(HBĐT) - Những ngày này, cả nước tự hào ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang gắn liền với sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Tại xã Thạch Yên (Cao Phong), những lá cờ Tổ quốc phấp phới tung bay. Vùng quê anh hùng này vẫn đang trân trọng lưu giữ một dấu ấn cách mạng là niềm tự hào chung của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Cao Phong: Khu căn cứ cách mạng (CCCM) Cao Phong - Thạch Yên.



Cán bộ UBND xã Thạch Yên (Cao Phong ) tìm hiểu về dấu ấn cách mạng trên mảnh đất Thạch Yên tại nhà truyền thống của khu di tích (ảnh chụp tháng 4/2021)

Khu CCCM Cao Phong - Thạch Yên có địa điểm tại đồi Chùa Khánh, thuộc địa bàn xã Thạch Yên hiện nay. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, đây là 1 trong 4 khu CCCM của tỉnh, nằm trong hệ thống chiến khu Hòa - Ninh - Thanh do Xứ ủy Bắc Kỳ xây dựng và trực tiếp chỉ đạo hoạt động. Với những giá trị lịch sử, nơi đây đã được Bộ VH-TT công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1996.

Nằm bình yên trong khuôn viên khu di tích, nhà truyền thống lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu quý về giai đoạn lịch sử đáng tự hào của chiến khu xưa. Theo các cứ liệu lịch sử ghi lại: Xã Thạch Yên thuộc vùng Cao Phong - Thạch Yên có địa hình hiểm trở và vị trí quân sự chiến lược. Vị trí này có thể khống chế được đường 12, uy hiếp trực tiếp cơ quan đầu não của địch ở thị xã Hòa Bình. Nhận thấy tầm quan trọng của địa bàn, cuối năm 1944, Xứ ủy Bắc Kỳ đã phân công đồng chí Vũ Thơ đến tuyên truyền, giác ngộ cách mạng đồng bào các dân tộc trong vùng, mở đầu cho sự chuẩn bị thành lập khu CCCM Cao Phong - Thạch Yên.

Đầu tháng 7/1945, đồng chí Vũ Thơ, Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh đã tuyển chọn 30 tự vệ trẻ, khỏe, hăng hái ở thị xã vào vùng Cao Phong - Thạch Yên để mở lớp huấn luyện quân sự. Lúc đầu, lớp học đặt tại xóm Ngái, do điều kiện địa hình nên sau đó chuyển về đồi Chùa Khánh như vị trí ngày nay. Với sự giác ngộ và giúp sức nhiệt tình của bà con trong vùng, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng cách mạng tại chiến khu Cao Phong - Thạch Yên đã phát triển mạnh, làm chủ hoàn toàn khu căn cứ và chờ đợi thời cơ khởi nghĩa.

Sáng 23/8/1945, đoàn quân khởi nghĩa của căn cứ địa Cao Phong - Thạch Yên phối hợp với cánh quân ở Lạc Sơn xuôi dốc Cun tiến vào Phương Lâm, vượt sông Đà, cùng các lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh chiếm tỉnh lỵ, giành chính quyền về tay Nhân dân, góp phần to lớn vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của quân và dân toàn tỉnh. Trên phạm vi cả nước, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc - kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc dưới ánh sáng soi đường của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Suốt 76 năm qua kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ánh sáng cách mạng đã thắp sáng niềm tin trên khắp các miền quê Việt Nam, trong đó có huyện Cao Phong và xã Thạch Yên - trái tim cách mạng của cả vùng Mường Thàng. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, Nhân dân xã Thạch Yên đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, cùng đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương. Trên hành trình đổi mới, truyền thống cách mạng đã trở thành "sợi chỉ đỏ” kết nối tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, tạo thành nguồn sức mạnh để xã Thạch Yên vượt qua bao khó khăn, vươn lên phát triển KT-XH.

Đồng chí Bùi Đăng Nhị, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Yên khẳng định: Trên hành trình phát triển mới, chúng tôi vẫn luôn tự hào về truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, tự hào về dấu ấn lịch sử đặc biệt gắn liền với khu CCCM Cao Phong - Thạch Yên. Với niềm tự hào đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thạch Yên tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức phát triển KT-XH, phấn đấu đến năm 2024 sẽ hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trở thành mảnh ghép quan trọng trong bức tranh xây dựng huyện nông thôn mới Cao Phong, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Khánh An

Các tin khác


Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh

Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Qua đó góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

LTS: Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); 73 năm thành lập Công đoàn tỉnh Hòa Bình (1951 - 2024), phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh trong phát triển KT - XH địa phương.

Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục