Về nước tác nghiệp, nhà báo người Mỹ gốc Việt Nguyễn Quang Trường đã đi đến mọi miền để phản ánh về sự đổi thay của đất nước, tham gia nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa. Nhân kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, anh gửi đến Báo Nhân Dân bài viết chia sẻ suy nghĩ về việc phát huy sức mạnh dân tộc và tinh thần cách mạng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân quận Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: ĐỨC ANH
 

Miền bắc vào thu. Những ngày nắng của mùa hè sắp kết thúc đúng vào thời điểm cả Việt Nam căng mình đối phó với đợt bùng phát thứ tư đại dịch Covid-19. Chung nỗi lo cùng mọi người về dịch bệnh phức tạp, nhưng tháng Tám này tôi muốn tự mình xâu chuỗi lịch sử để nhìn về công cuộc phòng, chống dịch đang diễn ra, từ đó góp phần tăng thêm niềm tin, hy vọng vào sự đoàn kết của toàn dân quyết tâm đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ đẩy lùi đại dịch. 

Dịch bệnh, khó khăn về kinh tế, khiến tôi nghĩ đến năm 1945 khi nạn đói xảy ra ở miền bắc cướp đi sinh mạng của hai triệu người vô tội. Như các nhà sử học đã khẳng định nguyên nhân của nạn đói năm Ất Dậu chủ yếu do chính sách vơ vét thóc gạo của phát-xít Nhật và thực dân Pháp. Vào lúc nạn đói lên đến đỉnh điểm, ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, và Việt Minh đã phát động nhân dân phá kho thóc Nhật, để tự cứu đói. 

Việc cứu đói năm 1945 là một trong những hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thâm độc của phát-xít Nhật, đồng thời khơi gợi, gắn kết toàn dân tộc trở thành một khối thống nhất giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám. Trong tận cùng của nỗi cực khổ, ánh sáng cách mạng như ngọn đuốc soi đường, hội tụ, dẫn dắt toàn dân không những vượt qua nạn đói mà còn chung tay tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với thành quả cụ thể là ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố nước nhà độc lập. 

Tôi nhắc tới các sự kiện lịch sử vĩ đại đó vì muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam khi vận dụng lý luận cách mạng vào thực tiễn, dù có khó khăn thế nào vẫn là điểm hội tụ tinh hoa của dân tộc để giải quyết mọi khó khăn, giúp người dân có niềm tin vào sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc để đấu tranh giành độc lập. 

Chính sự hội tụ về niềm tin và sức mạnh đó đã đưa dân tộc vượt qua những năm tháng gian khổ với rất nhiều hy sinh, mất mát để đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975. Sau đó cả nước lại tiếp tục đồng cam cộng khổ, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa căng mình chống chọi với vô vàn khó khăn của 20 năm bị cấm vận một cách vô lý. 

Trong suốt quá trình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sự sáng suốt, tổ chức, lãnh đạo toàn dân giải quyết nhiều vấn đề tưởng như nan giải, tiến hành thành công sự nghiệp Đổi mới, từng bước đưa đất nước đi lên, uy tín, vị thế đất nước ngày càng được khẳng định, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Lớn lên vào "thời hậu chiến”, tôi thuộc thành phần gia đình chế độ cũ, rời nước ra đi cuối thập niên 80. Sống ở Mỹ nhiều năm, tôi quá hiểu, quá thấm thía thế nào là sự chia lìa, rời xa quê hương. Qua hơn 46 năm, đã có nhiều lớp di dân với mục đích, động cơ khác nhau, nhưng đa số vẫn luôn dõi về quê hương, nối liền sự thân thiết giữa người trong nước và ngoài nước bằng tình cảm sâu sắc, gần gũi. Có thể có người ra đi vì một số bất đồng, nhưng phần lớn trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tình yêu đất nước, quê hương, vọng về đất mẹ là không thể tách rời. Sống xứ lạ quê người, cộng đồng người Việt vẫn truyền nhau câu nói "Tôi có thể sống xa quê hương, nhưng quê hương không bao giờ rời xa tôi”. 

Về Việt Nam sinh sống và tác nghiệp báo chí, tôi thấu hiểu quan điểm, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước với người Việt ở nước ngoài, hiểu rằng Đảng, Nhà nước luôn trân trọng, tạo nhiều điều kiện tốt đẹp để rút ngắn khoảng cách địa lý, giúp bà con hiểu rõ và củng cố niềm tin vào đất nước, chính sách đại đoàn kết dân tộc. Sống trong nước từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tôi tận mắt chứng kiến mọi biến động của đại dịch khủng khiếp này. Và tôi hiểu đây là cuộc chiến rất nguy hiểm của cả thế giới với "giặc dịch vô hình” có sức tàn phá lại khủng khiếp hơn bất cứ thứ vũ khí nào, kể cả bom nguyên tử! Để đạt hiệu quả trong phòng, chống dịch, mỗi nước, mỗi nơi đều phải trả giá, hy sinh và hiệu quả có được trước hết là do quyết tâm của chính quyền kết hợp sự đồng lòng, đoàn kết của người dân. 

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, Việt Nam đã kiểm soát tốt được dịch bệnh, sớm triển khai việc mua và nghiên cứu sản xuất vắc-xin chống Covid-19, và đó là điểm son đáng tự hào. Tôi còn nhớ năm 2020, trong khi hầu như cả thế giới phải trả giá cho sự chủ quan thì Việt Nam đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng. Ý thức được sự nguy hiểm, bằng mọi phương tiện, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng lòng chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. 

Có thể thấy ở những nơi này, nơi kia trên thế giới còn những người dân thiếu ý thức, quá đề cao "quyền tự do con người” có thể khiến công tác phòng, chống dịch Covid-19 kém hiệu quả. Nhưng tại Việt Nam, khi Chính phủ ban hành chỉ thị giãn cách, cả hệ thống chính trị vào cuộc và người dân đồng lòng. 

Dù còn điều này điều khác chưa được như ý, thì bức tranh toàn cảnh của đợt bùng phát lần thứ tư đại dịch Covid-19 cũng chất chứa trong đó nhiều ý nghĩa, mà theo tôi trước hết là bài học về sự vào cuộc quyết liệt với tinh thần cách mạng, tất cả vì đất nước, vì nhân dân, thấm đẫm sự nhân văn, tình người. Cuộc chiến chống đại dịch rất mới mẻ, chưa từng xảy ra trên thế giới. Vì vậy không nước nào, chính phủ nào có thể tự nhận thắng lợi hoàn toàn. 

Mỗi giai đoạn kháng dịch đưa tới những bài học, kinh nghiệm, phải trả giá bằng những cống hiến, hy sinh về của cải, sinh mạng. Trong những ngày phòng, chống dịch, tôi đã chiêm nghiệm được các giá trị về lòng tận tụy, chăm lo cho người dân của Đảng và Chính phủ. Từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành liên quan liên tục cập nhật tình hình, theo dõi sát sao mọi diễn biến, và nghiên cứu để tìm ra biện pháp, kế sách, phương án đối phó mọi tình huống ở mỗi vùng, miền khác nhau. Sự chỉ đạo sâu sát, tận tụy, linh hoạt suy nghĩ tìm ra phương thức phòng, chống dịch, vừa chăm lo đời sống người dân, ổn định sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế phù hợp với thực tế,... của lãnh đạo các cấp đã nhận được sự quý trọng của người dân. Đảng vì dân, Chính phủ vì dân, chia sẻ khó khăn, trăn trở nỗi lo cho dân là thế. 

Chống Covid-19 như là chống giặc, đã có bao nhiêu câu chuyện về sự tương thân, tương ái trong cộng đồng. Lẩn khuất đâu đó tin xấu, tin giả phóng đại hiện tượng tiêu cực, phát sinh cục bộ, do các phần tử xấu tung ra nhằm gây hoang mang trong dư luận, tạo ra hình ảnh xấu, làm mất uy tín Đảng và Chính phủ, gây chia rẽ trong nhân dân; nhưng theo tôi, người dân Việt Nam luôn cảnh giác, chọn lọc thông tin một cách sáng suốt để hiểu, để có thái độ đúng đắn. Trên hết là tinh thần tích cực, bình tĩnh dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để đối phó tin giả, với các thủ đoạn phá hoại. 

Từ khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, tôi sống ở TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái nơi được xem là rất an toàn. Song tâm tư tôi luôn hướng về những vùng nóng ở miền nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,... nơi người thân và bạn bè của tôi đang phải đối mặt với dịch bệnh. Tôi vẫn trao đổi với mọi người qua mạng xã hội và thấy tuy khó khăn nhiều mặt, nhưng hầu hết đều động viên nhau cùng nỗ lực với cố gắng phi thường. 

Tôi nghĩ lòng yêu nước, tình đồng bào, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, bài học rút ra từ thời đấu tranh giành độc lập, những trải nghiệm qua hai cuộc kháng chiến và chiến thắng nghèo đói đã nạp vào hành trang tinh thần người Việt Nam một loại vắc-xin giúp mỗi người tăng sức đề kháng về tinh thần, thêm nghị lực, lòng kiên định để đối phó mọi khó khăn. Tôi thấy điều đó diễn ra cả trong phạm vi nhiều gia đình, khi ông bà kể lại chuyện đói năm Ất Dậu, cha mẹ kể lại khó khăn thời bao cấp như một cách để giúp con cháu có thêm tâm lý vững vàng, tăng khả năng chịu đựng, quyết vượt qua. Những tấm gương thời đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc được mọi người nhắc lại qua hình ảnh đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên,... trên tuyến đầu đang thầm lặng chiến đấu vì đất nước. 

Rất nhiều hành động, gương hy sinh vì con người, vì đất nước đã xuất hiện từ những anh hùng thầm lặng trên trận tuyến chống dịch Covid-19. Lòng tận tụy, tinh thần cách mạng, hết lòng với đất nước, nhân dân, sẵn sàng hy sinh của các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch vì sự bình yên cũng không khác các chiến sĩ ngoài mặt trận hồi chiến tranh, đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì mọi người để giữ gìn đất nước, để dân tộc được cuộc sống bình yên.

Nhìn lại các dấu mốc lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám, ngày đất nước thống nhất 30/4/1975 đến hiện tại là cuộc chiến chống Covid-19, tôi có một niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, về sự hiểu biết, nhận thức của người Việt Nam về đất nước. Người Việt dù ở đâu, trong cũng như ngoài nước đều luôn hướng về một mối. Tinh thần tương thân tương ái luôn chi phối tâm tưởng họ, vì bản tính chung của người Việt là sự chịu đựng và thương yêu, chia sẻ mỗi khi khó khăn. 

Tôi không thể kể hết các câu chuyện về tình người khi cộng đồng quan tâm, bày tỏ, giúp đỡ nhau trong thời dịch bệnh. Rất nhiều người thân trong gia đình, bạn bè tôi ở nước ngoài đều hẹn ngày trở về Việt Nam để thăm thân nhân, đoàn tụ sau đại dịch. Tâm trạng về với đất nước, "bầu ơi thương lấy bí cùng”, "lá rụng về cội” càng nung nấu hơn khi ai cũng thấy rằng, chỉ có tinh thần đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ nhau mới là cốt lõi của việc giải quyết, đẩy lùi đại dịch. Tuy vẫn đang phải vất vả chống dịch, nhưng Đảng, Chính phủ, toàn bộ hệ thống chính trị cùng toàn dân vẫn nỗ lực hết mình. 

Trong bối cảnh đó, lễ Độc lập 2/9 năm nay càng tăng thêm ý nghĩa, giúp mỗi người con đất Việt nâng cao ý thức trách nhiệm, đồng lòng với Đảng, Chính phủ chung tay đẩy lùi dịch Covid-19. Lịch sử đã chứng minh dân tộc Việt Nam luôn bất khuất, giàu lòng tự tôn và luôn đứng vững dù phải trải qua muôn vàn thử thách. Vì thế, tôi nghĩ với tinh thần Cách mạng Tháng Tám, với niềm tin mà toàn dân gửi gắm vào Đảng và Chính phủ, cùng nhau đoàn kết một lòng vượt mọi khó khăn, thử thách vì một cuộc  sống bình yên, Việt Nam hùng cường thì "giặc Covid-19” nhất định sẽ bị đẩy lùi.

TheoNhanDan


 

Các tin khác


Tiếp xúc, đối thoại tạo đồng thuận thực hiện tốt mục tiêu kép

(HBĐT) - Đại hội lần thứ XI của Đảng nêu rõ: "Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc của Nhân dân, tin dân, tôn trọng những người có ý kiến khác; làm tốt công tác dân vận, có cơ chế pháp luật để Nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình”.

Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước, trong và sau dịp nghỉ lễ 2/9 trên địa bàn tỉnh

(HBĐT) - Ngày 28/8, UBND tỉnh có Văn bản số 1556/UBND-NVK về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 trước, trong và sau dịp nghỉ lễ 2/9 trên địa bàn tỉnh.

Tự hào về sự phát triển bền vững của Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh

(HBĐT) - Là hội viên của Câu lạc bộ Hưu trí (CLBHT) tỉnh, tôi rất tự hào về sự phát triển bền vững của CLB; Kế đến là niềm tự hào về một "Ngôi nhà chung" không chỉ được đông đảo hội viên tự nguyện tham gia xây dựng mà còn được lãnh đạo Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội tỉnh quan tâm hỗ trợ tinh thần và vật chất trong suốt quá trình hoạt động. Đặc biệt là niềm tự hào về những thành tích đã đạt được trong 40 năm qua với hàng chục hiện vật khen thưởng đang lưu trữ tại nhà truyền thống của CLB.

Mái nhà chung vui - khỏe - có ích

(HBĐT) - Trải qua một chặng đường lịch sử với những nỗ lực đáng ghi nhận của tập thể Ban Chủ nhiệm và toàn thể hội viên Câu lạc bộ (CLB) Hưu trí tỉnh qua từng nhiệm kỳ đã khẳng định sự hình thành CLB là hết sức cần thiết. Từ những ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, số lượng hội viên tham gia chưa nhiều, nội dung hoạt động còn nghèo nàn. Vượt qua những khó khăn, thử thách, đến nay, CLB đã thể hiện là một tố chức Hội có sức sống bền vững, ngày càng phát triển, thu hút đông cán bộ hưu trí trên địa bàn TP Hòa Bình tham gia. Hiện, CLB có 850 hội viên, sinh hoạt tại 10 bộ môn và 29 tổ hội viên.

Viết tiếp truyền thống quê hương Thịnh Lang anh hùng

(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, các tuyến đường, ngõ phố khắp phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) lại rợp màu cờ Tổ quốc. Các điểm treo cờ được phường gắn ngay hàng thẳng lối, trang trọng, đẹp mắt. Các tổ dân phố phát động dọn dẹp vệ sinh, làm sáng đẹp phố phường.

Tỉnh Đoàn: Phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh

(HBĐT) - Ngày 27/8, BTV Tỉnh Đoàn tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh (22/6/1886 – 22/6/2021), 30 năm tái lập tỉnh Hòa Bình (1/10/1991 – 1/10/2021). Dự chương trình có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT&DL.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục