(HBĐT) - Trao đổi bên lề phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc mong muốn, Quốc hội, Chính phủ sớm có những quyết sách đột phá để khởi thông nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.



Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình trả lời phóng vấn báo chí.


Điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu

Theo đại biểu, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội với các cơ quan trong hệ thống chính trị, đất nước tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực khi tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra trên các lĩnh vực quan trọng.

Nền kinh tế đất nước tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh của nền kinh tế toàn cầu; ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,16%; tăng trưởng kinh tế phục hồi, tiêu dùng trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, những kết quả đạt được cũng cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư (9 tháng đạt 51,38% cao hơn cùng kỳ năm 2022 là 46,7%). Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực. Cụ thể, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1.100 quy định của 10 bộ, cơ quan; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Chính phủ đã triển khai kịp thời các chính sách đối với người có công; chính sách bảo trợ, an sinh xã hội và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân gặp khó khăn.

Nhiều vấn đề cần quan tâm tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cũng bày tỏ trăn trở trước thực tế tăng trưởng GDP chưa đạt mục tiêu đề ra; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp còn đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế, khả năng hấp thụ vốn giảm mạnh, sức chống chịu bị bào mòn. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất; giải thể, dừng hoạt động. Mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng các doanh nghiệp còn khó khăn trong cả tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng. Thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, thiếu nguồn cung nhất là ở phân khúc thị trường nhà cho người có thu nhập thấp và trung bình; giá bất động sản vẫn ở mức cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, trong bối cảnh hiện nay, người dân và doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, chờ chính sách đền bù cao hơn khi giải phóng mặt bằng. Do đó, nhiều dự án đang bị kéo dài khó thực hiện. Nhiều dự án còn vướng mắc, phải chờ quy hoạch. Ở các địa phương, tỷ lệ các quy hoạch hoàn thành còn thấp, tiến độ lập quy hoạch chậm. Đặc biệt, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội - chỉ tiêu rất quan trọng đánh giá chất lượng tăng trưởng tiếp tục không đạt kế hoạch đề ra trong năm thứ 3 liên tiếp. Vấn đề này cần được quan tâm, đánh giá thật kỹ để đưa ra giải pháp tối ưu.

Đại biểu cũng dẫn chứng qua TXCT và thực tiễn ở các địa phương cho thấy, còn tình trạng rất lớn thanh thiếu niên là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường sử dụng mạng xã hội không đúng mục đích; tiềm ẩn những hệ lụy tiêu cực đối với thế hệ tương lai. Những năm gần đây nhiều vụ việc xảy ra ở các trường phổ thông liên quan đến mạng xã hội, như: bạo lực học đường; nguy hiểm hơn nữa là hiện tượng thanh, thiếu niên tụ tập, rủ nhau đi giải quyết mâu thuẫn với những loại vũ khí hết sức nguy hiểm như bom xăng, dao tự chế. "Đây là hồi chuông cảnh báo cho sự xuống cấp về văn hoá; là nỗi lo rất lớn nếu không kịp thời ngăn chặn. Thực trạng này rất cần sự chung tay vào cuộc của cả xã hội, thường xuyên giáo dục, định hướng giá trị nhân cách và lối sống tốt đẹp của con người, nâng cao sức đề kháng trước tác động tiêu cực của các trang mạng xã hội”, đại biểu Ngọc đề nghị.

Cũng từ thực tiễn tại địa phương, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho biết: đời sống của một bộ phận người dân còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, thiếu ổn định, thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Mặc dù, việc triển khai 3 Chương trình MTQG đã bước đầu đạt những kết quả đáng kể, song vẫn còn nhiều khó khăn.

"Nhiều nơi người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nhiều cơ chế, chính sách quy định của pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo. Công tác tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách vẫn còn là khâu yếu, có lúc có nơi còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý chưa kịp thời, nhất là những vấn đề phát sinh mới”, đại biểu bày tỏ lo lắng.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng

Đại biểu đề nghị, bên cạnh việc giảm lãi suất, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và hấp thụ các nguồn vốn tín dụng. Đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ việc tăng, giảm lãi suất, điều kiện vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Cùng với đó, cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg; có cơ chế cho phép các địa phương được lập đồng thời các quy hoạch chung và quy hoạch phân khu. Trong đó, đối với quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước; khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn hoặc mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp thì việc điều chỉnh được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15.

Theo đại biểu, cử tri, nhân dân mong chờ Quốc hội sớm thông qua lộ trình và phương án cải cách chính sách tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức nhằm động viên, khuyến khích, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc, điều kiện quan trọng để thực hiện phòng chống tham nhũng. Ngoài ra, cũng mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm xem xét, bổ sung Dự án Đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo phương thức PPP, có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ tại kỳ họp này.


Theo Daibieunhandan.vn

Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục