Ông Nguyễn Mỹ Quẩn (bên trái) chia sẻ niềm vui, tự hào đối với đồng đội trong thời gian ông ở chiến khu Việt Bắc

Ông Nguyễn Mỹ Quẩn (bên trái) chia sẻ niềm vui, tự hào đối với đồng đội trong thời gian ông ở chiến khu Việt Bắc

(HBĐT) - Thời gian có thể phai mờ kỷ niệm. Nhiều người cũng có thể đã lãng quên một thế hệ TNXP đơn vị Cù Chính Lan được Đoàn Thanh niên cứu quốc Liên khu ba lựu chọn đi công tác đặc biệt ở T. Ư. Nhưng với ông, cựu TNXP Nguyễn Mỹ Quẩn, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình lại không thể nào quên những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, được phục vụ Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị, bởi ông đã xem đó là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của mình.

 

Cả cuộc đời phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, năm nay, ở tuổi 83, ông vẫn còn mạnh khoẻ, minh mẫn lắm và vẫn sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ mà Đảng giao phó, đó là UVTV Hội Cựu TNXP tỉnh. Hôm nay, ngồi nghe ông kể lại những kỷ niệm xưa, chúng tôi như thấy ông trẻ lại cùng với niềm vui và lòng tự hào. Đó là vào đầu năm 1953, trước yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đoàn Thanh niên cứu quốc liên khu 3 phân bổ cho Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Hoà Bình tuyển dụng một số TNXP đi công tác đặc biệt ở T. Ư với yêu cầu là thành phần thanh niên nghèo khổ, gương mẫu ở cơ sở. Ngày đó, Nguyễn Mỹ Quẩn là một trong 50 người được tuyển chọn từ đội TNXP Cù Chính Lan và một số cơ quan, đơn vị của tỉnh đi công tác đặc biệt cùng lời nhắn  gửi “phục vụ đến khi nào kháng chiến thành công mới về”.

 

Sau thời gian ngắn huấn luyện, học tập, Nguyễn Mỹ Quẩn cùng đoàn công tác được điều động lên Tuyên Quang. Người đầu tiên đoàn gặp là đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác và cũng là Đoàn trưởng phụ trách TNXP. Được căn dặn: “TNXP lên công tác đặc biệt là phải xung phong làm mọi việc, bất cứ việc khó hay dễ, cần sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, cho nhân dân…”. Mặc dù chưa được cho biết công việc sẽ phải làm, nhưng mang theo khát vọng tuổi trẻ, lòng yêu Đảng, kính Bác và được giáo dục truyền thống cách mạng sau mỗi lần đoàn hành quân dừng chân tại các di tích lịch sử, Nguyễn Mỹ Quẩn cùng đoàn TNXP mới dần hiểu được vào khu căn cứ cách mạng là niềm vinh dự lớn lao mà không phải ai cũng được đảm nhận. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, chàng trai dân tộc Mường đã nỗ lực học tập, huấn luyện để ngày càng trưởng thành về bản lĩnh chính trị và thực hiện tốt nhiệm vụ  sẵn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ cách mạng khi cần thiết, làm công tác phục vụ cũng như tiếp phẩm cho cơ quan T. Ư Đảng, Chính phủ trong vùng căn cứ.

 

Do luôn có ý thức học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tháng 11/1953, Nguyễn Mỹ Quẩn là một trong 2 đồng chí được chọn đến phục vụ Hội nghị thảo luận và thông qua kế hoạch tác chiến mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị về dự họp. Đây là hội nghị cuối cùng có tính chất kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông bùi ngùi tâm sự: Lần đầu tiên được gặp Bác lòng cứ lâng lâng hạnh phúc vì hình ảnh của Bác lúc nào cũng ở trong tim nay lại được trực tiếp trông thấy Bác. Tại hội nghị, Bác đã giành thời gian thăm hỏi, chuyện trò, tặng quà cho các đại biểu và thanh niên. Cầm trên tay điếu thuốc, cái kẹo Bác cho, tôi xúc động nghẹn ngào thấy tình cảm của Bác thật bao la, bao giờ cũng quan tâm đến tất cả mọi người và giành sự ưu ái cho TNXP. Sau đó một thời gian, tôi lại vinh dự được cử sang phục vụ Bác và các đồng chí lãnh đạo tại một hội nghị của Quốc hội. Ở đâu cũng thấy Bác giành tình cảm trìu mến cho lực lượng TNXP. Cứ mỗi tuần Bác lại xuống nhà bếp xem các cháu làm việc, ăn ngủ thế nào. Thấy các cháu ăn rơi vãi, Bác trực tiếp quét dọn lại và nhắc nhở ý thức tiết kiệm, biết quí trọng mồ hôi, công sức của người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo. Từ đó TNXP càng thêm kính trọng Bác và học hỏi được bài học về ý thức tiết kiệm.

 

Kỷ niệm và cũng là tài sản tinh thần vô giá nhất đối với chàng trai Nguyễn Mỹ Quẩn trong suốt thời gian đi TNXP, đó là vào một buổi tối thứ 7 đẹp trời, anh cùng với người bạn tên Sen ở Lạng Sơn đang ngồi thổi sáo, đàn hát thì Bác Hồ đi qua. Thấy các cháu văn nghệ vui vẻ, Bác thân mật lại gần, xoa đầu hỏi tên từng người. Giọng run run anh thưa: “Thưa Bác, cháu tên là Nguyễn Mỹ Quẩn, người dân tộc Mường, ở Hoà Bình ạ”. Bác cười tươi, vui vẻ nói đùa: “Nguyễn cùng họ với Bác, Mỹ thì rất đẹp nhưng Quẩn thì chỉ quẩn quanh thôi. Bác đặt tên cho cháu là Tiến nhé. Dân tộc Mường ở Hoà Bình có câu: Cơm đồ nhà, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới đúng không?”. Bất ngờ, lúng túng trước cuộc gặp gỡ và những lời Bác nói, Nguyễn Mỹ Quẩn chỉ biết đáp lời “Vâng ạ!” và từ đó anh có thêm tên gọi là Tiến mà Bác Hồ đã đặt cho.

 

Mặc dù những lần trực tiếp được gặp Bác Hồ rất ngắn ngủi nhưng hình ảnh của Bác thật sâu đậm. Trong khi làm việc Bác rất nghiêm khắc, những lúc nghỉ ngơi Bác lại hòa đồng với tất cả mọi người. Trong thời gian ở chiến khu, Nguyễn Mỹ Quẩn đã được nâng cao ý thức chính trị, con đường cách mạng sáng ngời của dân tộc và học ở Bác tác phong quần chúng, lề lối làm việc nghiêm túc, ý thức tiết kiệm, tinh thần đoàn kết và lời Bác dạy: “ Cây sống lâu nhất ở đời là cây “đức” như ngọn đuốc soi sáng con đường học tập, công tác và trong cuộc sống của người TNXP năm xưa.

 

Đặc biệt, kỷ vật Bác tặng là chiếc khăn quàng đỏ khi đoàn quân về tiếp quản Thủ đô đầu năm 1954 đã được ông giữ gìn cẩn thận trong suốt 23 năm, cho đến khi người con gái đầu lòng được kết nạp vào Đội, ông đã trực tiếp quàng khăn lên cổ con với lời căn dặn: “Khi quàng chiếc khăn quàng đỏ này thì con phải nhớ và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng”. Tự hào về truyền thống của gia đình, hôm nay, những người con của ông đều đã trưởng thành theo mong muốn và nguyện vọng của người cha già luôn luôn khắc sâu hình ảnh, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong suốt cả cuộc đời.

 

                                                                                        Hoàng Nga

 

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục