 6 đoạn từ cầu Dụ đến hang đá Thau, diệt 2 trung đội lính Âu - Phi, phá hủy 10 xe quân sự, giải thoát hàng chục đồng bào bị địch bắt đi làm phu phen. Chiến thắng đồi Dụ, cầu Mè của quân và dân ta không chỉ góp phần đập tan phòng tuyến trên hành lang Đông - Tây của địch mà còn góp phần đập tan âm mưu thâm độc "lấy người Việt đánh người Việt” và đặt dấu chấm hết cho tham vọng lập "xứ Mường tự trị” của quân Pháp ở Hòa Bình.
"Lịch sử truyền thống hào hùng đang là động lực tinh thần to lớn để cán bộ và Nhân dân địa phương đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng quê hương ngày càng phát triển" - đồng chí Nguyễn Văn Bộ, Phó Chủ tịch UBND xã Mông Hóa cho biết. Trong những năm đổi mới, cán bộ và Nhân dân xã Mông Hóa đã nỗ lực phấn đấu thực hiện các giải pháp phát triển KT-XH và đạt được những kết quả quan trọng. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao. Cơ sở vật chất của xã ngày càng cải thiện, kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ, hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, giao thông, thủy lợi được đầu tư phục vụ tốt hơn đời sống của người dân. Đến nay, xã đã khai thác khá hiệu quả tiềm năng, lợi thế dọc tuyến đường QL 6 và nơi được quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp của thành phố. Toàn xã có 43 công ty đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng. Sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ đang mang lại sự thay đổi lớn trong cuộc sống người dân với nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế rừng hiệu quả. Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 50 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,68%. Bộ máy cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể CT-XH đi vào hoạt động ổn định, phát huy vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Cán bộ, Nhân dân xã đồng thuận hưởng ứng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng NTM.
L.C