(HBĐT) - Chia sẻ bên lề phiên thảo luận về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đại biểu Đặng Bích Ngọc đánh giá cao sự vào cuộc quyết tâm, chủ động từ sớm, từ xa của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thời gian qua. Nhờ vậy, các chương trình từng bước được gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ trong bối cảnh nhiều nơi còn vướng mắc, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc còn hạn chế nhất định…


Bà Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình trả lời phỏng vấn các nhà báo. 


- Các chương trình mục tiêu quốc gia đã đi được một chặng đường không ngắn. Đại biểu có nhận định về công tác triển khai thực hiện thời gian qua?

- Báo cáo của Đoàn giám sát cũng như Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nêu lên khá rõ thực tế công tác triển khai. Tôi chỉ muốn chia sẻ rằng, đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện đồng thời giám sát cả 3 CTMTQG với khối lượng công việc lớn, liên quan trực tiếp đến nhiều bộ, ngành, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Với sự quyết tâm, chủ động từ sớm, từ xa, với mong muốn sẽ đánh giá được những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai ngay từ giai đoạn đầu, để từ đó đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, chủ động nỗ lực hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong bối cảnh các chương trình đang triển khai giải ngân rất chậm, nhiều nơi còn vướng mắc, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc còn nhiều hạn chế.

- Dường như địa phương đang trông chờ một động thái mạnh mẽ hơn từ trung ương, thưa đại biểu?

- Thực tiễn tại các địa phương cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết tâm của Chính phủ, các địa phương triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đạt được những kết quả tích cực; nhận thức của người dân đã thay đổi căn bản, bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc; cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện đáng kể; người dân cảm nhận sự thay đổi thực sự trong cuộc sống và sinh hoạt; tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả. Chính phủ đã có nhiều cách làm sáng tạo, chủ động như đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, lắng nghe ý kiến từ các địa phương; những vướng mắc khó khăn từ cơ sở, từ đó kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành ban hành văn bản, sửa đổi bổ sung và hướng dẫn, giải thích những nội dung còn hạn chế bất cập. Công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn thực hiện các chương trình cơ bản được Chính phủ giao về các địa phương theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến 31.8.2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài.

- Vậy công tác triển khai tại địa phương còn vướng ở khâu nào, thưa đại biểu?

- Qua thực tế giám sát tại các địa phương cho thấy, hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện 3 CTMTQG từ Trung ương đến địa phương còn chậm, thiếu đồng bộ dẫn đến việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn phân bổ cho các chương trình còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cơ sở. Việc quy định tỷ lệ vốn đối ứng cao như hiện nay sẽ rất khó khăn cho các địa phương, đặc biệt ở những tỉnh nghèo, thu ngân sách thấp; nếu cứ quy định cứng thì rất khó có thể thực hiện được dự án. Tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách T.Ư năm 2022 và cả giai đoạn còn chậm, tỷ lệ giải ngân có những dự án, tiểu dự án chưa đạt đến 10% kế hoạch vốn của năm. Với tiến độ và thực tiễn triển khai như hiện nay, thì khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn ngân sách T.Ư đến năm 2025 là rất khó đạt được.

