Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 19-3. Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận định, 26 đại biểu đã nêu hơn 40 câu hỏi chất vấn, tập trung những vấn đề bức xúc nhất mà xã hội đang quan tâm.

Giá cả, công nợ đều trong tầm kiểm soát

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã báo cáo về công tác điều hành giá cả đối với một số mặt hàng, các giải pháp bình ổn giá thời gian qua. Ông khẳng định, thực hiện Nghị quyết của QH, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp ổn định giá cả, đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra thiếu hàng, coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhờ vậy, chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng ở mức hợp lý.

Việc điều chỉnh giá điện từ 1-3-2010 dự kiến làm tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,16% và tác động đến giá thành một số sản phẩm sử dụng nhiều điện từ 0,09% - 2,28%, tùy từng ngành. “Giá điện chỉ tăng một lần trong năm 2010 và năm tới không điều chỉnh nữa” - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết. Việc điều chỉnh giá than được ông coi là “chỉ tác động đến giá điện, không tác động trực tiếp đến giá các mặt hàng khác”. Về giá xăng dầu, ông nhấn mạnh, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện giảm giá bán kịp thời khi giá trên thị trường thế giới giảm. Bên cạnh đó, từ nay đến hết tháng 6-2010, DN cần giãn thời gian giữa các lần điều chỉnh.

Ông Vũ Văn Ninh cũng cho rằng, hiện chưa có cơ sở để lo ngại DN xăng dầu “vừa độc quyền vừa được quyết định giá bán”.  ĐB Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH, đề nghị hai Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Công thương giải đáp: “Kiểm toán Nhà nước vừa phát hiện là định mức thất thoát cho phép trong kinh doanh xăng dầu (được tính vào giá thành, người tiêu dùng phải chịu) không thay đổi từ năm 1986 đến nay, trong khi công nghệ, kỹ thuật đã thay đổi và chắc chắn tỷ lệ thất thoát đã được hạ thấp xuống rất nhiều. Bộ Công thương, Bộ Tài chính có biết và giải quyết bất hợp lý này?”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng công nhận tỷ lệ thất thoát chắc chắn giảm. Tuy nhiên, định mức tiêu hao xăng dầu và tỷ lệ thất thoát cho phép không phải do Bộ Công thương mà do Bộ KH-ĐT ban hành. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đã yêu cầu 3 bộ có liên quan kiểm tra, xử lý vấn đề này.

Vẫn theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, các chỉ tiêu tài chính vĩ mô khác đều trong ngưỡng an toàn. Bộ Tài chính đã tìm cách khai thác những nguồn vốn khác (đơn cử như tiền bảo hiểm xã hội nhàn rỗi, vốn vay ODA...).

Tiếp tục củng cố Jetstar Pacific Airways

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: “...Nếu giải quyết được khoản thua lỗ và tiếp tục được tăng cường trang bị phương tiện, Jetstar Pacific Airways vẫn phát triển được”.

“Lẽ ra công ty này đã phải phá sản, nhưng chúng ta đã cứu, đã vực dậy. Bây giờ cần có thời gian để Jetstar Pacific Airways (JPA) phục hồi” - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích về quyết định “bơm vốn” để duy trì hoạt động của JPA (đang thua lỗ triền miên) như vậy.

Chưa hài lòng với giải thích này, các ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), ĐB Lê Quang Bình (Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh của QH) vặn lại: “Tại sao thấy JPA lẽ ra phải phá sản, mà ta lại không làm, kéo dài sự thua lỗ lên đến hàng chục năm? Trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ trưởng như thế nào”?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đáp: “Đúng là năm 2005, lẽ ra DN này đã bị giải thể. Nhưng qua đàm phán với đối tác, thấy DN vẫn có giá trị, có khả năng phát triển và Hãng hàng không Qantas (Australia) đã chấp nhận mua lại gần 30% cổ phần để tái cơ cấu. Nếu không có sai lầm trong việc thực hiện nghiệp vụ hedging xăng dầu vừa qua, số lỗ không lớn đến như vậy vì cũng có những thời điểm DN lãi. Tôi cho rằng nếu giải quyết được khoản thua lỗ và tiếp tục được tăng cường trang bị phương tiện, DN này vẫn phát triển được”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: “Tôi đã gặp và làm việc với Tổng giám đốc JPA toàn cầu và chỉ đạo SCIC phối hợp với các cổ đông khác xây dựng và tổ chức thực hiện phương án củng cố hoạt động và tình hình tài chính của JPA”. 

Sẽ rà soát quy chuẩn an toàn ngành xây dựng

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: “...Một nguyên nhân quan trọng làm tăng tỷ lệ tai nạn lao động gây chết người xảy ra tại các công trình dân dụng, công nghiệp và giao thông là số lượng các công trình xây dựng, quy mô các công trình xây dựng tăng lên, lực lượng lao động cũng tăng”.

4 nhóm vấn đề được Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải trình trong phiên họp UBTVQH bao gồm, trách nhiệm trực tiếp và phối hợp của bộ này về bảo đảm an toàn lao động trong xây dựng; hiệu quả công tác xây dựng nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp; biện pháp quản lý nhà nước nhằm bảo đảm trật tự, an toàn cho các khu chung cư, khu đô thị mới; tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng.

Theo ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), trong 5 năm gần đây, các vụ tai nạn lao động gây chết người xảy ra tại các công trình dân dụng, công nghiệp và giao thông chiếm tỷ lệ cao nhất, đặc biệt năm 2009 lên tới 51,11%. Nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ Xây dựng và của Bộ trưởng như thế nào? Đâu là giải pháp? Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, một nguyên nhân quan trọng là quy mô, số lượng các công trình xây dựng, quy mô các công trình xây dựng tăng lên, lực lượng lao động cũng tăng.

Về phần mình, Bộ Xây dựng đã cố gắng xây dựng, ban hành trên 1.250 tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành nhằm đảm bảo an toàn cho công trình, an toàn cho người lao động và người sử dụng trong quá trình thi công xây dựng và vận hành... Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nhận định, có thể có những lĩnh vực, quy trình kỹ thuật, công nghệ mới mà các văn bản hiện hành chưa “quét” tới. Bộ sẽ rà soát để bổ sung và thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát. Ông đề nghị các nhà lập pháp nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm khi xảy ra tai nạn, bởi trên thực tế đa số các vụ tai nạn lao động xảy ra chỉ có thể xử lý hành chính, không đưa ra được những phán quyết nghiêm khắc, đủ sức răn đe.

Tham dự phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: “Để xảy ra tai nạn lao động chết người chủ yếu là do lỗi của người sử dụng lao động (75%), nhưng ngay cả các trường hợp còn lại, suy cho cùng cũng là do chủ sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo hộ đầy đủ, không tập huấn kỹ càng cho người lao động”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ trăn trở của ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) về hiệu quả thấp của các chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp. Ông nhìn nhận: “Vấn đề này được quy định trong Luật Nhà ở 2005, có hiệu lực từ 2006, nhưng chưa thực sự vào cuộc sống. Tuy nhiên, Nhà nước không thể bao cấp về nhà ở cho người dân, nhất là ở đô thị thì không thể phát cho mỗi hộ vài triệu đồng hay mấy chục mét fibro xi măng, mà phải tăng cường huy động nguồn lực từ xã hội. Muốn vậy thì sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương về đất đai, tín dụng, thủ tục... đối với DN xây dựng nhà ở xã hội là rất quan trọng”.

Luật “bó tay” tòa?

 

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình: “...Cần sửa đổi quy định của Luật Đất đai 2003 và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cho phù hợp với Luật Khiếu nại tố cáo”.

Theo báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, thời gian gần đây, các tranh chấp đất đai do tòa án giải quyết tăng về số lượng và phức tạp hơn về tính chất. Trong đó, tỷ lệ tranh chấp về đất cho mượn, lấn đất, chiếm đất nhiều nhất, khoảng 50% số vụ án; tiếp đến là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Năm 2009, số lượng bản án, quyết định về tranh chấp đất đai bị Tòa Phúc thẩm hủy 4%, sửa 7,5%.

Ông kiến nghị với QH và UBTVQH sửa đổi quy định của Luật Đất đai 2003 và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (nội dung xác định quyền khởi kiện vụ án hành chính) cho phù hợp với Luật Khiếu nại tố cáo. Sửa đổi, quy định về việc giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, cơ chế giải quyết khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm...

Đặc biệt, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ thụ lý, giải quyết các vụ án, cần có quy định chặt chẽ và chế tài cụ thể đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp cung cấp tài liệu, chứng cứ, thực hiện các yêu cầu giám định, định giá và các yêu cầu khác của tòa án liên quan đến hoạt động tố tụng.

 

                                                                      Theo SGGP

Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục