Đại biểu Quốc hội chất vấn các
thành viên Chính phủ

Đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

Ngày 11-6, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII bước sang ngày làm việc thứ 19. Tại Hội trường, với sự điều khiển của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, QH tiếp tục nghe các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu QH.

 

Ðầu tư cho lĩnh vực "tam nông"


Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, QH đã nghe Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Ðức Phát trình bày báo cáo tổng hợp những vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm tại kỳ họp này có liên quan tới trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ NNPTNT.


Các đại biểu: Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng), Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long), Nguyễn Ðức Hiền (Quảng Ngãi), Huỳnh Thị Hoài Thu (Ðồng Tháp), Danh Út (Kiên Giang)... quan tâm quá trình triển khai Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bộ trưởng Cao Ðức Phát trả lời: Vừa qua, Chính phủ đã kiểm điểm một năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 và đã có Nghị quyết tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ các đề án trong chương trình hành động của Chính phủ, đồng thời ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, đề án cấp bách, phấn đấu đến năm 2015 có 20%, đến năm 2020 có 50% xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Trong năm 2010, tập trung chỉ đạo các xã đánh giá tình hình, lập Ðề án xây dựng nông thôn mới; xây dựng quy hoạch, để làm cơ sở thực hiện trong những năm tiếp theo. Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục bám sát chương trình hành động của Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả những chủ trương lớn này.


Về vấn đề làm sao cho bà con nông dân bảo đảm có lãi hơn 30% so với giá thành sản xuất lúa, Bộ trưởng NNPTNT nêu rõ, Bộ đang tiếp tục cùng với các bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiêm túc và cố gắng cao nhất để thực hiện tốt chủ trương này. Vụ đông xuân vừa qua bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long trung bình đạt được mức lãi 30%, nhưng vấn đề lớn đặt ra trong vụ hè thu bắt đầu từ cuối tháng 6 này sẽ thu hoạch khoảng 10 triệu tấn lúa, và sẽ phải tiêu thụ khoảng 5,5 triệu tấn. Ðối với các tỉnh miền trung và miền bắc, hiện nay mức lãi của bà con nông dân có thể đạt mục tiêu nêu trên. Tuy vậy, một số đại biểu QH vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Cao Ðức Phát. Ðại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) nói, tiếp xúc cử tri và tìm hiểu thực tế, mức lãi của người làm nông không đạt được như vậy. Nếu hạch toán đầy đủ về công lao động, về đất thuê, về giá vật tư nông nghiệp... thậm chí người dân không có lãi. Một trong những nguyên nhân do cơ chế quản lý vật tư nông nghiệp dù đã đề cập nhiều lần nhưng cứ đến mùa lúc nông dân cần lại tăng giá. Cùng chung quan điểm này, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nêu rõ, hiện nay các cơ quan chức năng của Chính phủ tính giá thành sản xuất lúa, lấy mức trung bình khoảng 3.000 đồng/kg lúa, giao các doanh nghiệp mua 4.000 đồng/kg lúa, cho rằng nông dân có lãi 30%. Cách tính như vậy là chưa đúng, chưa đủ  và còn nhiều bất cập.


Ðại biểu Danh Út lập luận, cách tính như vậy mới tính yếu tố chi phí vật chất, chưa tính đến chi phí từ đất, thuê đất, hoặc mướn đất. Cách tính vừa qua áp dụng cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà chưa tính vùng miền cụ thể. Một yếu tố khác là cách tính vừa qua chưa đề cập yếu tố thiên tai. Hiện nay, dự kiến trên một công đất, người nông dân cần 3 lít xăng để bơm nước tưới tiêu. Nhưng do cả tháng nay hạn hán, người nông dân phải dùng tới cả chục lít xăng... Ðại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phát biểu bổ sung, người dân đồng bằng sông Cửu Long đang khốn đốn vì tiêu thụ lúa và gặp khó khăn khi chi phí "đầu vào" tăng cao. Hiện nay lúa tồn kho vụ đông xuân còn rất nhiều, trong khi lúa hè thu không bán được...



Đại biểu Quốc hội chất vất các
thành viên chính phủ


Trả lời vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì hướng dẫn các địa phương tính toán. Bộ Tài chính có công văn hướng dẫn việc này, các địa phương chủ động tiến hành và có báo cáo tổng hợp về Bộ Tài chính cũng như Bộ NNPTNT để có căn cứ xác định giá mua. 


Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Ðức Hiền (Quảng Ngãi) làm thế nào giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ và thị trường lớn và hiệu quả liên kết "bốn nhà", Bộ trưởng Cao Ðức Phát giải thích, nước ta, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có gần 14 triệu hộ gia đình nông dân quy mô rất nhỏ, lại phải làm ra những hàng hóa có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Những giải pháp chính Bộ NNPTNT đang triển khai là tập trung quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, trên cơ sở đó cùng với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân sản xuất theo quy trình thống nhất. Mặt khác, tiếp tục thực hiện chủ trương của Ðảng và Chính phủ về việc khuyến khích hình thành các hình thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp và hợp tác xã. Vấn đề khuyến khích hình thức liên kết bốn nhà, trước hết là giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các hợp đồng cần được quan tâm hơn. Thời gian vừa qua mới có kết quả bước đầu, chủ yếu là đối với những cây trồng, vật nuôi  nhất thiết phải có sự gắn bó giữa nông dân và doanh nghiệp, chủ yếu các doanh nghiệp chế biến như mía, đường hay sữa, cá tra...


Cho thuê đất trồng rừng phải tính đến lợi ích tổng hợp


Các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Lê Như Tiến (Quảng Trị), Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội), Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh)... nêu vấn đề: Việc một số nhà đầu tư nước ngoài thuê đất nông nghiệp trồng rừng, sắp tới việc tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá sẽ được quan tâm triển khai như thế nào? Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và  UBND các tỉnh về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký hợp đồng cho thuê đất đối với các dự án trồng rừng ra sao? Liệu các địa phương đã thực hiện đúng Luật Ðầu tư và nếu đúng thì có phù hợp với pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về biên giới, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về tài nguyên rừng hay không?


Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, đã báo cáo QH số liệu tổng hợp tới cuối năm 2009 là 10 địa phương đã xem xét và có văn bản chấp thuận các dự án đầu tư trên tổng diện tích 305.353 ha. Nhưng đây mới là chấp thuận chủ trương. Trên thực tế mới có văn bản giao để cho thuê 50 năm là 15.664 ha và đồng ý để liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp  trong nước và bà con nông dân trong nước với các nhà đầu tư trên diện tích 18.160 ha. Trên thực tế các nhà đầu tư đã trồng 15.183 ha, khoanh nuôi 542 ha. Có thông tin thiếu chính xác là Chính phủ đã cho thuê 305.353 ha, thực tế chúng ta mới cho thuê dài hạn là 15.664 ha.


Theo Bộ trưởng, xét theo Luật Ðầu tư cũng như Luật Ðất đai, việc xem xét cho thuê đất cũng như chấp thuận các dự án đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Sau khi có ý kiến trong dư luận nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ NNPTNT và các bộ đã tiến hành kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo quan điểm của Bộ NNPTNT, cách đây năm, 10 năm tình hình của đất nước ta còn nhiều khó khăn, đất trống đồi núi trọc nhiều. Vì thế đã có chủ trương và được thể hiện trong các luật là khuyến khích đầu tư nước ngoài vào trồng rừng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; coi đây là lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước và nhân dân cũng có nguyện vọng trồng rừng, trong khi đất đai để trồng rừng ngày càng ít. Vì thế phải cân nhắc việc cho thuê đất rừng. Nhưng việc giải quyết những trường hợp các nhà đầu tư đã đến, các địa phương đã có cam kết, cần thực hiện theo đúng các quy định của luật pháp, xem xét các trường hợp cụ thể, có tính đến lợi ích tổng hợp cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ NNPTNT đang tích cực phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai việc giao đất, giao rừng cho nhân dân, xem xét tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có đất để đầu tư trồng rừng.


Ðại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) thẳng thắn nêu vấn đề: Bộ trưởng nói rằng chỉ có hơn 300 nghìn ha dự kiến cho thuê chứ chưa phải cho thuê. Nhưng nếu như dư luận không phát hiện kịp thời, đương nhiên việc này sẽ cho thuê. Ðại biểu nói thêm, chung quanh việc chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao-su, Bộ NNPTNT đã "bật đèn xanh" cho việc phá rừng tự nhiên, thu hồi đất đã giao cho các tổ chức, cá nhân mà không cần bồi thường. Việc này Bộ Tư pháp đã trả lời việc thu hồi rừng không bồi thường là sai, nhưng đến nay chưa được thu hồi.



Bộ trưởng Cao Đức Phát


Liên quan nội dung về cho thuê đất rừng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH Lê Quang Bình nêu rõ: Sau khi nhận được thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng, Ủy ban đã tiến hành khảo sát một số địa phương và trao đổi thông tin với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, cho thấy: Hiện nay cả nước có 19 dự án nước ngoài được cấp phép trồng rừng tại 18 tỉnh (theo Bộ NNPTNT báo cáo là 10 tỉnh), với diện tích đất rừng là hơn 398.374 ha (Bộ NNPTNT báo cáo là 305.352 ha). Nội dung liên quan đặc điểm của đất trong báo cáo của Bộ NNPTNT chưa đề cập rõ. Thực tế cho thấy, hầu hết đất nằm ở vị trí khu vực trọng yếu về quốc phòng an ninh, có khu vực là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH nhất trí với cách xử lý của Chính phủ, theo đó đề nghị các địa phương không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đã đầu tư nước ngoài trong phạm vi các lĩnh vực nêu trên. Ðồng thời, khẩn trương giao đất còn lại cho hộ gia đình cá nhân và các công ty trong nước để đầu tư trồng rừng. Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH đề nghị Chính phủ cần xem xét lại việc phân cấp, nếu giao cho các địa phương thì Chính phủ phải có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.


Các Bộ trưởng: Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc, Tài chính Vũ Văn Ninh, Công thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia trả lời về vấn đề nêu trên  liên quan phạm vi trách nhiệm, quyền hạn được phân công phụ trách của Bộ mình.


Phát biểu kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Cao Ðức Phát, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân là lĩnh vực rất rộng, ngay trong nông nghiệp thì cũng có cả nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp. Có thể nói vấn đề này được các vị đại biểu QH và cử tri rất quan tâm. Nhân dân quan tâm không phải chỉ vì lĩnh vực đó rộng hay là địa bàn chiến lược, mà chính là bên cạnh những mặt chúng ta làm được tốt trong thời gian vừa qua, còn không ít những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm. Trong không khí  trao đổi thẳng thắn, chân thành, xây dựng và rất thiết thực giữa các đại biểu và Bộ trưởng Cao Ðức Phát, đề nghị Bộ trưởng tiếp tục rà soát kỹ tất cả các báo cáo. Những việc mà Bộ trưởng hôm nay hứa thì mong Bộ trưởng cũng hết sức quan tâm, nhất là những việc sắp tới là cần xuống cơ sở để xem xét, xử lý giải quyết, tìm hiểu vấn đề gì đề xuất bổ sung, sửa đổi pháp luật, cơ chế chính sách theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm và vai trò quản lý của mình.


Tăng cường quản lý trò chơi trực tuyến


Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Tuấn Anh  đã nhận được bảy lượt chất vấn của sáu đại biểu QH với  tám  nội dung liên quan lĩnh vực di sản văn hóa, hoạt động lễ hội... Bộ đã có văn bản trả lời đến các đại biểu có chất vấn.


Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm chất vấn là trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ VHTTDL về các dịch vụ văn hóa, đặc biệt là trò chơi trực tuyến (game online). Ðại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cảnh báo game online đã ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức lối sống, sự phát triển của giới trẻ. Ðại biểu Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) đưa ra con số cả nước có 20 triệu người chơi game online, trong đó có năm triệu người chơi thường xuyên, nhiều trò chơi có nội dung bạo lực, cờ bạc. Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Phụ Ðông (Bắc Ninh) và các đại biểu về biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của phim ảnh, băng hình có nội dung độc hại, trò chơi bạo lực, làm ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, một số tác động tiêu cực của quá trình này đã ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức, lối sống của người dân nước ta. Bộ phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý các hiện tượng sai phạm. Ðồng thời tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động thực hiện hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư và tập trung xử lý các game online bạo lực... Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nói rõ thêm vấn đề này. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết,  Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các ngành biên soạn Dự thảo Quy chế về quản lý game online bạo lực. Quản lý chặt chẽ hơn không chỉ đối với đơn vị cung cấp dịch vụ game online mà cả với người chơi tùy theo lứa tuổi. Trước mắt, hạn chế các tụ điểm game online bạo lực khu vực chung quanh các trường học, nhằm tránh tác động xấu của nó đến tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh... Liên quan vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân  phát biểu ý kiến nêu rõ, vừa qua, ngành giáo dục - đào tạo phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra các tụ điểm game online ở gần các trường học của  năm đô thị lớn, nhận thấy, hơn 70% nội dung trò chơi này có hành động bạo lực, mà không có chế tài gì; 9% nội dung liên quan đánh bạc; 14% liên quan bóng đá, đua xe...


Xã hội hóa lễ hội, nhưng không buông lỏng quản lý


Các đại biểu Hoàng Thị Bình (Cao Bằng), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Huỳnh Ngọc Ðáng (Bình Dương) chất vấn về quản lý lễ hội như thế nào để tránh thương mại hóa các lễ hội? Kinh phí mỗi năm chi cho hàng nghìn lễ hội hết bao nhiêu? Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời:  Mỗi năm, nước ta có gần tám nghìn lễ hội lớn nhỏ. Trong đó có hơn 7.000 lễ hội dân gian; 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo và các lễ hội khác. Hoạt động lễ hội đã góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh đất nước, giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của từng miền quê, các địa phương và đất nước; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tương thân, tương ái, gắn bó đoàn kết cộng đồng cho các thế hệ người Việt Nam và thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, một số lễ hội mang tính thương mại hóa, văn hóa giao tiếp ứng xử trong lễ hội còn yếu... Về giải pháp khắc phục các hạn chế thời gian tới là tập trung nâng cao nhận thức, năng lực  tổ chức và quản lý lễ hội của các cấp, các ngành. Ðổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến phù hợp từng đối tượng. Cơ chế và phương thức quản lý lễ hội phù hợp quy mô, tính chất, đặc điểm của từng lễ hội, bảo đảm nguyên tắc nhà nước chỉ đạo, quản lý, nhân dân thực hiện, xã hội hóa lễ hội nhưng không buông lỏng quản lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm... Bộ trưởng xin được trả lời sau  bằng văn bản tới các đại biểu về số kinh phí tổ chức lễ hội hàng năm là bao nhiêu.


Ðại biểu Nguyễn Ngọc Ðào (Hà Nội) đặt câu hỏi chung quanh vấn đề những mặt trái phát sinh tại các lễ hội. Bộ trưởng đã nghĩ đến ban hành luật  về lễ hội để tránh tình trạng tràn lan lễ hội và có nên xã hội hóa lễ hội? Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, việc ban hành Luật về lễ hội, Bộ đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành quy định về kỷ niệm các ngày lễ lớn, nghi thức trao tặng các danh hiệu Nhà nước... Theo đó, quy định cụ thể trường hợp lễ kỷ niệm quy mô nào, ở cấp nào sẽ được tổ chức, chỉ tập trung làm lớn trong những năm chẵn. Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, quốc lễ là lễ hội lớn của quốc gia và Nhà nước phải đứng ra tổ chức, không phải lễ hội nào cũng xã hội hóa tràn lan. Tuy nhiên phải tiết kiệm, tần suất tổ chức lễ hội hợp lý. Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) về tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ di tích, Bộ trưởng thừa nhận còn nhiều tồn tại như lúng túng trong giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, một số văn bản quản lý vẫn chưa hoàn thiện, đồng bộ. Việc trùng tu, tôn tạo di tích phá vỡ nguyên gốc, phát sinh nhiều hạn chế trong quy hoạch ranh giới, giải phóng mặt bằng các di tích; số nghệ nhân trong các đoàn nghệ thuật đang giảm, không có người kế cận như ca trù, tuồng, bài chòi...; chưa quan tâm dành ngân sách mua hiện vật phục vụ trưng bày ở các bảo tàng. Bộ trưởng cũng đề ra các giải pháp khắc phục là tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn, ban hành chính sách tôn vinh các nghệ nhân, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kiểm tra phát hiện kịp thời, xử lý vi phạm trong lĩnh vực nói trên.



Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh


Liên quan đến khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa do đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh), Nguyễn Thanh Huyền (Phú Thọ) nêu lên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Khu vui chơi giải trí ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa nói chung và dành riêng cho trẻ em còn hạn chế. Vừa qua, các ngành, các cấp, các địa phương đã nỗ lực tạo điều kiện cho các em thiếu nhi có nơi vui chơi giải trí, xây dựng nhiều khu vui chơi, nhà văn hóa. Nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các em, Bộ VHTTDL với vai trò quản lý vĩ mô trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tổng thể về thiết chế thể thao, văn hóa trong toàn quốc, trong đó quy định rõ ở các thành phố lớn, các tỉnh có bao nhiêu nhà văn hóa, nhà thi đấu, khu vui chơi giải trí; trên cơ sở đó các địa phương triển khai xây dựng. Bộ trưởng khẳng định, chủ trương của Ðảng, Nhà nước lúc nào cũng quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, trong điều kiện hiện nay, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách của Nhà nước, rất cần xã hội hóa, sự đóng góp của các nhà hảo tâm.


Thúc đẩy phát triển du lịch


Chất vấn của đại biểu Võ Thị Thủy (Bình Ðịnh) về giải pháp thúc đẩy du lịch Việt Nam thời gian tới như thế nào, được Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời: Thời gian tới, Bộ phối hợp các cơ quan chức năng, địa phương tập trung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng yêu cầu của du khách trong và ngoài nước.  Ðại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) chất vấn về việc xử lý các sai phạm trong quản lý các di sản văn hóa như thế nào? và Bộ đã ban hành bao nhiêu văn bản pháp quy để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch? Bộ trưởng trả lời: Bộ cùng các địa phương tập trung quản lý các di sản văn hóa đã được công nhận. Tuy nhiên trong thời gian qua, vẫn còn một số di sản văn hóa bị xâm hại, chưa được xử lý nghiêm. Về việc ban hành các văn bản pháp luật liên quan ngành, Bộ đã tham mưu xây dựng ba dự án luật về di sản văn hóa, Luật Ðiện ảnh và Luật Sở hữu trí tuệ. Soạn thảo trình Thủ tướng ban hành 16 quyết định liên quan ngành và Bộ ban hành hơn 50 quyết định, chỉ thị, thông tư liên quan quản lý Nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch. Bộ ra quyết định thu hồi một di tích lịch sử quốc gia  đã được công nhận chưa đúng? Ðại biểu Lê Như Tiến chất vấn tiếp, vậy trách nhiệm công nhận di tích này sai thuộc về ai? Bộ trưởng trả lời: Trong quá trình xem xét, quyết định công nhận di tích quốc gia này, có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương. Song, do chưa xem xét toàn diện, thiếu khách quan và có sự quan liêu, nên đã xảy ra sai sót. Bộ trưởng xin chịu trách nhiệm về sai sót này.


Phát biểu kết thúc buổi chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, văn hóa là lĩnh vực rộng, phạm vi văn hóa liên quan trực tiếp đến xây dựng con người, môi trường văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... cử tri rất quan tâm. Tại hội trường có 21 lượt đại biểu đăng ký chất vấn, đã có 17 lượt đại biểu chất vấn. Những nội dung trao đổi thẳng thắn, sôi nổi, tập trung vào các vấn đề lớn như làm sao tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường và mở cửa; khuyến khích phát triển lễ hội lành mạnh nhưng cũng cảnh báo mặt trái, biến tướng lễ hội; chiến lược quảng bá phát triển du lịch; bảo vệ những di tích, di sản văn hóa không bị xâm hại. Bộ trưởng chuẩn bị khá kỹ, tuy nhiên trả lời nhiều vấn đề còn chung chung. Bộ trưởng cũng đã nhận thấy nhiều vấn đề bất cập, thiếu sót và tiếp thu, hứa sẽ có những giải pháp khắc phục kịp thời trong thời gian tới.
 
                                                                                         Theo ND

Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục