Bùi Đức Hinh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
(HBĐT) - Cách đây 60 năm, ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ lần đầu tiên rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam. Trong 10 năm (1961 - 1971), quân đội Mỹ đã phun rải xuống miền Nam nước ta hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, trong số đó 61% là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin.


Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam tại thành phố Hòa Bình. Ảnh: P.V

Trong lịch sử nhân loại, đây là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, thời gian dài nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất đối với môi trường và sức khỏe con người. Chất độc da cam (CĐDC) làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau da cam vẫn còn đó, dai dẳng. Nhiều người bị lây nhiễm qua các thế hệ, nhất là dị tật, dị dạng với nỗi đau hằng ngày, hằng giờ. Các nạn nhân bị nhiễm CĐDC là những người đau khổ. Đó là nỗi đau chung của dân tộc Việt Nam và cũng là nỗi đau chung của nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Đối với tỉnh Hòa Bình, theo kết quả điều tra có 4.691 người nghi phơi nhiễm với chất độc hoá học da cam, sinh sống tại 151 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố. Hiện có 3.650 nạn nhân đang hưởng chế độ phụ cấp, trong đó có cả những nạn nhân trực tiếp, gián tiếp và thế hệ thứ 3. Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nghĩa tình, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nạn nhân CĐDC. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các ban, ngành cùng chung tay có nhiều hoạt động vận động toàn dân chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân. Tiêu biểu như các phong trào: "Vì nạn nhân CĐDC”, "Hành động vì nạn nhân CĐDC Việt Nam”, "Tết vì người nghèo, vì nạn nhân CĐDC”, "Tháng hành động vì nạn nhân CĐDC”…

Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TƯ, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa XI "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, BTV Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai trong toàn Đảng bộ; ban hành chương trình hành động và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tạo điều kiện cho Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển hội viên, có chế độ thù lao cho cán bộ chuyên trách công tác hội và hỗ trợ kinh phí hoạt động. Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh được thành lập năm 2006, được công nhận là tổ chức Hội đặc thù. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố và 102 xã, phường, thị trấn đã thành lập được tổ chức Hội, toàn tỉnh có gần 4.000 hội viên. Các cấp Hội đã phát huy vai trò là "mái nhà chung” của nạn nhân CĐDC trong tỉnh; hoạt động tuân thủ Điều lệ Hội. Hội đã tham mưu cấp ủy, chính quyền có các hoạt động hiệu quả, thiết thực vì nạn nhân CĐDC.

Các chính sách đối với nạn nhân được thực hiện đầy đủ. Không có người đã được xác định bị nhiễm chất độc hóa học mà không được hưởng chế độ, hoặc hưởng thiếu chính sách ưu đãi. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân tại cộng đồng được quan tâm. 100% nạn nhân được cấp thẻ BHYT, được điều dưỡng sức khỏe tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Kim Bôi và tại gia đình. Những nạn nhân bị khuyết tật nặng được cấp dụng cụ chỉnh hình, xe lăn, xe lắc. Công tác trợ giúp xã hội như vay vốn ưu đãi, ưu tiên tạo việc làm cho nạn nhân được các cấp quan tâm thực hiện. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ trên 11 tỷ đồng để cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân. Nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác cũng đã, đang được thực hiện rộng khắp trong tỉnh như: Làm nhà tình nghĩa, hỗ trợ sản xuất, tặng quà, trao học bổng… Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân CĐDC từng bước được cải thiện, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, giúp nạn nhân khắc phục khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân, còn một bộ phận không nhỏ gia đình nạn nhân phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân có lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ. Việc xác nhận chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học còn có những vướng mắc về hồ sơ, thủ tục. Công tác trợ giúp vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm chưa nhiều.

Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC là tình cảm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức và mỗi người dân. Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021) và Ngày Vì nạn nhân CĐDC (10/8) là dịp để nhìn lại những kết quả, hạn chế, khó khăn thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục có các hoạt động cụ thể, thiết thực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân trong thời gian tới. Để làm được điều đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nạn nhân CĐDC; phổ biến rộng rãi tới cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân. Các cấp, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phải thường xuyên quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh về công tác chăm sóc nạn nhân CĐDC. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng; Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 17/8/2007 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, thực hiện đầy đủ chính sách với nạn nhân CĐDC.

Tập trung xây dựng và củng cố tổ chức Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hiện tốt chức năng Hội là một tổ chức xã hội, nhân đạo. Tiếp tục vận động, đấu tranh phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết hậu quả CĐDC/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Các cấp Hội phải luôn bám sát chủ trương và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực, sát tình hình thực tế, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân. Chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ Hội các cấp có phẩm chất năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn trong hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, gắn bó với nạn nhân, tạo mọi điều kiện để nạn nhân được tiếp cận và thụ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước. Đổi mới phương thức giúp đỡ nạn nhân theo hướng tạo tiền đề vật chất cho nạn nhân, gia đình để họ có điều kiện tự lực tăng gia sản xuất, làm chủ cuộc sống, vượt khó vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền hậu quả chiến tranh hóa học, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khắc phục thảm họa da cam; chính sách đối với nạn nhân CĐDC.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào "Vì nạn nhân CĐDC”, "Hành động vì nạn nhân CĐDC Việt Nam” do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động đạt hiệu quả và có sức lan tỏa cao. Các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện "Năm hành động vì nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam” 2021 bằng những hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Các cấp Hội trong tỉnh phối hợp các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tốt các hoạt động nhằm vận động các nguồn lực để chăm lo, giúp đỡ nhiều hơn nữa đến nạn nhân. Quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật. Kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, những nạn nhân vượt khó vươn lên để khích lệ, động viên phong trào.


Các tin khác


Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 26/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”.

Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Trong 2 ngày 25 - 26/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Lạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thành ủy Hòa Bình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết xây dựng văn hóa con người Việt Nam

Sáng 25/4, Thành ủy Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khoá X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục