Chiều 22/11, thảo luận tổ 9 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đề nghị, trong dự thảo Luật phải có những quy định để khi đề xuất, kiến nghị của các đoàn giám sát ban hành, các cơ quan phải vào cuộc, có thông tin trả lời những nội dung đã chỉ ra.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.
Qua quá trình tổ chức thực hiện thời gian qua, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để Quốc hội và HĐND triển khai tốt. Qua giám sát, nhiều vấn đề được chỉ ra, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn một số bất cập, khó khăn, vướng mắc, các đoàn đã có những đề xuất, kiến nghị. Do đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật này để đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám sát trong giai đoạn hiện nay.
Về bổ sung nguyên tắc mới (khoản 2, Điều 3), dự thảo Luật đang quy định 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là bổ sung thêm nội dung "bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”; phương án 2 "bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương”. Thực tiễn hiện nay, việc quy định nguyên tắc choạt động giám sát phải là những tư tưởng chỉ đạo, yêu cầu cơ bản có tính định hướng, chi phối, xuyên suốt các hoạt động giám sát mà mọi chủ thể phải tuân theo khi tiến hành hoạt động giám sát. Việc thực hiện Luật Giám sát thời gian qua không có vướng mắc. Do vậy, nếu bổ sung nội dung mới theo phương án 1 thành nguyên tắc chưa phù hợp, khó triển khai.
Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu nội dung này để có quy định thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Nếu bổ sung thêm nội dung này vào nguyên tắc, nên tách thành mục riêng, nếu không thì giữ theo dự thảo hiện nay là phù hợp.
Về thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo (khoản 2, Điều 13), đại biểu thống nhất với phương án 1. Bởi có ưu điểm là quy định rõ thời điểm xem xét từng loại báo cáo tại các kỳ họp (giữa năm, cuối năm, cuối nhiệm kỳ) nhằm nâng cao tính minh bạch, giúp điều hòa hợp lý, giảm tải khối lượng công việc, tạo thuận lợi để Chính phủ tổng hợp đầy đủ tình hình, số liệu trong 1 năm, khắc phục tình trạng các cơ quan phải lấy số liệu nhiều lần phục vụ xây dựng báo cáo trình Quốc hội, lãng phí về nguồn lực. Phương án này cũng liệt kê trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác trong xây dựng báo cáo gửi Quốc hội hoặc lấy số liệu.
Các quy định mở rộng, tăng tính linh hoạt (như điểm e, g, h) cho phép Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh thời gian khi cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, việc lựa chọn phương án 1 là bước tiến cần thiết, phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Về tiêu chí lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát, đại biểu cho rằng, nên bổ sung: là những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm mà thực tiễn còn nhiều khó khăn, bất cập. Bởi, thông qua hoạt động giám sát sẽ giúp nhìn nhận, đánh giá việc triển khai thi hành Luật những vấn đề còn bất cập, khó khăn, vướng mắc cần đưa ra các kiến nghị, đề xuất để thực hiện tốt hơn.
Về chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội (Điều 15): mục 4a quy định việc trả lời chất vấn bằng văn bản quy định tại khoản 4, theo đại biểu không nên quy định quá cụ thể các bước thực hiện bằng văn bản tại luật, nội dung này nên quy định tại văn bản dưới luật.
Về chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội (Điều 26): Về tiêu chí lựa chọn, dự thảo luật hiện nay đang quy định là các vấn đề mang tính thời sự, xảy ra nhiều vi phạm pháp luật, có nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và các vấn đề khác. Theo đại biểu, không nên quy định như vậy, bởi thực tiễn khi lựa chọn các nội dung chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm và cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan trong việc đưa ra các giải pháp, lộ trình. Do vậy, nên quy định hài hòa hơn, nhất là trong sử dụng từ ngữ cho phù hợp, vừa bảo đảm yêu cầu của chất vấn, vừa là động lực cho các trưởng ngành hiến kế thêm các giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Về quy định Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương (khoản 1, Điều 52), đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định về số lượng thành viên Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (tại khoản 1, Điều 52) theo hướng không quy định cụ thể số lượng tối thiểu đại biểu Quốc hội tham gia đoàn giám sát để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.
Về Điều 52a bổ sung quy định Đoàn ĐBQH giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu hoàn toàn nhất trí với việc bổ sung quy định này để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với Luật hiện hành và Luật Tổ chức Quốc hội.
Về giải pháp đảm bảo thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (Điều 89), đại biểu cho rằng, quy định này giúp nâng cao tính thực thi của các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, tránh tình trạng "giám sát cho có”, không đạt kết quả thực tiễn. Do vậy, trong dự thảo Luật cần có những quy định để khi đề xuất, kiến nghị của các đoàn giám sát ban hành thì các cơ quan phải vào cuộc, có thông tin trả lời những nội dung đoàn giám sát đã chỉ ra. Mong rằng, trong dự thảo Luật sẽ thể hiện rõ để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đoàn giám sát, giải quyết được những bất cập, vướng mắc. Những nội dung nào cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung như các văn bản quy phạm pháp luật sẽ tiếp thu và chỉnh lý để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngô Hường
Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Nhận lời mời của Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary và Chủ tịch Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á Chung Eui-yong, ngày 21/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP) từ ngày 21-24/11/2024.
Ngày 18/11, UBKT Huyện ủy Lạc Thủy đã họp kỳ thứ 42. Tại Kỳ họp đã xem xét, kết luận một số nội dung:
Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Dominicana theo lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Dominicana Luis Abinader Corona, sáng 20/11, theo giờ địa phương, tại Cung Quốc gia ở thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Luis Abinader Corona cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước đã có cuộc hội đàm rất thành công.
Kiểm tra là một khâu trong công tác xây dựng Đảng, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất và thực hiện dân chủ trong Đảng. Để đảm bảo được điều đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra vừa "hồng” vừa "chuyên” luôn là công việc quan trọng cả trước mắt và lâu dài của công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ của ngành Kiểm tra Đảng nói riêng.
Nhận lời mời của Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary và Chủ tịch Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á Chung Eui-yong, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP) từ ngày 21-24/11/2024.