(HBĐT) -BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược gồm: Quy hoạch; phát triển hạ tầng; cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, hướng tới mục tiêu hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Với sự tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện, việc thực hiện các khâu đột phá chiến lược đạt được kết quả quan trọng. Về quy hoạch xác định rõ hướng phát triển của tỉnh là thực hiện mục tiêu đưa tỉnh trở thành tỉnh hàng đầu trong khu vực Tây Bắc nhờ tăng trưởng GDP với các trụ cột tăng trưởng chính là: Du lịch sinh thái; công nghiệp xanh; nông nghiệp sạch. Đến nay, đã hoàn thành giai đoạn 2 của công tác lập quy hoạch tỉnh với sản phẩm là báo cáo quy hoạch tỉnh, đang khẩn trương thực hiện xây dựng hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch tỉnh và lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định. Tiếp tục lãnh đạo triển khai công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT-XH của tỉnh như các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch vùng các huyện và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị đã được điều chỉnh mở rộng theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hòa Bình.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, tỉnh ban hành kế hoạch, đề án phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông; tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia... Chỉ đạo, điều hành thực hiện quản lý lĩnh vực giao thông vận tải, đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như: Giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BT; triển khai chuẩn bị đầu tư đường Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn 2 (theo quy mô đường cao tốc); dự án đầu tư xây dựng cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ km19 - km53 trên địa bàn tỉnh) bằng nguồn đầu tư công có hỗ trợ từ ngân sách T.Ư; dự án đường liên kết vùng Hòa Bình với Hà Nội và cao tốc Sơn La...
Về cải thiện môi trường kinh doanh, đã quyết liệt thực hiện các giải pháp về cải cách hành chính, chỉ đạo cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Tỉnh đã chỉ đạo rà soát, thu hồi dự án chậm tiến độ để thu hút nhà đầu tư có tiềm năng vào tỉnh, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn để phục vụ phát triển KT-XH. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2021 tỉnh đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2021 tỉnh xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 28 bậc so với năm 2020. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 tỉnh xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố, tăng 18 bậc so với năm 2020. Đối với chỉ số PCI năm 2021, tỉnh đứng thứ 62/63 tỉnh, thành phố; 13/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, là điểm số thấp nhất trong 5 năm qua. Tại kỳ họp tháng 5/2022, BTV Tỉnh ủy đã phân tích các nguyên nhân, đồng thời xác định, khâu tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết của tỉnh ở hầu hết các cơ quan, đơn vị… còn yếu kém, nhiều bất cập, chủ yếu do yếu tố cán bộ, đồng thời thống nhất thực hiện các giải pháp quyết liệt liên quan đến công tác cán bộ ngay trong tháng 6/2022.
Về phát triển nhân lực đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 10/10/2021 của BTV Tỉnh ủy về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng. Lãnh đạo ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã năm 2022, từ đó tập trung lãnh đạo thực hiện.
Theo đánh giá của BTV Tỉnh uỷ việc thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược còn những hạn chế cần khắc phục như: Công tác lập quy hoạch tỉnh chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra, tỷ lệ bao phủ quy hoạch xây dựng thấp. Phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại chưa có nhiều chuyển biến, ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư. Công tác quản lý đất đai còn hạn chế, giải quyết các thủ tục và cung cấp thông tin về đất đai còn chậm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu sáng tạo, chưa sâu sát thực tế, thiếu quyết liệt, còn sợ trách nhiệm, thiếu kiểm tra, đôn đốc; một bộ phận cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp còn gây phiền hà, nhũng nhiễu; người đứng đầu cơ quan sợ trách nhiệm, chưa đánh giá đúng năng lực cán bộ để phân công nhiệm vụ phù hợp…
Thời gian tới, BTV Tỉnh uỷ tập trung lãnh đạo hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2031, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình; hoàn thành lập quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu vùng huyện, quy hoạch phân khu các vị trí có tiềm năng sử dụng đất (dọc tuyến đường liên kết vùng, khu vực hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình...). Khởi công các công trình giao thông trọng điểm như: Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đường liên kết vùng, đường từ thị trấn Xuân Mai đi thị trấn Lương Sơn; đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); đường Quang Tiến - Thịnh Minh; dự án kết nối hạ tầng giao thông, thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia...; triển khai các công trình hạ tầng đô thị để nâng cấp TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn. Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Yên Quang, khu công nghiệp Mông Hóa, một số cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư thứ cấp… Thành lập tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh hỗ trợ công tác liên quan đến các thủ tục đầu tư, phấn đấu số dự án đầu tư được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng gấp 2 lần năm 2021. Thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm nâng cao chất lượng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Trước mắt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, xem xét quy trình, cách thức tổ chức thực hiện công việc trong từng phòng, từng cơ quan, đơn vị, từng sở, ngành… để bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, tránh tình trạng một cá nhân quản lý độc lập một công việc, một quy trình, không có người thay thế, gây ách tắc công việc, nhất là các thủ tục liên quan đến thu hút đầu tư; mỗi một quy trình nên giao cho một nhóm công chức cùng thực hiện. Đánh giá kết quả công tác năm 2022 gắn với trách nhiệm các tập thể, cá nhân; nhất là các chỉ tiêu KT-XH; phân tích rõ các chỉ tiêu không hoàn thành gắn với đánh giá chất lượng hoàn thành công việc của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan…
Lê Chung