Đại tá Hoàng Đạo (Tư Sắc) tên thật Võ Văn Bính.

Đại tá Hoàng Đạo (Tư Sắc) tên thật Võ Văn Bính.

Sau gần một tuần tiếp chuyện đại tá Hoàng Đạo (Tư Sắc) tên thật Võ Văn Bính - nguyên Trưởng ban Điệp báo chiến dịch - Cục 2 Quân báo - Bộ tham mưu miền mới có dịp kể cho chúng tôi về những tháng ngày hoạt động giữa Sài Gòn trước năm 1975 của ông.

 

Hiện ông là chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống vũ trang TPHCM - Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Trong lòng địch

Để thu thập thông tin tình báo về quân đội Mỹ - ngụy, ông Hoàng Đạo bí mật cài hàng chục điệp báo viên chiến dịch vào hoạt động trong Bộ Tổng tư lệnh Hải quân, Tổng nha Cảnh sát, Đài phát thanh... của chính quyền ngụy. Nhiều thông tin quan trọng của ông và mạng lưới điệp báo chuyển kịp thời cho Bộ Tổng tham mưu miền, góp phần vào chiến thắng mùa xuân 1975 và thống nhất đất nước.

Sinh năm 1929 tại Quảng Trị, năm 1945 Võ Văn Bính gia nhập quân đội. Bính được phân công vào lực lượng quân báo và chuyển sang Hạ Lào hoạt động. Ông Hoàng Đạo kể: “Để giữ bí mật, từ khi chuyển sang lực lượng quân báo tôi đổi tên trong giấy tờ là Hoàng Đạo và bí danh Tư Sắc”.
 
Hoạt động bí mật tại Hạ Lào đến năm 1955, vào Sài Gòn làm Trưởng ban Điệp báo chiến dịch thuộc Bộ Tổng tham mưu miền. Nhận được lệnh quay về Việt Nam để vào Sài Gòn hoạt động, ông Đạo phải đóng giả là nông dân xin làm việc tại trang trại trên Buôn Ma Thuột. Ông Đạo kể: “Năm 1959, tôi quay lại Sài Gòn với giấy tờ giả tên Nguyễn Xa. Để hợp pháp hóa giấy tờ, tôi đã móc nối và làm quen được với tên Cảnh sát trưởng quận 7.

Sau nhiều lần qua lại nhà tên cảnh sát trưởng, tôi có mang biếu hắn 1kg thuốc phiện và ngỏ lời nhờ hắn giúp làm giấy căn cước. Tên này nhận lời liền”. Từ khi có giấy tờ thật, ông Đạo mở một xưởng sản xuất, sửa chữa thiết bị vô tuyến điện trên đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng 8). Với vỏ bọc là ông chủ DN, có mối quan hệ mật thiết với nhiều sĩ quan, cảnh sát nên ông Đạo có thể vào ra cả những nơi như Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân... dễ dàng.

Biết được một nhân viên trong đài phát thanh quê ở Huế có bốn cậu ruột là Thiếu tướng Tôn Thất Đính, Thiếu tướng Tôn Thất Tướng, Thiếu tướng Tôn Thất Sứng và một người nữa làm trưởng ty cảnh sát, ông đã làm quen và mời được anh này về cộng tác. Sau đó, ông ra Huế mời bà mẹ của nhân viên này vào Sài Gòn ở.

Khi bà mẹ của nhân viên này tên là Công Tằng Tôn Nữ Thị Đề vào Sài Gòn, ông Đạo liền nhập hộ khẩu cho bà vào ở ngay xưởng trên đường Lê Văn Duyệt. Từ khi bà Đề về sống tại xưởng sản xuất của ông Đạo, thỉnh thoảng những sĩ quan em bà có ghé lại chơi. Trong những dịp này, ông Đạo thường tổ chức liên hoan ăn nhậu với những viên sĩ quan này. Thông qua những sĩ quan cấp tướng em bà Đề nên ông Đạo tiếp tục làm quen được với nhiều sĩ quan quân đội và cảnh sát khác; trong đó, có viên trung tá Phó Tỉnh trưởng tỉnh Bình Long.

Từ sự quen biết và qua lại mật thiết với những sĩ quan và cảnh sát ngụy, nên nhiều thông tin có giá trị như chuyển quân, tăng quân... cho các chiến dịch chiến tranh cục bộ lần 1, lần 2 với tên gọi chiến dịch mùa khô 1965 - 1967 của Mỹ - ngụy đều được ông Đạo biết trước và gửi về Bộ Tham mưu miền kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Thân (Mười Thân) - một đồng đội của ông Đạo, từng hoạt động trong Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy - kể: “Nguyên tắc hoạt động của điệp báo viên là không được biết nhau, khi cần liên lạc với ai, ông Hoàng Đạo sẽ trực tiếp đến gặp người đó.

Thỉnh thoảng, ông Đạo mới cử người liên lạc của ông đi thay. Chính vì vậy, mạng lưới điệp báo viên chiến trường thuộc Ban Điệp báo chiến dịch (Liên cụm điệp báo chiến dịch A54) do ông Đạo quản lý cả trăm người hoạt động tại Thanh tra học chính - tỉnh Bình Long, Đồn biên phòng Tây Ninh, đại lý đo đạc bản đồ thành phố... và rộng khắp các tỉnh, thành miền Nam, nhưng sau này tôi mới được biết”.

Làm đám giỗ đốt tài liệu

Chiến dịch mang tên Staley - Talor của Mỹ - ngụy nhằm mục đích bình định miền Nam trong vòng 16 tháng từ 1955 - 1956 bị thất bại. Lúc này Mỹ - ngụy chuyển chiến dịch sang thực hiện lâu dài. Chính vì vậy, ông Đạo được lệnh phải thu thập thông tin và diễn biến mới về chiến dịnh, báo cáo về Bộ Tham mưu miền.

Ông Đạo kể: “Qua mối quen biết mật thiết trong lực lượng sĩ quan ngụy, tôi đã thu thập được khá nhiều thông tin quan trọng gửi về Bộ Tham mưu. Nhưng để chắc ăn, tôi còn bỏ tiền ra mời viên trung tá Tỉnh phó Bình Long và gia đình người này đi du lịch trên Đà Lạt một tuần để khai thác thêm thông tin. Trong chuyến đi này, tôi gợi ý khéo và được viên trung tá tiết lộ nhiều thông tin mật về chiến dịch Staley - Talor”.

Sau chuyến đi Đà Lạt về, ông Đạo đã gặp ông Năm Miên - một đồng đội hoạt động trước năm 1945, cùng nghiên cứu và chuyển thông tin qua đường điện tín ra Bộ Tham mưu miền. “Hồi còn trẻ, trí nhớ của tôi không thua gì một ổ đĩa cứng của máy vi tính. Toàn bộ những thông tin khai thác được về chiến dịch Staley - Talor được tôi ghi nhớ hết trong đầu”- ông Đạo kể.
 
Sau đó ông Đạo còn mua một cuốn truyện tình cảm dày 500 trang, chép những thông tin quan trọng thu thập được xen kẽ vào những dòng chữ đã có sẵn. Theo ông Đạo, toàn bộ báo cáo của ông về chiến dịch Staley - Talor được chép hơn 100 trang sách. Mực viết là một loại hóa chất đặc biệt, mắt thường không nhìn thấy nên những thông tin phải được ghi  lại chính xác và chuẩn 100%, nếu viết sai sẽ không có cơ hội sửa lại.

Những thông tin báo cáo vừa được ông Đạo chép xong vào cuốn sách, đang chuẩn bị được gửi về căn cứ thì ông phát hiện có dấu hiệu bị lộ. Ông Đạo nói: “Những ngày này, bọn mật vụ đàn em của Trần Kim Tuyến theo dõi từng cử chỉ của tôi, khi có dấu hiệu khả nghi là chúng bắt liền”. Do ông Đạo có mối quan hệ mật thiết với đám tướng tá em của bà Đề nên mật vụ chưa dám bắt, khi chưa có bằng chứng. Để giữ bí mật, ông Đạo quyết định hủy tài liệu.
 
Ông Đạo nhờ bà Đề tổ chức một đám giỗ giả và mời những sĩ quan ngụy quen biết lại ăn nhậu. Lợi dụng trong lúc đốt vàng mã, ông Đạo đốt luôn tài liệu. Sau khi đốt tài liệu xong, ông Đạo thoát qua cửa sau trốn ra bến xe Pétrus Ký (Lê Hồng Phong) định về căn cứ tại Bình Thuận. Nhưng vừa tới bến xe, ông bị mật vụ bắt. Ông Đạo nói: “Tôi bị bắt là do có một tên chiêu hồi khai ra. Hắn khai đã gặp tôi đeo quân hàm trung tá tại chiến khu. Nhưng từ lúc bị bắt đến khi được trả tự do tôi chỉ nhận mình là chủ doanh nghiệp, không hề biết trung tá nào hết”.

Sau khi giam cầm, tra tấn bằng nhiều thủ đoạn và chuyển ông Đạo từ nhà tù Sở mật vụ qua nhà tù Phú Lợi, Tam Hiệp, Tổng nha Cảnh sát và chuồng cọp bảy hầm P42 tại Sở Thú Sài Gòn từ tháng 10.1962 - 10.1964 không khai thác được gì, kẻ thù phải trả tự do cho ông.

Sau khi ra tù, ông Đạo vẫn tiếp tục hoạt động bí mật tại Sài Gòn. Đến chiến dịch Tết Mậu Thân - 1968, ông Đạo và một số sĩ quan điệp báo viên khác được lệnh trực tiếp dẫn đường và cùng phối hợp với Tiểu đoàn 2 Quyết thắng do Tiểu đoàn trưởng Ba Vinh chỉ huy, hành quân bí mật từ Tây Ninh qua Hóc Môn, Gò Vấp vào Sài Gòn đánh chiếm được Bộ Tổng tham mưu ngụy và nhà riêng Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Liêm trong gần một tuần.

Sau chiến dịch 1968, ông Đạo về chiến khu ở Tây Ninh và giữ chức Thanh tra quân ủy, đến 1973 chuyển ra Hà Nội làm Đoàn trưởng Đoàn Đặc công số I. Trong chiến dịch mùa xuân 1975, Đoàn Đặc công số I do ông Đạo chỉ huy tham gia giải phóng một số tỉnh miền Trung và thành phố Đà Nẵng.

 

                                                                                 Theo BLĐ

Các tin khác


Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được hệ thống chính trị các cấp của tỉnh chú trọng thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục