Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển KT-XH vùng DTTS&MN, tỉnh đã có nhiều chương trình, đề án, dự án đầu tư triển khai tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả. Kết cấu hạ tầng của vùng được cải thiện đáng kể, 88,6% xã có đường giao thông cứng hóa đến trung tâm xã, 99,8% hộ dân được sử dụng điện, 95,2% hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 3%/năm, 8/59 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thuộc vùng ĐBKK giai đoạn 2016 - 2020. Giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc được gìn giữ, lưu truyền và phát huy, đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, chia cắt, người dân sống rải rác, kết cấu cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chất lượng thấp, các điều kiện để phát triển kinh tế gặp nhiều trở ngại, hạn chế, cộng với lối tư duy sản xuất cũ, nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, chưa mang tính hàng hóa, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; nếp sống, sinh hoạt, tập quán canh tác, sản xuất còn nhiều lạc hậu, thu nhập bấp bênh, bình quân chỉ bằng 40 - 45% thu nhập bình quân của cả tỉnh. Mặt khác, một số chương trình, dự án đầu tư chưa thực sự hiệu quả, có những dự án về giao thông, thời gian thi công quá dài, nhưng tuổi thọ lại không dài; một số dự án phát triển sản xuất chưa phù hợp với điều kiện đất đai, môi trường, văn hóa của người dân, dẫn đến khoảng cách KT-XH chưa được rút ngắn so với các vùng khác, đời sống của người dân chưa thực sự đổi mới, ít cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, nguy cơ tái nghèo cao, tiềm ẩn nhiều bất ổn về an ninh, trật tự xã hội.
Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Bộ Chính trị có Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019. Ngay sau đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH và chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai thực hiện và sẽ ưu tiên giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao tầm vóc, thể trạng người DTTS; thực hiện bình đẳng giới và đặc biệt ưu tiên nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.
Để kịp thời thực hiện chủ trương trên, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 30/7/2021 về lãnh đạo phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết đã đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân mỗi năm giảm 2,5 - 3%, trong đó, các xã ĐBKK bình quân mỗi năm giảm từ 4 - 4,5% và các nhóm chỉ tiêu về giao thông, giáo dục và đạo tạo, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người DTTS. Đồng thời đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, 7 nhóm giải pháp chính như: Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; cải thiện điều kiện sinh kế, phát triển sản xuất; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc các dân tộc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội; ANTT; về cơ chế tổ chức, thực hiện và nguồn lực tài chính và nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2030.
Một chủ trương lớn và những chính sách hết sức cụ thể, các cơ quan Nhà nước, ban, ngành chức năng đã sẵn sàng triển khai và tổ chức thực hiện. Nhưng làm thế nào để những chính sách đó đi vào thực tiễn cuộc sống của người dân vùng DTTS&MN, thiết nghĩ, việc tổ chức thực hiện linh hoạt từng chính sách là vô cùng quan trọng, phân công, phân nhiệm rõ ràng cho các ngành chức năng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời phải bám sát mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, làm cơ sở cho việc phân tích việc thực thi, hiệu quả và tác động của chính sách. Đối với mỗi khu vực cần có cách tiếp cận triển khai khác nhau, có thể KV III phải giải quyết dứt điểm những vấn đề bức thiết của người dân, KV II cần tác động để có bước bứt phá, còn KV I chỉ cần tác động khuyến khích để người dân, cộng đồng tự nỗ lực vươn lên. Bên cạnh đó, ngay từ đầu cần có giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu cho vùng DTTS&MN, đảm bảo tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước, làm căn cứ điều chỉnh, bổ sung chính sách sát với nhu cầu thực tiễn hơn, khắc phục việc xác định các chỉ tiêu không rõ trên thực tế đã gặp phải. Có thể kể đến, một trong các chỉ tiêu quan trọng đã đề ra rất khó đoán định, tính toán như thu nhập bình quân tăng trên 2 lần so với năm 2020 (có nghĩa là tăng trên 2 lần 40 - 45% thu nhập bình quân của cả tỉnh), hay theo số liệu kết quả điều tra thu thập thông tin về tình hình KT-XH 53 DTTS năm 2019 của Tổng Cục thống kê và Ủy ban Dân tộc, Hòa Bình còn 5,3% hộ dân không có đất sản xuất, trong khi chúng ta chỉ xác định được tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào vùng DTTS&MN chung chung. Và những giải pháp cơ bản để tác động tới cách nghĩ, nếp sống, sinh hoạt, tập quán canh tác, sản xuất của đồng bào DTTS, cần thay đổi tư duy lấy văn hóa, bản sắc dân tộc là một trong những nguồn lực để phát triển kinh tế, mà cụ thể là kinh tế du lịch và nhiều ngành kinh tế khác, theo phương châm "dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”, Nhà nước định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ.
Với tỷ lệ bao phủ 96% xã thuộc vùng được hưởng lợi chính sách này, đồng nghĩa với việc các chương trình, dự án, đề án đó sẽ đầu tư cho phát triển KT-XH gần như toàn tỉnh. Vì vậy, cần có sự chung tay, vào cuộc, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành đồng bào DTTS.