(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ đã có bài phát biểu chỉ đạo tại buổi Gặp mặt nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến của tỉnh. Báo Hòa Bình xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu.


Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh !
Thưa các vị đại biểu và các đồng chí!

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), hôm nay, chúng ta họp mặt tại đây để ôn lại những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm lại những công việc chúng ta đã làm trong thời gian qua và biểu dương, tuyên dương những tập thể và cá nhân đã có những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua ái quốc, nhằm đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, các vị khách quý và đặc biệt chào mừng các đại biểu điển hình tiên tiến - những bông hoa tươi thắm trong phong trào thi đua yêu nước đã về dự buổi gặp mặt ngày hôm nay. Tôi cũng xin gửi lời thăm hỏi chân thành và lời chúc mừng nồng nhiệt tới toàn thể bà con, đồng chí, và chiến sĩ toàn tỉnh đang ngày đêm hăng say lao động, sản xuất, chiến đấu, công tác, học tập, nghiên cứu khoa học, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh nhà.

Thưa các vị đại biểu và các đồng chí!

Như chúng ta đã biết, công tác thi đua, khen thưởng có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Cách đây 170 năm, nhà lý luận thiên tài, nhà tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản C.Mác đã chỉ rõ: Thi đua là một hiện tượng xã hội tồn tại khách quan, là quy luật phát triển tất yếu của quá trình hợp tác lao động của con người; ở đâu có hợp tác lao động thì ở đó có thi đua. V.I.Lênin cũng từng nói: Cách mạng là ngày hội của quần chúng. Với phong trào cách mạng của triệu triệu quần chúng tự giác, tích cực tham gia thì không có khó khăn nào không vượt qua, không có kẻ thù nào không đánh thắng, không có nhiệm vụ cách mạng nào không hoàn thành.

Vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin về thi đua vào phong trào cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng quan niệm về thi đua lên một tầm tư tưởng, coi thi đua là một phẩm chất đạo đức, thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam. Ngày 11-6-1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người chỉ rõ: Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Người khẳng định: Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi. 

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước nhà. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực. Trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua chiến đấu lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi để vừa diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong", "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần", "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt"... đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đưa các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng Mùa Xuân năm 1975.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Bổn phận của mỗi người dân Việt nam đều phải thi đua; thi đua cần dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân; mỗi người dân là một chiến sĩ đấu tranh để thực hiện: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Người đã chỉ rõ sự gắn bó chặt chẽ giữa thi đua với lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, đó là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin về thi đua trong từng điều kiện cụ thể. Người khẳng định "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất” và "Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”…

Đối với tỉnh Hoà Bình, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần về thăm (lần đầu tiên, Bác về thăm đồn điền Chi Nê, xã Cố Nghĩa, nay là xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) ngày 21/2/1947. Lần thứ 2, Bác thăm trường Hợp tác hóa nông nghiệp của tỉnh ở Bến Ngọc, Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình) ngày 19/10/1958. Lần thứ 3, Bác thăm và làm việc tại trường Thanh niên lao động XHCN ngày 17/8/1962. Lần thứ 4, Bác thăm và làm việc tại cơ quan Huyện ủy Kim Bôi ngày 19/9/1964). Những lần đến thăm tỉnh Hoà Bình, Người đều ân cần căn dặn, động viên cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết yêu thương, giúp đỡ nhau tiến bộ, đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, góp sức phục vụ kháng chiến, xây dựng quê hương. Những tình cảm trân trọng, yêu thương, những lời dặn dò ân cần của Người là nguồn động viên tinh thần to lớn để cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng quê hương Hòa Bình ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.

Trong kháng chiến, quân và dân tỉnh Hoà Bình đã thực hiện Lời kêu gọi của Bác, khắp các thôn, bản đã sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua, quyết tâm bảo vệ an toàn khu căn cứ cách mạng; đóng góp sức người, sức của, góp phần cùng cả nước làm nên những kỳ tích trong các cuộc kháng chiến, thống nhất Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới đất nước, bên cạnh những thành tựu xây dựng phát triển công, nông nghiệp, chăm lo đời sống người dân, Hòa Bình đã chung sức, đồng lòng, thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng, cung cấp lương thực, thực phẩm... góp phần tích cực cùng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư hoàn thành xây dựng Thủy điện Hòa Bình, một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.

Trong bối cảnh, điều kiện rất khó khăn, tình hình thiên tai, dịch bệnh, thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường; giá xăng dầu, chi phí đầu vào và vận tải tăng cao; đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 khởi phát và diễn biến phức tạp, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta vẫn nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Qua các phong trào thi đua, nhiều tập thể, cá nhân của tỉnh đã vinh dự được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng; đặc biệt, năm 2021 Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Đề nghị các đại biểu và các đồng chí, chúng ta cùng chúc mừng những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội và những nét nổi bật về thi đua, khen thưởng của tỉnh Hòa Bình trong 5 năm qua. Đặc biệt, chúc mừng các tập thể, cá nhân được đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước; chúc mừng 68 điển hình tiên tiến được Uỷ ban nhân dân tỉnh biểu dương, tôn vinh tại buổi Gặp mặt hôm nay.
Thưa các đồng chí!

Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, các cấp, các ngành đang sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, để đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm và nguyên nhân; từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm năm 2023 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). 

Tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín và sức mạnh đại đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, để tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước.

- Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Thi đua là phải toàn dân, toàn diện”. Chính vì vậy, các cấp, các ngành khi phát động các phong trào thi đua phải xác định được mục đích, chủ đề, đối tượng, chỉ tiêu thi đua; nội dung thi đua cần rộng khắp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng mỗi lĩnh vực phải có trọng tâm, trọng điểm, gắn với các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tôi đề nghị đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cần lựa chọn và phát động phong trào thi đua trong cải cách hành chính, phục vụ Nhân dân, phục vụ doanh nghiệp. Từ đó, tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực về tài chính, con người, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân; đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng để tăng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, song song với phát triển đô thị văn minh.  Phấn đấu sớm đưa Hòa Bình phát triển và thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và Miền núi Bắc Bộ.

- Thứ ba, tổ chức các phong trào thi đua phải gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đặc biệt là phải gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

- Thứ tư, triển khai các phong trào thi đua phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng, "Tiền hô hậu ủng”, "Nhất hô bá ứng”, "Trên dưới đồng lòng”, "Dọc ngang thông suốt” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh, để "Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”; có như vậy mới phát huy được sức mạnh của tập thể, của dân tộc, làm cho các phong trào thi đua đạt được hiệu quả cao nhất, tất cả vì mục tiêu xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh. Phải thấm nhuần lời dạy của Bác: "Thi đua chứ không phải ganh đua”; phải xác định mục đích của thi đua là làm tiền đề, làm động cho sự phát triển; phát động phong trào thi đua là để cùng nhau làm nhanh hơn, làm tốt hơn, để tỉnh Hoà Bình phát triển hơn, chứ không phải phát động phong trào thi đua để chờ được khen thưởng. 

- Thứ  năm, phải nâng cao chất lượng công tác khen thưởng theo nguyên tắc "thành tích đến đâu khen đến đó”. Trong đó cần lưu ý, các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng phải thực sự tiêu biểu xuất sắc; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp; công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý... Trong cùng một tập thể, nếu ai là người năng động, sáng tạo, tham mưu được nhiều nhiệm vụ đạt hiệu quả, ai là người làm được nhiều sản phẩm có chất lượng, có đóng góp, cống hiến cho ngành, lĩnh vực thì phải khen thưởng người đó. Coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt - việc tốt, để truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng, lan tỏa ra xã hội những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc, những hành động tốt đẹp, cách làm hay, sáng tạo, có ý nghĩa cho cộng đồng, cho xã hội. 

Thưa thưa các đồng chí!

Với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, tôi tin tưởng rằng việc tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng của tỉnh trong thời gian tới sẽ có nhiều thành công mới, tạo ra động lực quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. 

Cuối cùng, xin chúc các vị đại biểu, các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Trân trọng cảm ơn!


* Tiêu đề do Báo Hòa Bình đặt.

Các tin khác


Xã Vĩnh Đồng đổi mới, nêu cao ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân

Thân thiện, tận tâm, trách nhiệm là cảm nhận của chị Hà Thị Hoa (Mai Châu) khi đến làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) hay còn gọi là bộ phận "một cửa” của UBND xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).

Phát huy những kết quả, truyền thống đoàn kết, tạo khí thế mới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ (*)

Ngày 26/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu bế mạc hội nghị. Báo Hòa Bình trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Phong trào thanh niên tình nguyện lan tỏa và thiết thực

Thời gian qua, phong trào thanh niên tình nguyện được đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, tham gia. Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần giáo dục đạo đức, lý tưởng cho thanh niên. Bên cạnh đó là cơ hội để đoàn viên, thanh niên giao lưu, học hỏi, trao đổi kỹ năng sống, nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ với cộng đồng.

Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm đồng chí Lê Hải Bình giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Chiều 25/3, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác nhân sự. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự và trao Quyết định.

Hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ

Ngày 25/3, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ tổ chức Hội nghị lần thứ 30, khóa XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 kiểm điểm công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

Đại tướng Phan Văn Giang làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ

Sáng 25/3, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có buổi làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục