(HBĐT) - Cuối năm 1951, Pháp tung một lượng lớn binh lực cùng phương tiện chiến đấu vào Hòa Bình, nhằm thu hút, tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta, nối lại hành lang Đông - Tây, khôi phục lại "tam giác sắt” Hà Nội - Sơn Tây - Hòa Bình; chặn đứng con đường vận chuyển, tiếp tế của ta lên Việt Bắc.
Cựu chiến binh phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) tìm hiểu tư liệu lịch sử về Chiến dịch Hòa Bình.
Để thực hiện ý đồ đó, Pháp đã mở đầu bằng việc bất ngờ đánh chiếm Chợ Bến ngày 10/11/1951 nhằm cắt đường di chuyển của bộ đội ta từ Việt Bắc xuống đồng bằng. Tiếp đó, ngày 14/11/1951, Pháp đã sử dụng 16 tiểu đoàn, 8 cụm pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 2 đại đội xe tăng cùng với không quân tiến chiếm Hòa Bình mà không vấp phải bất kỳ một sự kháng cự nào. Chính điều này đã làm cho quân viễn chinh Pháp trở nên tự mãn cho rằng chúng đã chiến thắng ở Hòa Bình.
Ngay sau khi nghe tin địch đánh chiếm Hòa Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: Địch đã giành lại quyền chủ động. Đánh Hòa Bình, chúng đã mở rộng phạm vi chiếm đóng, giành được một vị trí chiến lược quan trọng, sẽ gây cho ta nhiều khó khăn, nhưng đây chính là cơ hội ngàn vàng để ta tiêu diệt sinh lực địch. Ngày 24/11/1951, Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch tấn công quân Pháp ở Hòa Bình. Ngày 1/12/1951, Tổng Quân ủy đã thông qua kế hoạch tác chiến. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ta quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ - núi Chẹ, đồng thời đánh địch trên sông Đà.
Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952 với trận đánh mở màn ở cứ điểm Tu Vũ - núi Chẹ. Cuộc chiến chủ yếu diễn ra tại khu vực thị xã Hòa Bình, dọc tuyến sông Đà và trên tuyến đường 6. Tại đây, 3 đại đoàn chủ lực của ta đã trực tiếp đương đầu với lực lượng cơ động của địch lên xuống trong khoảng từ 13 - 19 tiểu đoàn. Qua 20 ngày chiến đấu (từ ngày 10 - 31/12/1951), ta đã tiêu diệt được một bộ phận lớn quân địch. Đường tiếp tế trên sông Đà của địch bị tê liệt. Đường số 6 luôn luôn bị cắt. Quân Pháp ở Hòa Bình đã hoàn toàn chuyển sang thế phòng ngự bị động. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 23/2/1952, địch buộc phải rút chạy, thị xã Hòa Bình được giải phóng.
Tổng kết chiến dịch, ta đã tiêu diệt được trên 6.000 quân địch, phá hủy nhiều phương tiện, khí giới của địch, giải phóng vùng đất rộng trên 1.000 km2 với hơn 20 nghìn dân. Trong đó, có những trận đánh điển hình như trận Cầu Dụ ngày 2/12/1951; trận phục kích đánh địch ở Giang Mỗ ngày 7/2/1952. Trong trận này, nổi lên là gương chiến đấu dũng cảm của Anh hùng Cù Chính Lan dùng lựu đạn tiêu diệt xe tăng địch. "Chiến dịch Hoà Bình chính là cuộc tập dượt lớn cho chiến dịch Điện Biên Phủ sau này” - đó là lời khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về vai trò quan trọng, ý nghĩa to lớn của chiến dịch Hòa Bình góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Cầm trên tay những cuốn sách, ảnh tài liệu lưu giữ về Chiến dịch Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) chia sẻ: "Chúng tôi luôn tự hào sâu sắc về chiến công của cha anh, đồng đội năm xưa trong Chiến dịch Hòa Bình. Phát huy tinh thần đó, chúng tôi luôn giáo dục con cháu về truyền thống hào hùng của dân tộc. Hội CCB phường Tân Hòa cũng phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, đặc biệt vừa rồi, hội được nhận bằng khen của Tỉnh ủy là tập thể điển hình trong phong trào "Dân vận khéo" giai đoạn 2017 - 2020".
Thanh Sơn