Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của BCH T.Ư Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026; xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031. Chất lượng quy hoạch nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước, tỷ lệ cán bộ nữ, dân tộc, tuối trẻ, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị được nâng lên. Việc đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong 5 năm, cấp ủy các cấp đã gợi ý kiểm điểm 114 tập thể, 121 cá nhân lãnh đạo, quản lý.
Từ năm 2018 đến tháng 5/2023, cấp tỉnh thực hiện luân chuyển, điều động 93 lượt cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý, trong đó: luân chuyển 18 (từ tỉnh về huyện 13; từ huyện lên tỉnh 2; huyện này sang huyện khác 3); điều động 76 (tỉnh về huyện 6; huyện lên tỉnh 26; từ huyện này sang huyện khác 1; giữa các sở, ban, ngành 37; chuyển đổi vị trí công tác 6). Các Huyện ủy, Thành ủy luân chuyển 125 lượt cán bộ diện BTV Huyện ủy, Thành ủy quản lý; điều động 330 đồng chí; chuyển đổi vị trị công tác 137 đồng chí…
BTV Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 10, Nghị quyết số 11 về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, lựa chọn 117 đồng chí tham gia đề án. Xây dựng Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 6/3/2018 về đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo diện BTV Tỉnh ủy quản lý giai đoạn 2017 - 2025. Trên cơ sở đó tổ chức 3 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 484 đồng chí là cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý và 2 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 cho 201 đồng chí.
Tỉnh ủy đã phân công 137 cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi 151 xã, phường, thị trấn nhằm giúp cán bộ nắm bắt thêm tình hình, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời tiếp tục thực hiện điều động, bổ nhiệm, luân chuyển 27 cán bộ lãnh đạo phù hợp với năng lực, phẩm chất, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan, đơn vị, địa phương, chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tới.
Thông qua đó từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, khắc phục dần tình trạng mất cân đối về chuyên ngành đào tạo, tuyển dụng đầu vào, lựa chọn được công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, năng lực công tác, am hiểu nghiệp vụ, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng cán bộ nhìn chung chưa ngang tầm với nhiệm vụ, còn tình trạng mất cân đối về chuyên ngành đào tạo trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến huyện. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý hạn chế về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; còn có cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa thực hiện tốt quy định nêu gương; chất lượng, hiệu quả công việc chưa tương xứng với trình độ đào tạo, chưa thực sự đề cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Ngày 18/7/2023, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thay mặt BTV Tỉnh ủy ký kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW. Theo đó, BTV Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ và CTCB theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhất là thực hiện tốt các khâu đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ…
Tập trung, ưu tiên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ và thực hiện nghiêm các quy chế, quy định, quy trình về CTCB, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ giữa các khâu trong tổ chức thực hiện. Cùng với thực hiện chủ trương Bí thư cấp uỷ cấp huyện không là người địa phương, bố trí thực hiện chức danh Chủ tịch UBND huyện không là người địa phương ở một số huyện; đẩy mạnh công tác luân chuyển, điều động trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng chủ trương của BTV Tỉnh uỷ. Chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, ngăn chặn những tiêu cực trong CTCB, đồng thời có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4, khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp phó, cán bộ dưới quyền trực tiếp tiêu cực, tham nhũng theo các quy định của T.Ư... Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống” trong CTCB.
Lê Chung