Mô hình mây giang đan tạo việc làm, thu nhập cho hội viên phụ nữ xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).
Trong 10 chỉ tiêu NQĐH Phụ nữ huyện lần thứ XXIII, 8 chỉ tiêu đã đạt và vượt. Tiêu biểu như: 100% cơ sở Hội duy trì ít nhất 1 loại hình rèn luyện sức khỏe và phẩm chất đạo đức; giúp đỡ 86 phụ nữ khuyết tật và hỗ trợ kịp thời phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình; giúp đỡ 90 hộ đạt tiêu chí "5 không 3 sạch”; 19 công trình, phần việc được thực hiện góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ra mắt 6 mô hình tiết kiệm mua bảo hiểm y tế (BHYT) với số tiền tiết kiệm trên 121,2 triệu đồng, qua đó tặng 505 thẻ BHYT cho hộ hội viên. Trong phát triển kinh tế, 2.532 lao động nữ được tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 12 phụ nữ tham gia quản lý hợp tác xã, chủ hộ sản xuất, kinh doanh...
Phong trào phụ nữ và hoạt động các cấp Hội thực hiện hiệu quả cả chiều sâu và bề rộng, ngày càng thiết thực, phù hợp với hội viên, phụ nữ. Nổi bật là đa dạng nguồn lực thực hiện an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, vun đắp các giá trị gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình hạnh phúc; thu hút, tập hợp ngày càng nhiều tầng lớp phụ nữ tham gia tổ chức Hội, mở rộng tính liên hiệp, phát huy vai trò của lực lượng nữ công chức, viên chức, hội viên danh dự…
Công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ được đổi mới, cải tiến, hàng năm bám sát chỉ đạo, định hướng của Hội cấp trên, cấp ủy cùng cấp, lựa chọn các vấn đề ưu tiên để tập trung chỉ đạo và phân công trách nhiệm cho tập thể, cá nhân thực hiện; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, quan tâm cơ sở khó khăn, đối tượng yếu thế, coi trọng chỉ đạo điểm, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai nhân diện; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình trên các lĩnh vực; tăng cường phối hợp với các ngành liên quan; lồng ghép phong trào thi đua, cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của Hội với nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Tuy đạt được những kết quả nổi bật, nhưng trong công tác hội vẫn còn những khó khăn về nguồn kinh phí hoạt động ở cơ sở còn thấp. Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng và nhu cầu thực tiễn của hội viên, phụ nữ chưa được đánh giá chính xác, làm ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu và đề xuất. Chỉ tiêu bao phủ BHYT (đạt 95% dân số) là thách thức lớn, nhất là ở các xã đã về đích nông thôn mới; số lượng hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý còn ít, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho phụ nữ…
Đồng chí Chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ thêm: Trước những khó khăn, Hội luôn nhận được sự hỗ trợ và chỉ đạo từ Hội LHPN tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy cùng sự phối hợp từ Ủy ban MTTQ và các ban, ngành. Cán bộ Hội từ cấp huyện đến cơ sở ngày càng trẻ hóa, được nâng cao năng lực và tiếp cận với công nghệ thông tin. Nhiều khóa tập huấn được tổ chức giúp tăng cường kỹ năng quản lý, quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Để hoàn thành các mục tiêu trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Hội LHPN huyện Kim Bôi đưa ra một số giải pháp cụ thể: Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Hội, tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia BHYT, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó duy trì, phát triển mô hình "Vận động phụ nữ tiết kiệm mua BHYT vì sức khỏe gia đình”. Các cấp Hội rà soát hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Tập trung hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn; tăng cường hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thông qua Đề án 939 của Chính phủ, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã do phụ nữ quản lý. Tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề khó khăn, nổi cộm. Tuyên truyền chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, giúp hội viên tiếp cận thông tin và phát triển kinh tế...
Hồng Duyên