Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh là 1 trong 3 dự thảo Nghị quyết dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua ở kỳ họp này.
Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh sẽ khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Ảnh minh họa
Tại kỳ họp thứ 5 khai mạc ngày 22/5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 3 dự thảo Nghị quyết gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023
Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 được điều chỉnh như sau: Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023:
(1) Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
(2) Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) các dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
(3) Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 như sau:
- Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024):
(1) Trình Quốc hội thông qua 9 luật, 1 nghị quyết: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (nếu có);
(2) Trình Quốc hội cho ý kiến 9 dự án luật: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn;. Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
- Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024):
(1) Trình Quốc hội thông qua 9 luật: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật;
(2) Trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật: Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi).
Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn
Những điểm mới của dự thảo Nghị quyết bao gồm:
(1) Về phạm vi điều chỉnh: cơ bản giữ nguyên như Nghị quyết số 85/2014/QH13 và điều chỉnh một số nội dung: bỏ chức danh Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân vì Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019 không còn quy định chức danh này; đổi cụm từ "các thành viên khác của Ủy ban nhân dân" thành cụm từ "các Ủy viên của Ủy ban nhân dân" cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; bổ sung chức danh Tổng Thư ký Quốc hội cho phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội và Quy định số 96-QĐ/TW. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ khi có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định số 96-QĐ/TW;
(2) Về nguyên tắc, căn cứ và quy trình lấy phiếu tín nhiệm: bổ sung nguyên tắc và căn cứ lấy phiếu tín nhiệm để phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW; bổ sung một số quy định cụ thể về trình tự, thủ tục; quy định về số lượng tối thiểu ĐBQH, đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự phiên họp lấy phiếu tín nhiệm; các phụ lục về biểu mẫu trên cơ sở kế thừa hướng dẫn số 321/HD-UBTVQH14 của UBTVQH;
(3) Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm: thể chế các nội dung của Quy định số 96-QĐ/TW về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; sửa đổi, bổ sung về hệ quả bỏ phiếu tín nhiệm cho phù hợp với hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm;
(4) Về công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm: bổ sung quy định công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều.
Nghị quyết mới bao gồm 8 nhóm chính sách liên quan đến 44 cơ chế trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Nghị quyết mới sẽ thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh được áp dụng từ năm 2017.
Trong những nội dung mới đáng chú ý tại Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh lần này, tinh thần phân cấp mạnh hơn, trao quyền lớn hơn được thể hiện khá rõ nét. Ví dụ như đề xuất HĐND thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức để tạo tính chủ động. Các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ được mở rộng thêm...
Theo VTV.VN
(HBĐT) - Ban Dân vận Huyện ủy Lạc Sơn phối hợp UBND xã Nhân nghĩa vừa tổ chức ra mắt mô hình "Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ”.
Theo Đặc phái viên TTXVN, nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản, sáng 20/5, tại thành phố Hiroshima, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản.
(HBĐT) - Những năm qua, Đảng bộ xã Đông Lai (Tân Lạc) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết của Đảng ủy xã hàng năm vào cuộc sống.
(HBĐT) - Thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XV tỉnh luôn gắn bó mật thiết với cử tri, trăn trở trước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân cũng như những vấn đề nóng trong thực tiễn; phản ánh, đề xuất những giải pháp sát thực, căn cơ, mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường Quốc hội (QH).
(HBĐT) - Năm 2023 là năm thứ 5 toàn Đảng bộ tỉnh triển khai khâu đột phá thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với tinh thần gương mẫu, quyết liệt, triệt để của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, việc thực hiện khâu đột phá đã tạo chuyển biến mạnh mẽ. Học tập, làm theo và nêu gương Bác đã trở thành việc làm thường xuyên của cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị.