(HBĐT) - Huyện Lạc Sơn xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là xu thế phát triển, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo an ninh lương thực. Những năm qua, với việc đưa Nghị quyết số 14/2012/NQ-HĐND, ngày 21/12/2012 của HĐND huyện về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2012-2020 vào cuộc sống, sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều khởi sắc, đời sống nông dân được cải thiện.
Trong 5 năm gần đây, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện giảm bình quân 6% năm. Sản xuất nông, lâm nghiệp từ 41,5% giảm còn 36,6% trong cơ cấu kinh tế. Huyện đã chuyển đổi 1.147 ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác như: Mía, cây lấy hạt, bí xanh, ngô… Qua tính toán, hiệu quả sau chuyển đổi sang cây ngô tăng gấp 1,2 - 1,5 lần, mía tăng gấp 4 - 4,5 lần, bí xanh tăng gấp 3,5 - 5 lần, cây họ bầu bí tăng 5 - 7 lần so với trồng lúa. Thực hiện đề án cải tạo vườn tạp, giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện cải tạo được 1.035,2 ha, vượt hơn 85 ha so với kế hoạch. Diện tích đã cải tạo được tập trung trồng các loại cây: bưởi, cam, mít, táo, dổi, bơ…
Với mục tiêu phát triển đại gia súc (trâu, bò) và các vật nuôi chủ lực (lợn bản địa, gà ri Lạc Sơn, ong lấy mật…), ngành chăn nuôi của huyện tập trung phát triển con giống có chất lượng, tăng quy mô đàn để tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Tổng đàn trâu, bò hiện có gần 40.000 con, chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình. Trên địa bàn có 1 trang trại chăn nuôi quy mô trên 7.000 con tại xã Tân Mỹ. Đàn lợn có trên 73.000 con, đàn gia cầm trên 1 triệu con. Xu hướng chăn nuôi gà ngày càng phát triển mạnh, hình thành các HTX, tổ hợp tác, như HTX chăn nuôi gà đồi, HTX cung ứng gà Hương Nhượng, Chí Thiện, Yên Phú, Yên Nghiệp… với quy mô nuôi 20.000 - 40.000 con/năm.
Nhằm tạo điều kiện để nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, một số doanh nghiệp, HTX đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Như Công ty Tân Lộc Phát, Công ty CP chăn nuôi T&T 159, HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng, HTX trồng và tiêu thụ cam Lạc Sơn, HTX nông nghiệp Huy Tuấn, HTX cung ứng giống cây dổi và dịch vụ nông nghiệp xã Chí Đạo… đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi cho người dân, tổ chức thu mua sản phẩm cây lấy hạt, bí xanh, cỏ VA06, gà, hạt dổi, trâu, bò, ớt, dược liệu, mật ong nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng mạnh và ổn định hơn.
Đồng chí Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có những chuyển biến mạnh mẽ hơn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, huyện căn cứ vào quy hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, của huyện để xây dựng, điều chỉnh lại đề án quy hoạch chi tiết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh công tác tác dồn điền, đổi thửa để tạo cánh đồng mẫu lớn tập trung sản xuất; tuyên truyền về đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cải tạo vườn tạp, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh; tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ, công nghệ cao; bảo vệ và phát triển nhãn hiệu tập thể gà Lạc Sơn, hạt dổi Lạc Sơn; tích cực đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo sản phẩm, liên doanh, liên kết hợp tác để giới thiệu sản phẩm ra thị trường; xây dựng nhãn hiệu và giữ gìn thương hiệu, phát triển các sản phẩm OCOP của huyện; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời, xây dựng mô hình phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả để nhân rộng.
Bùi Minh