Người khuyết tật chẻ tăm, có thu nhập tại Trung tâm dạy nghề tư thực Long Thành

Người khuyết tật chẻ tăm, có thu nhập tại Trung tâm dạy nghề tư thực Long Thành

(HBĐT) - Tỉnh ta hiện có trên 15.000 người khuyết tật. Phần lớn họ thuộc hộ nghèo và phải sống dựa vào gia đình, người thân. Đến nay, toàn tỉnh mới có 3 cơ sở dạy nghề riêng cho người khuyết tật với quy mô nhỏ và đều thuộc tư nhân. Số người được đào tạo, dạy nghề và có việc làm còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Điều đó cho thấy, vấn đề sinh kế cho người khuyết tật vẫn là một bài toán khó.

 

Trung tâm dạy nghề tư thục Long Thành có trụ sở tại phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) chuyên đào tạo nghề cho người khuyết tật được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003. Trong 7 năm qua, Trung tâm đã đào tạo nghề may, mộc cho hơn 600 người khuyết tật. Sau khi học, hầu hết họ đều tự tạo được việc làm và nuôi sống bản thân hoặc ở lại làm việc tại Trung tâm.

 

Tại huyện Lương Sơn và Lạc Sơn có 2 trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người mù với những nghề như chẻ tăm, làm đũa. Từ năm 2009, tỉnh ta đã thực hiện chính sách dạy nghề cho người khuyết tật tại các cơ sở và Trung tâm dạy nghề các huyện. Qua đó đã có trên 1.200 người khuyết tật được học các nghề phù hợp với mức thu nhập trung bình từ 300.000 – 800.000 đồng/tháng. Trên thực tế, việc làm cho người khuyết tật vẫn chủ yếu được tạo ra từ các cơ sở dành riêng cho họ và còn trên 8.000 người có nhu cầu học nghề, tạo việc làm mà chưa có cơ hội. Đây thực sự là một nhu cầu lớn, một bài toán khó đặt ra cho các cơ quan chức năng. Trong khi đó, pháp lệnh về người khuyết tật quy định các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải nhận từ 2 – 3% lao động là người khuyết tật vào làm việc tuỳ theo từng loại hình doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không nhận đủ tỷ lệ người khuyết tật vào làm việc phải đóng một khoản tiền vào quỹ việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, quy định này đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ông Nguyễn Văn Chung, UVTT Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật gặp nhiều khó khăn, nhất là việc lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp để kết thúc khoá học có thể tìm được việc làm. Các cơ sở, trung tâm dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Người khuyết tật có những đặc điểm riêng, nhưng tại các Trung tâm dạy nghề ở các huyện chưa có giáo viên giảng dạy chuyên biệt, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, nhiều người khuyết tật còn tâm lý tự ti, e ngại khoảng cách địa lý, trong khi đó định kiến xã hội cũng là rào cản lớn đến việc học nghề, tìm việc làm của họ. Anh Bùi Văn Quý, quê ở xã Phú Lương (Lạc Sơn) bị nhiễm chất độc da cam, bẩm sinh bị cụt một chân. Trước khi được nhận vào học và làm việc tại Trung tâm dạy nghề tư thục Long Thành, anh luôn bị mọi người coi thường, học hành cũng không đến nơi đến chốn. Anh tâm sự: Tôi chỉ làm việc lặt vặt ở nhà, cuộc sống khó khăn, tâm lý nặng nề. Rất may được Trung tâm nhận vào cho học nghề. Bây giờ anh không chỉ biết may giỏi mà còn là nhân viên bảo vệ tích cực. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội tìm được việc làm như anh. Trên khắp các miền quê trong tỉnh vẫn còn hàng vạn người khuyết tật mong mỏi được học nghề, có việc làm để nuôi sống bản thân, không còn mang gánh nặng ăn bám vào người khác.

 

Để tạo điều kiện cho người khuyết tật được học nghề, có việc làm, theo ông Nguyễn Văn Chung, cần có sự quan tâm phối hợp có hiệu quả của các ngành hữu quan và toàn xã hội. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về lĩnh vực khuyết tật, đặc biệt là vấn đề việc làm cho họ. Cần xoá bỏ tư tưởng của một số người cho rằng, việc làm cho người lành còn thiếu huống chi là người khuyết tật. Bởi vấn đề việc làm là một tồn tại ở bất cứ xã hội nào. Nếu nói như vậy thì người khuyết tật không bao giờ có cơ hội vươn lên mà suốt đời phải sống phụ thuộc vào người khác. Điều quan trọng nhất là các huyện, thành phố tạo điều kiện để người khuyết tật tìm được việc làm tại chỗ. Trung tâm dạy nghề của các huyện dạy những nghề phù hợp với năng lực của từng nhóm khuyết tật. Bản thân người khuyết tật cần mạnh dạn, có ý chí vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Bà Đào Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục Long Thành cho rằng, dạy nghề cho người khuyết tật không chỉ cần phương pháp phù hợp mà còn cần sự đồng cảm giữa thầy và trò, từ đó dần dần, kiên trì hướng họ vào nghề. Người khuyết tật rất dễ bị tổn thương, chỉ cần lời nói vô tình của giáo viên cũng làm họ buồn chán, mất tự tin, hiệu quả dạy nghề sẽ không cao, dẫn đến không thể làm được việc mặc dù đã học xong. Trung tâm luôn phấn đấu là nơi gửi gắm niềm tin của người khuyết tật trong tỉnh. Dự kiến, trung tâm sẽ mở rộng quy mô, diện tích thêm gần 1 ha với số vốn phê duyệt là 30 tỉ đồng để xây dựng phòng học, xưởng sản xuất giành riêng cho người khuyết tật. Nếu dự án thành công sẽ tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho khoảng 300 người khuyết tật và dạy nghề cho nhiều đối tượng tàn tật khác với những ngành nghề phù hợp với khả năng của từng người như may, mộc, điện lạnh, mây tre đan, che tăm...

 

                                                                                             Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục