Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), ĐBQH tỉnh Hoà Bình Hoàng Đức Chính cho rằng, việc phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào DTTS miền núi, biên giới, hải đảo và vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang gặp nhiều thách thức. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung các chính sách khuyến khích của các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án điện tại những khu vực này.


Đồng chí Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Bảo đảm an toàn cho cộng đồng và môi trường khi thực hiện các dự án điện hạt nhân

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và các tài liệu liên quan, ĐBQH Hoàng Đức Chính bày tỏ sự thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Theo đại biểu, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa các nội dung về điện năng lượng mới, trong đó có điện hạt nhân, đây là bước quan trọng trong định hướng năng lượng quốc gia. Việc đưa điện hạt nhân vào dự thảo luật thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng (khoảng 10%/năm) và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các dự án điện hạt nhân đảm bảo cung cấp năng lượng sạch, dài hạn, ổn định cho sản xuất, nhất là đối với các ngành sản xuất công nghệ cao, đòi hỏi nguồn điện ổn định.

Việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam đã trải qua một quá trình dài chuẩn bị. Tuy nhiên, năm 2016, Chính phủ đã quyết định tạm dừng các dự án điện hạt nhân, đặc biệt là Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do những lo ngại về an toàn, chi phí đầu tư cao, vấn đề về công nghệ cũng như các diễn biến trong tình hình năng lượng toàn cầu vào thời điểm đó.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đưa điện hạt nhân phát triển bền vững, đại biểu Hoàng Đức Chính đề xuất:

Một là, xây dựng các điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới.

Hai là, bổ sung điều khoản về việc quản lý chất thải phóng xạ và các biện pháp đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường khi thực hiện các dự án điện hạt nhân. Điều này nhằm tránh những lo ngại của người dân, tăng sự đồng thuận trong xã hội.

Ba là, sử dụng các nguồn tài chính đa dạng, bao gồm tài trợ quốc tế và vốn vay ưu đãi, để giảm gánh nặng tài chính khi phát triển điện hạt nhân.

Bốn là, bổ sung vào dự thảo luật các điều khoản về khuyến khích đào tạo, phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân.

"Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cùng các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ, tin rằng điện hạt nhân có thể trở thành một nguồn năng lượng quan trọng giúp Việt Nam bảo đảm an ninh năng lượng trong tương lai” - đại biểu Hoàng Đức Chính nhấn mạnh.

Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển điện vùng nông thôn

Về phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào DTTS miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (quy định tại khoản 3, Điều 5 và Điều 24). Theo đại biểu, việc cung cấp điện cho vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao đời sống và thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các vùng còn khó khăn của nước ta.

Tuy nhiên, việc cung cấp điện cho những vùng này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đây là những địa bàn có địa hình hiểm trở, phức tạp, chi phí đầu tư lớn trong khi hiệu quả kinh tế mang lại thấp do sản lượng tiêu thụ điện thấp và việc bảo trì lưới điện khó khăn. Bên cạnh đó, các dự án đưa điện đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước và các chương trình hỗ trợ, tài trợ, trong khi nguồn ngân sách này có giới hạn và không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho tất cả các khu vực trong thời gian ngắn...

Từ những lý do trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách khuyến khích của các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án điện tại nông thôn, vùng đồng bào DTTS miền núi, biên giới hải đảo và vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như sau:

Thứ nhất, nên kế thừa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn đầu tư, lãi suất vay vốn đầu tư và các ưu đãi về thuế được quy định của luật hiện hành và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Hai là, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ là đối với các dự án điện mặt trời, điện gió, điện thủy triều, điện sinh khối và thủy điện nhỏ vì các dự án này phù hợp với điều kiện địa lý và tài nguyên sẵn có của các địa phương miền núi, hải đảo và có thể được triển khai dễ dàng hơn so với việc kéo điện lưới quốc gia.

Ba là, bổ sung chính sách đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người dân địa phương để họ có thể tham gia vào vận hành và bảo trì hệ thống điện tại địa phương mình.

Bốn là, bổ sung quy định giá mua điện ưu đãi cho các dự án điện ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo để khuyến khích các nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia. Xây dựng các chính sách hỗ trợ giá bán điện từ các nguồn năng lượng tái tạo ở miền núi, hải đảo đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư khi cung cấp điện tại các khu vực này.

Bùi Hiển
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh 

Các tin khác


Ngày làm việc thứ 14, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận về một số dự án luật

Sáng 6/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh trao huy hiệu Đảng đợt 7/11/2024

Ngày 6/11, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao huy hiệu Đảng đợt 7/11/2024 cho các đồng chí đảng viên thuộc Đảng bộ Khối.

Kỳ họp tháng 10 Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy Khối (ĐUK) các cơ quan tỉnh vừa tiến hành kỳ họp tháng 10/2024. Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Chủ nhiệm UBKT ĐUK chủ trì cuộc họp. Tại kỳ họp, UBKT ĐUK đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

Huyện Lạc Sơn thi đua cao điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Lạc Sơn xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Từ đó, huyện huy động, tập trung tối đa các nguồn lực giúp các hộ hoàn cảnh khó khăn sớm "an cư".

Quốc hội thảo luận về Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư (sửa đổi)

Ngày 6/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư.

Thành ủy Hòa Bình trao Huy hiệu Đảng cho 10 đảng viên

Thành ủy Hòa Bình vừa tổ chức trao Huy hiệu Đảng cho 10 đảng viên theo phân cấp. Trong đó, 2 đồng chí được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, 3 đồng chí được nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, 2 đồng chí được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, 3 đồng chí được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục