Người viết sử thi hiện đại của Cuba
Trong bài đăng ngày 4/10, nhật báo Granma viết, sự ra đi của nhà báo Marta Rojas để lại muôn vàn tiếc nuối, nhất là với Granma, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Cuba, phải nói lời chia tay với một trong những người sáng lập và cũng là người thầy luôn đồng hành cùng tờ báo trong suốt 56 năm phát triển. Cuộc sống của Marta Rojas gắn liền với hình ảnh một nhà báo quả cảm, không khuất phục trước hiểm nguy đe dọa tính mạng để cống hiến cho sự nghiệp và bước những bước vững chắc trên con đường đã chọn.
Cuba mất đi một người con ưu tú, một nhà báo, nhà văn xuất sắc, với 6 tác phẩm văn học nổi tiếng đã được dịch và xuất bản bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ngòi bút của bà dừng lại trên cuốn tiểu thuyết mới còn dang dở.
Bên cạnh những sáng tác văn học, những thành tựu nổi bật của bà còn là những tác phẩm tường thuật các sự kiện lịch sử, trong đó có cuộc tiến công trại lính Moncada và Manuel de Céspedes, phiên tòa xét xử Fidel Castro - "Phiên tòa Moncada” với phần mở đầu do nhà văn Alejo Carpentier viết.
Nữ nhà báo Marta Rojas sinh ngày 17/5/1931, tại Santiago de Cuba. Bà tốt nghiệp ngành báo chí tại Đại học La Habana năm 1953, đúng thời điểm diễn ra cuộc tiến công pháo đài Moncada lịch sử do lãnh tụ Fidel Castro chỉ huy. Ngày 26/7/1953, luật sư trẻ Fidel Castro cùng các đồng chí của mình đã tiến công pháo đài Moncada, đơn vị đồn trú quân sự lớn thứ hai khi đó ở Cuba, châm ngòi cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân Cuba với mong muốn lật đổ chế độ độc tài Batista.
Bằng nhiệt huyết và sự dũng cảm của tuổi trẻ, nữ nhà báo Marta Rojas không bỏ sót một phiên tranh tụng nào trong phiên tòa của chế độ độc tài Batista xét xử lãnh tụ Fidel và các đồng chí. Marta Rojas đã ghi chép và tường thuật chi tiết các diễn biến tại phiên tòa, gửi cho tạp chí Bohemia, nơi nữ nhà báo bắt đầu sự nghiệp với chuyên trang En Cuba (Tại Cuba). Những lời tự bào chữa tại tòa của Fidel Castro đã thức tỉnh muôn vạn trái tim Cuba yêu nước và những bài viết của nhà báo trẻ Marta Rojas đã góp phần lan tỏa lời hiệu triệu của vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của Cuba.
Cách mạng thành công, chế độ độc tài Batista bị lật đổ. Marta Rojas làm việc cho tờ Revolución (Cách mạng) cho đến khi nhật báo Granma được thành lập vào năm 1965. Trong sự nghiệp hoạt động báo chí của mình, Marta Rojas viết bài ở nhiều thể loại, trong đó chủ yếu là biên niên sử và phóng sự. Với những mô tả chi tiết và chân thực nhất, các bài viết của bà được xem như sử thi hiện đại của cách mạng Cuba. Nữ nhà báo cũng có thời gian tháp tùng lãnh tụ Fidel Casto tới một số nước Mỹ Latin.
Với những cống hiến miệt mài, thể hiện qua số lượng bài viết đồ sộ cùng hàng chục đầu sách, nữ nhà báo Marta Rojas đã được trao Giải thưởng Báo chí toàn quốc José Martí, giải thưởng cao quý nhất dành cho các nhà báo tại Cuba, Giải thưởng Văn học châu Mỹ, Giải thưởng Văn học Alejo Carpentier và danh hiệu Anh hùng Lao động quốc gia.
Mối nhân duyên với Việt Nam
Năm 1954, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam cam go, nhà báo Marta Rojas chủ động xin tới Việt Nam để tác nghiệp. Sau khi được đích thân lãnh tụ Fidel Castro gọi tới giao nhiệm vụ, Marta Rojas đã trở thành một trong những phóng viên chiến trường đầu tiên người Cuba và Mỹ Latinh trực tiếp tới tác nghiệp tại Việt Nam trong những tháng năm khốc liệt của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Cho tới năm 1975, Marta Rojas hằng năm đến Việt Nam với tư cách là nhà báo, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam. Bà cũng là nhân chứng tại Tòa án quốc tế Bertran Russell, nơi đòi lại công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, PGS, TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba cho biết, Marta Rojas là người đưa tin rất sớm, sâu và toàn diện về Việt Nam cả trong cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc phát triển kinh tế và đổi mới của đất nước. Bà đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Cuba trong mọi hoàn cảnh, cả trong tình huống khó khăn lẫn khi thuận lợi. Marta Rojas là một trong những nhân vật chủ chốt hàng đầu trong phong trào đoàn kết ủng hộ nhân dân, ban đầu là miền nam Việt Nam. Cùng với nữ anh hùng Melba Hernández, nữ nhà báo Marta Rojas là một trong những thành viên hoạt động tích cực nhất của phong trào Cuba đoàn kết với Việt Nam, là nguồn cảm hứng lớn cho nhân dân các nước Mỹ Latin và thế giới trong việc ủng hộ, đoàn kết với quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Nhà báo Marta Rojas đột ngột qua đời là mất mát lớn không chỉ với Cuba mà còn với người dân Việt Nam. Tôi cho rằng, trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Cuba, nhất là đối ngoại nhân dân, tên tuổi của đồng chí Marta Rojas có vị trí xứng đáng. Không chỉ những người làm công tác ngoại giao, đối ngoại nhân dân, mà nhân dân Việt Nam cũng sẽ mãi nhớ đến Marta Rojas như người bạn lớn, thân thiết của nhân dân Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Viết Thảo
Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba
Nữ nhà báo cách mạng Cuba đã dũng cảm bước theo các chiến sĩ giải phóng quân Việt Nam khắp các chiến trường, tận mắt chứng kiến những trận mưa bom bão đạn của không quân Mỹ tàn phá miền bắc, cho tới những trận chiến mưu trí, gan dạ của quân du kích ở miền nam. Thông qua những bài báo của Marta Rojas, nhân dân Cuba và Mỹ Latinh tiếp cận được những chi tiết sống động và chân thực nhất về cuộc chiến tranh khốc liệt tại Việt Nam, càng hiểu hơn, trân trọng và ủng hộ cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng, chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Cuộc phỏng vấn Bác Hồ
Trong suốt sự nghiệp viết báo của mình, nhất là trong thời gian tác nghiệp tại Việt Nam, kỷ niệm vô giá mà nhà báo Marta Rojas luôn trân trọng đó là cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nữ nhà báo Cuba là một trong những nhà báo quốc tế cuối cùng thực hiện phỏng vấn Bác, trước khi Người qua đời.
Năm 1965, từ căn cứ cách mạng miền nam ra Hà Nội, nữ nhà báo Marta Rojas bày tỏ với các lãnh đạo Việt Nam nguyện vọng được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cuộc chiến khi đó vẫn cam go, nên cuộc phỏng vấn không thể diễn ra và phải tới năm 1969, nữ nhà báo Cuba mới có cơ hội gặp Bác Hồ.
Nhà báo Marta Roá từng kể lại rằng, đó là một buổi sáng tháng 7, bà được đồng chí Hoàng Tùng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khi đó, dẫn tới gặp Bác. "Chào buổi sáng, đồng chí Marta”, Bác đã nói như vậy bằng tiếng Tây Ban Nha, mỉm cười rồi ôm Marta vào lòng như người thân từ xa mới về. Dù đã nghe, đã đọc nhiều về Bác, nhưng Marta không nghĩ Người lại giản dị và chân tình đến vậy.
Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân, nhà báo Vũ Văn Âu, nguyên Phó Trưởng Ban biên tập Tin thế giới Thông tấn xã Việt Nam, Trưởng Phân xã đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam tại Cuba nhớ lại sự hồ hởi của nhà báo Marta Rojas khi bà kể về cuộc gặp với Bác.
Bà kể lại rằng, là phóng viên đến phỏng vấn Bác nhưng cuối cùng dường như được Bác phỏng vấn ngược lại. Bác ân cần hỏi về tình hình Cuba, hỏi thăm sức khỏe của đồng chí Fidel Castro, rồi hỏi về chuyến tác nghiệp tới chiến trường miền nam của Marta Rojas… Cuộc phỏng vấn của một nhà báo Cuba với lãnh tụ của nhân dân Việt Nam bỗng chốc biến thành cuộc trò chuyện thân mật giữa những người anh em, đồng chí thân thuộc.
Với cá nhân tôi cũng như với phần đông người dân Việt Nam có tình cảm gắn bó đặc biệt với đất nước Cuba. Nhà báo Marta Rojas là một người bạn lớn, một chiến sĩ cách mạng Mỹ Latinh hết sức nhiệt tình nhưng không kém phần bình dị, một nhà báo lão thành kiệt xuất của "hòn đảo tự do".
Nhà báo Vũ Văn Âu, nguyên Phó Trưởng Ban biên tập Tin thế giới, Trưởng Phân xã đầu tiên của TTXVN tại Cuba
Nữ nhà báo từng chia sẻ về món quà mà bà đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc gặp lịch sử đó. Trước khi tới phỏng vấn, biết Bác thường hút thuốc lá, Marta Rojas đã chuẩn bị một chiếc gạt tàn làm từ đồng nguyên chất nổi tiếng của Cuba. Cảm động đón nhận món quà từ đất nước anh em xa xôi cách nửa vòng trái đất, Bác nói rằng, do sức khỏe không tốt nên đã bỏ hút thuốc, song chiếc gạt tàn vẫn được dùng vào việc khác. Người đã gom các ghim giấy trên bàn, rồi cho vào chiếc gạt tàn.
Trở về Cuba, Marta Rojas luôn giữ tình cảm đặc biệt với đất nước và nhân dân Việt Nam anh em. Nữ nhà báo tích cực tham gia các phong trào ủng hộ Việt Nam, nỗ lực thúc đẩy các hoạt động hữu nghị giữa hai nước. Trong những ngày lễ kỷ niệm quan trọng, bà thường xuyên có các bài sâu sắc đăng trên nhật báo Granma, viết về Việt Nam, về tình đoàn kết, thủy chung, trong sáng Việt Nam - Cuba. Nhiều tác phẩm khác của Marta Rojas dù không trực tiếp viết về đề tài Việt Nam, song vẫn có những chi tiết liên hệ, đề cập đến Việt Nam.
Ở tuổi 90, bà Marta Rojas vẫn là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam. Ngày 18/9 vừa qua, nữ nhà báo là thành viên cao tuổi nhất trong cuộc gặp gỡ thân mật giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại diện của Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc (ICAP) và Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam.
Nhà báo cách mạng lão thành Marta Rojas nhấn mạnh rằng, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Cuba tiếp tục thể hiện sâu sắc quyết tâm không đổi của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam mong muốn giữ gìn và phát triển mối quan hệ với nhân dân Cuba anh em.
Ðại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolás Hernández Guillén cho biết, trong nhiều bài báo ở Cuba xuất bản trong ngày nhà báo lão thành Marta Rojas qua đời, cuộc đời của bà luôn được khắc họa cùng mối quan hệ mật thiết với đất nước Việt Nam anh em xa xôi. Bà luôn mang trong mình sứ mệnh là cây cầu hữu nghị của sự hiểu biết, đoàn kết và hợp tác lâu dài, bền vững giữa Việt Nam và Cuba trong hiện tại cũng như tương lai.
Việt Nam luôn nhớ đến Marta Rojas như một người bạn thân thiết. Dù hôm nay người dân Cuba đau buồn vì sự mất mát lớn này, nhưng các tác phẩm của Marta Rojas vẫn mang ý nghĩa đóng góp to lớn cho mối quan hệ Việt Nam - Cuba luôn sống mãi, là minh chứng rõ nét cho tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung trong sáng, mẫu mực, hiếm có trong quan hệ quốc tế giữa hai nước.
Ðại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolás Hernández Guillén
TheoNhanDan