Mỗi dịp lễ Tết, tuổi trẻ huyện Kim Bôi lại sôi nổi với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách.

Mỗi dịp lễ Tết, tuổi trẻ huyện Kim Bôi lại sôi nổi với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách.

(HBĐT) - Giữa lung linh ánh điện phố phường, đã nhiều lần em kể về miền quê Mường Động với dạt dào nỗi nhớ, niềm thương. Quê em đó, tuy không ồn ào, náo nhiệt cuộc sống đô thị nhưng núi kéo lòng người bởi những con người thật thà, chất phác, những điệu múa, lời hát giao duyên ngọt ngào suốt đêm thâu.

Tôi sẽ theo em về Mường Động vì em và vì một điều em chưa biết, nơi đó từ lâu tôi đã xem là quê hương thứ hai của mình, bởi gia đình đã từng gắn bó với  Mường Động từ cái thời còn nghèo nàn, gian khó. Để rồi năm nào cũng vậy, khi những nụ hoa đào đua nhau khoe sắc, cũng là lúc những người thân hướng về Mường Động để tìm lại những kỷ niệm buồn, vui.

 

Ngày đó, Kim Bôi, Mường Động nghèo nàn, lạc hậu lắm. Người dân lam lũ, vất vả mà đói khổ cứ triền miên, bệnh tật rình rập. Ngày tết có bát cơm trắng để ăn là quí lắm rồi chứ mong gì đến đĩa xôi thịt đầy hay chiếc áo đẹp. Trong bộn bề gian khó chỉ có tấm lòng của người dân luôn nồng ấm, đùm bọc, trở che cho nhau và chính điều đó là chất keo gắn kết để mỗi gia đình đồng sức, đồng lòng vượt qua gian khó, dựng xây cuộc sống mới.

 

Hôm nay, cùng em đi trên những con đường thanh thang lộng gió. Nắng xuân tràn ngập trên từng thửa ruộng xanh ngắt. Tiếng em cười trong trẻo xua tan giá lạnh mùa xuân. Quê em đang từng ngày đổi mới. Vẫn đất ấy, con người ấy nhưng nếp nghĩ, cách làm đã có nhiều đổi thay. Không khoe về những khu du lịch Suối khoáng, VResort , Thác Bạc Long Cung nổi tiếng gần xa, hay thị trấn Bo đang từng ngày đô thị hóa mà em lại đưa tôi đi thăm những bản làng thanh bình nơi có những con người cần cù, yêu lao động để làm nên những cánh đồng năng xuất cao.

 

Cách đây chưa lâu, cuộc sống của người dân xã Vĩnh Đồng vẫn chủ yếu là tự cấp, tự túc do nắm bắt thông tin về KHKT và chuyển đổi mùa vụ còn hạn chế. Qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tình hình lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, Đảng ủy xã đã đưa ra chủ trương “Dồn điền, đổi thửa” để khắc phục tình trạng ruộng đồng manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện cho các hộ chuyển đổi mùa vụ. Cán bộ, đảng viên gương mẫu tham gia làm trước, người dân cũng nối bước theo sau. Mỗi xứ đồng trước đây chỉ từ 200 – 300 m2 nay đã thành mảnh lớn từ 1.500 – 4000m2. Diện tích mở rộng đã thuận lợi cho đầu tư thâm canh. Các hộ đưa máy cày, bừa, máy tuốt ra tận chân ruộng, góp phần giảm chi phí công lao động, năng xuất lúa, cây màu tăng từ 10 – 15%. Giờ đây, đồng đất Vĩnh Đồng quanh năm không ngơi nghỉ. Cùng với ruộng 2 vụ lúa xã đã đưa vụ đông vào vụ sản xuất chính với các loại cây màu có giá trị hàng hóa như khoai tây, ngô đông, rau đậu các loại. Nhờ đó, hệ số sử dụng đất được tăng lên đáng kể, đưa mức tăng trưởng kinh tế của xã từ năm 2006 đến nay luôn đạt từ 11 – 14%/năm. Và cái được quan trọng hơn cả chính là qua thực hiện “dồn điền đổi thửa” cán bộ, đảng viên Vĩnh Đồng thêm gần gũi, tận tụy với dân. Mỗi người dân đã phát huy quyền làm chủ của mình trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc đời mới.

 

Hôm nay, mỗi độ xuân về cũng là lúc đồng đất xã Bắc Sơn nảy nở mầm xanh nhựa sống mới. Một vùng quê từng được xem là nghèo nhất huyện thì nay lại là điểm sáng về phát triển kinh tế với những cánh đồng cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Đến Bắc Sơn, may mắn được gặp gỡ, trò chuyện cùng một số cán bộ xã mới biết: Ngày trước, nơi đây là xã thuần nông nghèo nhưng sau khi thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã “về xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao” Bắc Sơn đã nở rộ phong trào đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế xuống đồng ruộng. Từ đó, ngoài cây lúa, cây ngô người dân trong xã biết thêm các loại cây mướp đắng, bí đỏ, dưa leo, mồng tơi lấy hạt… Toàn xã đã có trên 10 ha ruộng cho thu nhập từ 80 triệu đồng trở lên/1ha/năm và hàng trăm gia đình có những thửa ruộng cho thu nhập cao. Theo đó, thu nhập bình quân toàn xã tăng lên gần 9 triệu đồng/người/năm. Điều đáng nói là mô hình kinh tế của xã Bắc Sơn đã nhanh chóng lan tỏa ra nhiều xã trong huyện như Nật Sơn, Hùng Tiến, Bình Sơn, Đú Sáng…Cũng vì thế đã tô thắm bức tranh kinh tế nông nghiệp của huyện thêm đa dạng, phong phú.

 

Hiện, cơ cấu kinh tế của nông nghiệp Kim Bôi đang có bước dịch chuyển đáng kể. Đó là cơ cấu giống lúa lai, ngô lai đã được gieo trồng phổ biến. Là những vụ gối vụ với các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây lương thực và các loại rau, đậu không chỉ cung cấp thị trường trong huyện mà đang từng bước chiếm lĩnh thị trường các huyện, thành phố trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, từ phong trào “4 giải phóng” gồm: giải phóng ruộng một vụ, vườn tạp, đất trống đồi núi trọc và giải phóng cây, con giống không cho năng xuất cao, nông nghiệp của Kim Bôi đã theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ đó, giúp người dân năng động, tự chủ hơn trong nền kinh tế thị trường. Nỗ lực lao động sản xuất, bám đát, bám ruộng, năm 2009, toàn huyện đã có tổng diện tích gieo trồng trên 17.600 ha, sản lượng cây có hạt đạt 50.167 tấn. Qua đó, bình quân lương thực đạt 468 kg/người/năm.

 

Song song với trồng trọt, chăn nuôi cũng được các xã, thị trấn xác định là thế mạnh của địa phương. Phần lớn các hộ gia đình đã chủ động học hỏi, áp dụng quy trình kỹ thuật vào chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro trong chăn nuôi. Vì vậy, toàn huyện đã phát triển được đàn gia súc gần 31.600 con, đàn lợn trên 67.300 con và đàn gia cầm 855.000 con. Chăn nuôi phát triển đã góp phần giải quyết vấn đề chi tiêu hàng ngày cho các gia đình và nâng bình quân thu nhập lên khoảng 7,6 triệu đồng/người/năm.

 

Hôm nay, tuy chưa có nhiều cơ hội và điều kiện để phát triển mạnh nhưng các ngành nghề CN – TTCN, du lịch, dịch vụ của Kim Bôi đã có sự khởi sắc. Năm 2009, giá trị sản xuất TTCN của huyện đạt 85.680 triệu đồng, tăng 13.6% so với cùng kỳ năm 2008, đã giải quyết việc làm cho hơn 2000 lao động trên địa bàn. Bên cạnh đó, toàn huyện có 23 cơ sở kinh doanh du lịch, thu hút được 93.836 lượt khách, trong đó có 637 lượt khách quốc tế đến thăm quan, thưởng thức các vẻ đẹp được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Năm qua, doanh thu từ du lịch của huyện đạt 18.767 triệu đồng.

 

Mặc dù nền kinh tế của Kim Bôi đang có bước phát triển theo hướng CNH – HĐN nhưng điều đáng quí ở nơi đây chính là đại bộ phận người dân vẫn coi trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Toàn huyện hiện có 153 đội văn nghệ quần chúng và hầu hết các xóm, bản, chi hội đoàn thể ở cơ sở đều có đội văn nghệ. Họ chính là những con người mang về niềm vui rộn rã, sự tươi trẻ trong cuộc sống thường nhật qua những điệu cồng chiêng trầm bổng, tiếng sáo véo von, những điệu múa, lời ca ngọt ngào ca ngợi xóm bản, quê hương, tình yêu đôi lứa cũng như thể hiện niềm tin son sắt với Đảng, Bác Hồ.

 

Niềm tự hào của em về vùng quê thân thương cũng sẽ luôn là niềm vui, nỗi nhớ của tôi. Vẫn biết rằng, giờ đây Kim Bôi chưa hẳn đã hết khó khăn, nhưng bản chất chịu thương, chịu khó sẽ chắp thêm đôi cánh để người dân Mường Động vững tin vào cuộc sống, để rồi những ngày xuân mới gái trai Mường Động lại được tay nắm tay đắm mình trong hội tung còn, trong những bản nhạc cồng chiêng vọng vang bản làng và men rượu cần vương vấn lòng ai.

 

                                                                                    Hoàng Dương

 

Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục