Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2022), Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng (trong ảnh) đã trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân về những thành tựu trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết những thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Campuchia thời gian qua?
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Quan hệ Việt Nam-Campuchia đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, được thử thách, tôi luyện và phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả, trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc. Những thành tựu của quan hệ Việt Nam-Campuchia trong suốt 55 năm qua thể hiện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hai nước theo phương châm láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.
Quan hệ chính trị không ngừng phát triển và đóng vai trò nòng cốt, định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác hai nước. Hằng năm, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc dưới nhiều hình thức và đạt được nhiều thỏa thuận chiến lược, định hướng tổng thể quan hệ, thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực. Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc hỗ trợ lẫn nhau kịp thời vật tư y tế, vắc-xin đã thể hiện sống động tinh thần đoàn kết và truyền thống tương trợ những lúc khó khăn giữa hai dân tộc. Các cơ chế hợp tác giữa hai nước như Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia, Hội nghị cấp cao tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam... được duy trì thường xuyên và phát huy hiệu quả.
Quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, là những trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-Campuchia. Hai bên phối hợp giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và môi trường hòa bình cho sự phát triển tại mỗi nước; đồng thời tăng cường phối hợp xây dựng, củng cố và quản lý đường biên giới giữa hai nước. Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công việc phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền; khẳng định tiếp tục đẩy mạnh đàm phán nhằm sớm hoàn thành khoảng 16% còn lại.
Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục đạt được kết quả tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tại mỗi nước. Dù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, song kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn tăng trưởng, với tổng kim ngạch song phương năm 2020 đạt 5,32 tỷ USD, năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 5,44 tỷ USD. Việt Nam hiện có 188 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký 2,88 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu trong ASEAN và nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông...
Hợp tác giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực được hai bên đặc biệt quan tâm. Đây là vấn đề trọng yếu, có tầm chiến lược, góp phần tích cực củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, lâu dài giữa nhân dân hai nước vì mục tiêu phát triển của mỗi nước. Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, các ủy ban của Quốc hội, các tổ chức đoàn thể và tổ chức nhân dân hai nước tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào thực chất hơn.
Phóng viên: Là một cán bộ gắn bó với công tác đối ngoại nhiều năm, xin Đại sứ đánh giá về tiềm năng hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Campuchia, cũng như hoạt động thiết thực góp phần nâng cao giá trị tốt đẹp trong quan hệ giữa nhân dân hai nước?
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: Trải qua kinh nghiệm thực tiễn tại địa bàn, cũng như có khoảng thời gian dài làm công tác đối ngoại với Campuchia, tôi nhận thấy giữa Việt Nam và Campuchia có nhiều tiềm năng hợp tác vì sự phát triển của mỗi nước và vì lợi ích chung của hai dân tộc.
Trước hết, thế mạnh của Việt Nam và Campuchia chính là nông nghiệp, do vậy hai nước cần hết sức coi trọng mở rộng và không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này. Thứ hai, Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới trên bộ hơn 1.000 km. Đây là điều kiện thuận lợi giúp hai nước tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở kết nối giao thông, thúc đẩy hợp tác logistics, trao đổi thương mại, hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước. Thứ ba, Việt Nam và Campuchia đều là điểm đến có sức hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế. Do vậy, hai nước cần tăng cường hợp tác và kết nối về du lịch theo phương châm hai quốc gia một điểm đến. Thứ tư, trước sự phát triển của khoa học, công nghệ, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ số, thông tin truyền thông, xây dựng chính phủ điện tử cũng là những lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu và tiềm năng hợp tác. Hai nước cũng cần tăng cường hơn nữa các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, làm tốt công tác giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, về truyền thống quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước. Điều này góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân hai nước trong việc giữ gìn, bảo vệ, vun đắp mối quan hệ Việt Nam-Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Với vai trò và trách nhiệm của mình, tôi sẽ cố gắng đóng góp vào việc vun đắp mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, gắn kết tình hữu nghị, đoàn kết truyền thống giữa hai dân tộc, góp phần giữ gìn và làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.
Theo Nhân Dân