Người dân huyện Lương Sơn đề nghị UBND tỉnh rà soát việc chấp hành quy định của pháp luật tại các mỏ khai thác đá, xem xét không cấp phép đối với mỏ đá mới trên địa bàn, thu hẹp hoạt động đối với mỏ đá chưa bảo đảm khoảng cách an toàn, thu hồi giấy phép đối với các mỏ khai thác khoáng sản, dự án không triển khai hoặc hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Đối với các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Lương Sơn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, Sở TN&MT phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo UBND tỉnh không gia hạn hoạt động, tiến tới chấm dứt các dự án này.
UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, kiên quyết đình chỉ hoạt động, tước quyền khai thác đối với những đơn vị được cấp phép nhưng khai thác không đúng thiết kế, không bảo đảm an toàn gây ô nhiễm môi trường, nợ đọng thuế, phí; tập trung kiểm tra các đơn vị địa bàn trọng điểm, kiên quyết xử lý theo quy định, kể cả xử lý về hình sự. Quan điểm địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường và tình hình ANTT, trách nhiệm của cấp ủy ở đó phải được làm rõ và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Đối với kiến nghị về việc khai thác đá ở xã Thanh Cao (Lương Sơn), tổ công tác đưa vào đối tượng kiểm tra để kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Trước thực tế mất an toàn giao thông khu vực ngã ba Bãi Lạng, ngã ba Đông Dương, thị trấn Lương Sơn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông, người dân kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Sở GTVT và UBND huyện Lương Sơn đã phối hợp kiểm tra đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam giải quyết. Theo Sở GTVT, sau khi xem xét hồ sơ, nội dung đề xuất, Tổng cục Đường bộ đã đưa các vị trí trên vào danh mục các điểm đen, tiềm ẩn cần xem xét đầu tư trong năm 2022. Đối với đề nghị thu hồi đất của dự án Thung lũng Nữ Hoàng để giao cho Nhân dân sử dụng vì 20 năm qua dự án không thực hiện, đưa vào sử dụng, không tạo việc làm cho Nhân dân. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành trả lời dự án sân golf quốc tế 36 lỗ và khu vực dịch vụ phụ trợ đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo Quyết định số 29/QĐ-UBND, ngày 7/1/2021 và theo báo cáo của Công ty CP du lịch Thung lũng Nữ Hoàng, nhà đầu tư đang tiến hành các thủ tục đất đai, xây dựng, do đó việc thu hồi không đủ cơ sở… Các kiến nghị, đề xuất của người dân đều đang được quan tâm chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Bùi Tiến Lực, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho biết: Qua tổng hợp khảo sát, thu thập kiến nghị ở 2 huyện Lương Sơn và TP Hòa Bình có 56 đề xuất, kiến nghị của người dân tập trung vào các vấn đề như: Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thu gom xử lý rác thải; thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp...
Các kiến nghị được Chủ tịch UBND tỉnh và các ngành chức năng trả lời khá thỏa đáng theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến tham gia của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, triển khai thực hiện các nghị quyết về phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh. Kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhất là những vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh và các vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội, báo chí phản ánh để tiếp thu, kịp thời tập trung giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở. Các cơ quan, địa phương kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc, phát sinh để nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. Thường trực Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch các quy định về dân chủ ở cơ sở với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác dân vận chính quyền, xây dựng bộ máy chính quyền đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước. Giải quyết tốt các nội dung tiếp thu ý kiến sau tiếp xúc, đối thoại; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh nếp sống văn minh, văn hóa công sở.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu cần phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể CT-XH, làm tốt việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, giám sát thực hiện những kết luận sau tiếp xúc, đối thoại. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phải thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân để kịp thời có biện pháp giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, tránh để thành vấn đề nổi cộm, bức xúc và đơn thư, khiếu kiện vượt cấp. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kiến nghị chính đáng của Nhân dân; quan tâm xây dựng khu tái định cư, cũng như hỗ trợ đời sống, sản xuất cho người dân bị thu hồi đất. Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản theo quy định; quan tâm bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận của người dân thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm, cũng như thực hiện các mục tiêu KT-XH của tỉnh.