Quá trình triển khai cho thấy, định mức thực hiện một số chính sách sử dụng vốn sự nghiệp còn thấp, quy trình thực hiện phức tạp, còn có sự chồng lấn về địa bàn, nội dung thực hiện chương trình (nhất là Chương trình giảm nghèo bền vững; dân tộc thiểu số và miền núi). Kết quả giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu đa chiều, chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Cán bộ triển khai thực hiện chương trình, dự án từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế về chuyên môn, thiếu về số lượng, thiếu kinh nghiệm trong thực hiện triển khai dự án, lúng túng trong tổ chức thực hiện, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Do đó, việc nắm bắt các vấn đề, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc còn khó khăn, chưa kịp thời. Đội ngũ này rất lúng túng trong công tác thẩm định giá, quy trình thủ tục đấu thầu, phê duyệt thầu, lựa chọn thầu… Còn tình trạng manh mún, phân tán, làm cho cơ chế lồng ghép, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng, Nhà nước vẫn chưa thực hiện được, dẫn đến một số nơi các dự án còn chưa phát huy được hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực. Nhiều nơi việc phối hợp còn thiếu chặt chẽ, thống nhất; công tác lãnh đạo, chỉ đạo một số địa phương chưa sâu sát, có nơi lúng túng trong ban hành, hướng dẫn nhiệm vụ theo thẩm quyền. Còn có sự trùng lặp về địa bàn trong thực hiện cả 3 CTMTQG (nhất là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình DTTS&MN); việc lập kế hoạch xác định nhu cầu của các địa phương một số nơi chưa sát thực tế dẫn đến việc phân bổ vốn có nơi không hợp lý, có dự án thừa vốn nhưng có dự án lại thiếu vốn, có dự án không giải ngân được (nội dung hỗ trợ về phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư cá huyện nghèo…)

Nguồn vốn bố trí chưa tương xứng so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra đến cuối năm 2025; giao vốn chậm; giao vốn sự nghiệp chưa đồng bộ, thống nhất giữa 3 chương trình (dự án hỗ trợ nhà ở); cơ chế giao vốn chi tiết đến từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, tuy theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhưng rất khó khăn trong tổ chức triển khai cơ chế lồng ghép và chuyển nguồn khi dự án, tiểu dự án không còn hiệu quả (CTMTQG xây dựng NTM, giao tổng vốn; CTMTQG GNBV và DTTS&MN giao chi tiết đến từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần).

Nhiều dự án, tiểu dự án chưa được thực hiện hoặc chưa phát huy được hiệu quả, nhất là Chương trình DTTS&MN, cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội, thu nhập, mức sống của người dân chưa đạt như mong đợi. Giảm nghèo chưa đạt được mục tiêu đa chiều, bền vững, chưa hạn chế được tái nghèo, phát sinh nghèo, nhất là vùng ĐBDTTS&MN.

- Tiếp tục từ góc độ địa phương, qua tiếp xúc cử tri và giám sát từ cơ sở, địa phương có kiến nghị gì thưa đại biểu?

- Các báo cáo đã đánh giá và chỉ rõ những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và cả những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện. Để 3 CMTQG thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn đã giao năm 2023 cho các địa phương để thực hiện CTMTQG sang năm 2024.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn theo thẩm quyền những nội dung văn bản còn chưa rõ, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong tổ chức thực hiện để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, nhất là cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng vốn; cần thiết nên tích hợp những nội dung còn trùng lắp; tạo thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện tránh tình trạng quá nhiều văn bản hướng dẫn gây khó khăn trong việc áp dụng. Tăng cường tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan toả.

Tiếp theo, đối với việc phân bổ kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 đề nghị Trung ương thông báo vốn cho UBND tỉnh số vốn còn lại trong giai đoạn 2024-2025, đồng thời hàng năm chỉ phân bổ tổng số kinh phí thực hiện Chương trình cho các địa phương trên cơ sở thực trạng, nhu cầu vốn.

Cuối cùng, đề nghị có cơ chế ưu tiên thủ tục thực hiện về đất đai đối với những dự án đầu tư có sử dụng đất rừng (diện tích chiếm dụng ít) thuộc các CTMTQG. Vì đối với huyện miền núi địa hình chủ yếu là đồi núi cao, việc xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng đa số phải sử dụng một phần diện tích đất rừng. Tuy nhiên, hiện nay thủ tục về đất đai chuyển mục đích sang loại đất khác để thực hiện đầu tư xây dựng đòi hỏi phải có thời gian nhất định và trình các cấp có thẩm quyền quyết định. Do vậy, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân của các dự án đầu tư.

- Xin cám ơn đại biểu!

P.V (T/H)

                                                                                                                                            


Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục